TP.HCM: Tạo hành lang thông thoáng để doanh nghiệp phát triển
DNVN - Ngày 10/1/2020, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết phong trào thi đua “Doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành cùng TP.HCM đổi mới - phát triển” giai đoạn 2017 - 2022. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm chủ trì hội nghị.
Ngành nông nghiệp TP.HCM phát đấu tăng trưởng GRDP 6% trong năm 2020 / Lâm Đồng: Đổi đời nhờ trồng rau khí canh
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo nhanh về phong trào Thi đua doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành cùng thành phố phát triển, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã tiên phong cùng TP.HCM trong việc xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, hiến kế, đồng hành với thành phố trong việc thực hiện giải pháp khai thông các nguồn lực phát triển kinh tế, nguồn lực phát triển doanh nghiệp, chương trình Phát triển thương hiệu doanh nghiệp mạnh gắn với thương hiệu TP.HCM và thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng cho biết, các DN, doanh nhân đã thể hiện trách nhiện đồng hành cùng TP bằng ý thức chấp hành pháp luật trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặc khác, doanh nghiệp luôn đổi mới, sáng tạo trong phản biện, đóng góp xây dựng chính sách, hoàn thiện pháp luật và hiến kế xây dựng TP. Luôn giữ vai trò tiên phong trong việc thực hiện nghĩa vụ chính sách đối với nhà nước.
Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của DN, hướng đến tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả bằng nhiều giải pháp sáng tạo. Luôn giữ vai trò dẫn dắt, hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp; Hỗ trợ phát triển thêm nhiều DN mới, góp phần xây dựng "TP khởi nghiệp".
Tính đến nay, trên địa bàn TP.HCM có 397.574 DN với tổng vốn điều lệ 5.470.861 tỷ đồng.
Các DN, doanh nhân cũng có trách nhiệm với cộng đồng xã hội thông qua nhiều hoạt động có ý nghĩa như phong trào bảo vệ môi trường, phong trào DN, doanh nhân vì cộng đồng, các hoạt đồng xã hội từ thiện, bảo vệ biển đảo…Và rất tận tâm, tận lực cùng TP hướng đến đô thị thông minh, Trung tâm tài chính để TP.HCM đúng nghĩa là TP phát triển, nghĩa tình và đáng sống.
Theo đó, để thu hút cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân tham gia nhiều hơn, nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần phát hiện và nhân rộng mô hình các doanh nghiệp tiêu biểu của thành phố hơn nữa, hỗ trợ phát triển và xây dựng các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh trong thời gian tới.
Hội nghị lần này được đánh giá là động lực mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Hội nghị cũng đề cao tinh thần tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật; xây dựng văn hóa doanh nghiệp (DN), tinh thần tự giác, liêm chính trong kinh doanh. Đồng thời, động viên DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tham gia chương trình giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tính đến hết năm 2019, TP.HCM có 397.574 DN với tổng vốn điều lệ 5.470.861 tỷ đồng. Riêng năm 2017 có 45.287 DN, trong đó 41.612 DN được thành lập mới và 3.675 hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN với tổng số vốn đăng ký là 594.492 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2018, có 44.126 DN thành lập mới, trong đó 3.380 hộ kinh doanh chuyển lên DN với tổng vốn đăng ký 537.157 tỷ đồng. Năm 2018, các DN trên địa bàn TP đã đóng góp cho ngân sách nhà nước 269.078 tỷ đồng, và con số này tăng lên đến 112.950.543 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019.
Bên cạnh đó, hiện thủ tục và chi phí thành lập DN được giảm thiểu (tiết kiệm được 30% thời gian theo luật định mà vẫn đảm bảo hồ sơ giải quyết chặt chẽ, chính xác). Việc đăng ký trực tuyến qua cổng thông tin DN quốc gia cũng được phát huy đối đa hiệu quả. Các sáng kiến như dịch vụ "Hẹn giờ đăng ký qua tổng đài 1080", dịch vụ trả kết quả tại nhà qua bưu điện… đã thực sự làm hài lòng DN.
Ngoài ra, TP.HCM đang đẩy mạnh mạng lưới phân phối hiện đại; triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại. Trong đó, hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM với các địa phương, các tỉnh, thành, tạo điều kiện để DN quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến khách hàng và người tiêu dùng một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm trao bằng khen cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành cùng TP đổi mới - phát triển”.
Mặc khác, với sự phối hợp đồng bộ, xử lý, điều chỉnh kịp thời những biến động thị trường bất lợi, tạo sự ổn định chung về mặt bằng giá cả hàng hóa cho DN yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là động lực tích cực giúp DN cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước giúp DN vươn xa chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Đồng thời, TP.HCM luôn tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN và nhân rộng mô hình DN tiêu biểu để chủ động hỗ trợ các công ty tiềm năng phát triển thành DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh trong thời gian tới. Các hoạt động cải cách hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo thời kỳ hội nhập FTAs và cách mạng công nghiệp 4.0; tạo cơ hội cho DN tham gia xây dựng và vận hành Đô thị thông minh gắn với phong trào khởi nghiệp sáng tạo… đều là những việc làm đem lại hiệu quả thiết thực cho DN.
Năm 2019, hỗ trợ tổ chức trên 100 sự kiện thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, y tế, giáo dục, du lịch (thông qua các cuộc thi, phiên chợ khởi nghiệp, hoạt động kết nối…). Song song đó, TP.HCM năm 2019 có GRDP, khối DN vừa và nhỏ đóng góp trên 63% và trên 50% thu ngân sách TP (vượt hơn hẳn các thành phần kinh tế khác). Vì lẻ đó, DN đang thực sự đồng hành cùng TP đổi mới, phát triển.
Chỉ trong năm 2019, có 108 DN được tôn vinh DN có sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu, 57 DN phát triển bền vững trên 30 năm. Mặc dù vậy, kết quả đạt được vẫn chưa phản ánh đúng thế mạnh, tiềm năng của các DN trên địa bàn TP. Theo ông Lê Thanh Liêm, cần tạo sự lan tỏa, kết nối quy tụ đầy đủ hơn nữa các DN, doanh nhân tham gia hưởng ứng phong trào.
Năm 2020, TP.HCM phấn đấu hoàn thành các chương trình trọng tâm, trọng điểm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác hỗ trợ để DN phát huy tiềm năng nội lực, thực sự lớn mạnh, đồng hành cùng TP trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội về phát triển văn hóa, thực hiện văn minh đô thị.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã đề nghị các sở, ngành, quận, huyện cần phải tiếp cận thực tế, nắm thông tin phản ánh từ DN để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Công tác thi đua khen thưởng phải theo sát, kịp thời phát hiện những DN, doanh nhân điển hình, tiêu biểu để kịp thời khen thưởng nhằm khuyến khích, động viên DN phát triển tương xứng vai trò, vị trí của mình.
Nhân dịp này, lãnh đạo TP.HCM trao tặng bằng khen cho 20 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Minh Sơn – Ngọc Danh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo