Thị trường

TP Hồ Chí Minh: Hàng hóa thiết yếu đầy ắp trong các siêu thị, đơn hàng online tăng đột biến

DNVN - Từ ngày 10/7, thị trường hàng hóa ở TP Hồ Chí Minh không còn khan hiếm các loại hàng hóa, đặc biệt là nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm đã ổn định, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân, không có tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

TP.HCM khẳng định: Không thiếu hụt thực phẩm, người dân không nên đổ xô đi mua sắm / Người dân TP.HCM đổ xô mua hàng tích trữ, giá thực phẩm tăng mạnh vẫn "cháy hàng"

Hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm

Hiện nay, việc tạo điều kiện vận chuyển, lưu thông và cung ứng hàng hóa vào TP Hồ Chí Minh đang được các cấp, các ngành hết sức quan tâm. Nhiều biện pháp đã được thực hiện, nhằm đảm bảo các hoạt động vận tải thông suốt đi kèm với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Báo cáo nhanh từ thành phố Thủ Đức và các quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng hóa về đầy ắp các quầy kệ, lượng người đi mua giảm mạnh. Đến 10 giờ sáng ngày 10/7, tình hình cung ứng hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.

So cùng thời điểm này hai ngày trước đó (ngày 8 và 9/7), lượng người dân vào mua sắm giảm đến 50 - 60%, nhất là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, nông sản… nhu cầu tiêu thụ giảm nhiều.

Lượng hàng hóa, rau quả tại các hệ thống siêu thị TP.HCM sáng 11/7 dồi dào.

Lượng hàng hóa, rau quả tại các hệ thống siêu thị TP.Hồ Chí Minhsáng 11/7 dồi dào.

Ghi nhận của phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi vào sáng 11/7, lượng khách đến mua sắm tại siêu thị vắng hơn, đảm bảo tuân thủ quy định 5K trong phòng chống dịch. Hàng hóa được đưa lên kệ dồi dào, đầy đủ, các mặt hàng tươi sống như: rau củ quả, thịt cá, giá ổn định, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu người dân.

Tại cửa hàng Bách hóa Xanh (phường Tân Quý, quận Tân Phú) hàng rau củ, thịt lên quầy, kệ đầy đủ, ổn định, khách xếp hàng trật tự, có thực hiện 5K, có kiểm tra đo thân nhiệt, bảo đảm giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Cửa hàng Bách Hóa Xanh đã tăng cường nhân viên các cửa hàng Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động sang hỗ trợ các cửa hàng Bách Hóa Xanh nhằm giảm tải cho cửa hàng trong thời gian sức mua tăng chóng mặt.

Theo đại diện cửa hàng, lượng khách đến cửa hàng hôm qua và sáng nay đã ổn định, đảm bảo xếp hàng trật tự, giãn cách. Hiện cửa hàng vẫn đang xử lý giải quyết các đơn hàng online còn tồn, đơn hàng mới được giao hàng chậm hơn.

“Lượng người dân đi mua hàng hôm nay không tăng, cửa hàng bổ sung nguồn hàng đầy đủ, phong phú. Người dân vào mua sắm giảm đến 50 - 60%, nhất là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, nông sản… nhu cầu tiêu thụ giảm nhiều. Thời gian qua, để phòng chống dịch an toàn, cửa hàng Bách Hoá Xanh luôn thực hiện giãn cách trong mua sắm và đo nhiệt độ cho khách trước khi vào mua hàng”, chị Thuỳ Linh - nhân viên bán hàng tại đây cho biết.

Thực phẩm tươi sống đầy ắp.

Thực phẩm tươi sống tại siêu thị AEON Tân Phú sáng ngày 11/7 đầy ắp.

Tại cửa hàng Co.op Food đường Võ Thành Trang (quận Tân Bình), lượng thực phẩm tươi sống cung ứng tương đối đầy đủ, lượng người mua tuy vẫn còn đông nhưng đã giảm mạnh so với những ngày trước đó, hiện tại cửa hàng vẫn đang tuân thủ nguyên tắc "5K", hạn chế lượng người vào mua hàng.

Đại diện cửa hàng tại đây cho biết, những ngày qua từ trước khi TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 lượng đặt hàng online và qua điện thoại tại cửa hàng tăng đột biến, cửa hàng phải tăng cường nhân viên, nỗ lực rút ngắn tiến độ xử lý đơn hàng cho khách.

“Từ khi thành phố bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, lượng khách đến mua sắm tại siêu thị, cửa hàng giảm dần nhưng đơn hàng online tiếp tục tăng thêm 15%- 20% mỗi ngày. Trung bình, mỗi ngày hệ thống chỉ có thể đáp ứng tối đa 150 - 200 đơn hàng nhưng luôn tiếp nhận đến 350-450 đơn, phục vụ không xuể. Chúng tôi đang cố gắng đáp ứng đầy đủ các đơn hàng cho khách, dù có thể sẽ chậm trễ tại 1 vài khu vực, mong khách hàng thông cảm”, đại diện cửa hàng Saigon Co.op nói.

Tăng tốc xử lý đơn hàng online tăng đột biến

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Saigon Co.op đã tiến hành tăng trữ lượng hàng hoá thiết yếu và nâng cao mức độ chống dịch tại toàn bộ hệ thống bán lẻ và kêu gọi sự phối hợp của người dân thực hiện hướng dẫn các biện pháp an toàn khi đến siêu thị.

Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… đã tăng lượng dự trữ nhằm bảo đảm sẽ cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu 6 tháng tới cho các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, dầu ăn, thịt, trứng, rau củ quả, thực phẩm khô và đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như các loại gel, nước rửa tay, xà phòng, khẩu trang vải sát khuẩn.

Anh Nguyễn Hồng Minh - chạy Grab cho biết, dịch vụ đi chợ hộ GrabMart những ngày này tăng rất nhiều, nhóm mặt hàng được ưu tiên mua sắm thông qua dịch vụ có thể kể đến là thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước giải khát, thuốc...

Anh Nguyễn Hồng Minh - tài xế chạy Grab cho biết, dịch vụ đi chợ hộ GrabMart những ngày này tăng rất nhiều, nhóm mặt hàng được ưu tiên mua sắm thông qua dịch vụ có thể kể đến là thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước giải khát, thuốc...

“Lượng dự trữ của tất cả mặt hàng đã tăng gấp 3-5 lần. Do đó, người dân có thể yên tâm không bao giờ thiếu hàng hóa trong suốt thời gian giãn cách. Tại các siêu thị Co.opmart đã có công tác phân luồng, điều tiết số lượng người vào siêu thị, áp dụng hình thức phục vụ tại chỗ hạn chế di chuyển… để bảo đảm an toàn”, ông Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Đức cũng cho rằng, lượng lương thực thực phẩm không hề thiếu, thậm chí rất phong phú nhưng do “tâm lý đám đông” nên lượng khách dồn dập đổ dồn về các kênh mua sắm khiến siêu thị, cửa hàng, các trang bán hàng online đều quá tải cục bộ, tắc nghẽn.

Tương tự, cùng với việc tăng cường thời gian mở cửa phục vụ mua sắm đến 23 giờ hàng ngày, hệ thống siêu thị GO!/Big C, Tops Market còn tăng cường kênh bán hàng online. Theo đó, người tiêu dùng có thể sử dụng đa dạng ứng dụng như mua hàng qua điện thoại, Zalo shop, GrabMart, Now, Tiki, Baemin...

Số lượng đơn đặt hàng qua điện thoại và hình thức gián tiếp khác tại hệ thống siêu thị Co.opmart tăng vọt trong tuần qua.

Đơn hàng mua online sau khi soạn sẵn được Co.opmart tập trung tại 1 khu vực để các shipper đi giao.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail, để đảm bảo độ tươi ngon và an toàn đối với chuỗi cung ứng ngành hàng tươi sống tại hệ thống GO!/Big C, Tops Market thì hàng nhập mới mỗi ngày dựa trên mức độ tiêu thụ của cửa hàng. Đồng thời, điều quan trọng nhất để giữ chân khách hàng là nhà bán lẻ phải đảm bảo mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá...luôn tươi ngon.

“Đối với dự trữ, Big C và hệ thống siêu thị GO! đã chuẩn bị sẵn sàng và chúng tôi có một kho dự trữ lớn cho các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, do lượng đơn hàng online đang tăng đột biến nên chúng tôi đã tăng cường thêm nhân viên giao hàng để phục vụ khách hàng. Big C và GO! cũng đang áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá để hỗ trợ người dân tiết kiệm chi tiêu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay”, bà Nguyễn Thị Bích Vân thông tin thêm.

Trước việc người dân ngày càng mua hàng sang các ứng dụng online sau thời gian thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị các hệ thống phân phối bán lẻ có phương pháp phối hợp với các hệ thống giao hàng online, các hình thức phân phối trực tiếp đến tận tay người dân khi có yêu cầu, đảm bảo công việc giao nhận thực hiện quy trình, quy định phòng, chống dịch bệnh.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm