Người dân TP.HCM: "Thà ăn cơm chấm muối nửa tháng, còn hơn phải nằm viện thở oxy"
TP.HCM khẳng định: Không thiếu hụt thực phẩm, người dân không nên đổ xô đi mua sắm / Bộ Công Thương chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam
Ủng hộ giãn cách xã hội
Chiều tối 7/7, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định thành phố đang trải qua cuộc chiến thật sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để phòng, chống dịch. Theo đó, ông Phong thông báo: "Thành phố áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong thời gian 15 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 9/7".
Trước thông tin này, nhiều người tỏ ra bình tĩnh và nhiệt tình ủng hộ quyết định “mạnh tay” của thành phố với mong muốn dịch bệnh được đẩy lùi.
Liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh qua các phương tiện truyền thông, Chị Hoàng Thị Thuỳ Linh (quận Tân Phú) chia sẻ: “Đội ngũ y tế có hạn, mọi người cũng đã kiệt sức rồi. Thành phố áp dụng Chỉ thị 16 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM là rất kịp thời. Vì khi có các biện pháp quyết liệt thì kỳ vọng việc dập dịch có hiệu quả hơn. Giờ mỗi người ráng một chút, thà ăn cơm chấm muối nửa tháng, còn hơn phải nằm viện thở bình oxy”, chị Linh nói.
TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0h ngày 9/7.
Mỹ Châu là sinh viên vừa ra trường, dịch bệnh bùng phát khiến cô gặp trở ngại khi tìm kiếm công việc cũng như trang trải cuộc sống ở thành phố. Tuần trước, khu phố nơi cô ở bất ngờ bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19, điều này khiến sinh hoạt hàng ngày chật vật và khó khăn hơn.
Đề cập đến quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của thành phố, Mỹ Châu nói: “Đồng ý rằng phong toả, giãn cách trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp. Nhưng thay vì kéo dài thời gian giãn cách hết đợt này đến đợt khác mà chưa hiệu quả thì tại sao không làm một lần cho dứt khoát, quyết liệt. Tôi cũng như nhiều người ở đây rất ủng hộ quyết định của lãnh đạo TP.HCM. Thà bất tiện trong một thời gian ngắn, nhưng góp phần chung tay với người dân thành phố chiến thắng đại đại dịch Covid-19”.
Trước cảnh tượng người dân đổ xô về các khu chợ và siêu thị mua thực phẩm sau khi nghe tin thành phố áp dụng Chỉ thị 16, Mỹ Châu cho biết, cô thông cảm với người lớn tuổi vì họ không nắm rõ các quy định của Chỉ thị 16 nên lo lắng. Mặt khác cô không ủng hộ việc người trẻ ồ ạt mua đồ dự trữ rồi đăng lên mạng xã hội, tạo làn sóng hoang mang.
“Áp dụng Chỉ thị 16 vào lúc này là hợp lý, lẽ ra nên áp dụng sớm hơn. Thời gian này mọi người cố gắng ở nhà để cơ quan chức năng có thời gian truy vết hết F0, song song đó có thời gian để tiêm vắc xin. Ngoài ra, Chỉ thị 16 đâu cấm mọi người đi chợ. Chính quyền thành phố đã thông báo hàng hóa sẽ bảo đảm không thiếu cho dân. Việc chen nhau mua sắm chỉ khiến dịch bệnh phức tạp hơn”, Mỹ Châu cho biết.
“Đi chợ online” chung tay phòng dịch
Trong khi các chợ tự phát phải tạm ngưng hoạt động nhằm phòng chống dịch, vào các siêu thị phải chen chúc với nhiều nguy cơ nhiễm dịch, không ít người chọn dịch vụ đi chợ hộ, mua thực phẩm và hàng hóa cần thiết online.
Ngồi ở nhà vẫn có thể chọn đầy đủ nguyên liệu tươm tất cho ba bữa cơm hằng ngày cho gia đình, từ thời điểm TP.HCM bắt đầu bùng phát dịch, chỊ Bảo Trâm (quận Tân Bình, TP.HCM) đang quen dần với cách mua sắm online, dịch vụ đi chợ hộ thay vì mua hàng trực tiếp để tránh chỗ đông người.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, đi chợ online đang là giải pháp hoàn hảo cho các bà nội trợ.
Chị Trâm cho biết, sau một vài ngày đầu lúng túng lo cho bữa ăn hằng ngày của cả gia đình khi siêu thị gần nhà phải tạm đóng cửa và khu chợ tạm cách đó không xa cũng bị giăng dây để phòng chống dịch, chị Trâm được một đồng nghiệp trẻ tư vấn và hướng dẫn chuyển sang "đi chợ" trên một ứng dụng gọi xe. Và chỉ sau vài ngày, chị đã thành thục cách mua hàng qua mạng cũng như tìm thực phẩm, hàng hóa cần thiết có giá tốt.
"Chỉ cần vào ứng dụng này, tôi dễ dàng chọn siêu thị, cửa hàng gần nhà, sau đó chọn thực phẩm theo từng nhóm như thịt, hải sản, rau củ, trái cây… và chọn thanh toán qua thẻ. Mấy bữa nay, các siêu thị còn có mã giảm giá, mỗi đơn hàng cũng được khuyến mãi vài chục ngàn đồng, tính ra còn lợi hơn mình đi đến siêu thị", chị Bảo Trâm chia sẻ.
Cách nay hơn một tháng, sau vài lần nghe cơ quan chức năng thông báo "tìm người đến siêu thị" do liên quan ca F1, chị Thuý (phường Tân Quý, quận Tân Phú) bắt đầu tìm hiểu và chuyển qua đi chợ gián tiếp, đặt mua hàng qua điện thoại siêu thị gần nhà và thanh toán bằng ví điện tử.
"Bình thường siêu thị không nhận giao hàng tươi sống như thịt, cá nhưng bây giờ mua gì cũng giao và giao rất nhanh nên hàng nhận rất tươi ngon. Nhân viên cũng rất nhiệt tình, có hôm nhân viên siêu thị tư vấn có loại tôm tươi đang được khuyến mãi, mua về rất hài lòng", chị Thuý kể.
Một tài xế công nghệ đang đi chợ theo đơn hàng của khách.
Các hệ thống bán lẻ đều đang nỗ lực đa dạng hóa hình thức mua sắm gián tiếp cho khách hàng nhằm hạn chế tiếp xúc đông người mà khách hàng vẫn mua sắm với hàng hóa chất lượng bảo đảm. Thông qua một loạt ứng dụng như Grab, Now, Baemin, Foody, Zalo…, người tiêu dùng ở TP.HCM có thể dễ dàng "đi chợ", chọn thực phẩm, hàng thiết yếu và chờ giao tới tận nhà.
Theo đại diện Tổng công ty Satra, trong khi lượng khách đến mua sắm ở hệ thống Satra tại TP.HCM tăng gấp 4-5 lần, lượng đặt hàng qua điện thoại, online lại tăng rất mạnh so với trước.
Tại hệ thống Satra, các đơn hàng online, mua hàng qua điện thoại cũng tăng trưởng hơn 2 con số trong hai tuần gần đây. Siêu thị Sài Gòn (thuộc Satra) cũng đã triển khai bán hàng trực tuyến trên ứng dụng G1-Mart, nhận đặt hàng qua số điện thoại hotline, giúp người tiêu dùng dễ dàng có những thực phẩm tươi ngon mà không phải đến trực tiếp mua sắm.
"Chúng tôi cũng sắp xếp lại kho hàng để tăng diện tích sử dụng, đa dạng nguồn cung đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, giao hàng tận nhà nhanh chóng”, đại diện Satra nói. Đồng thời cho biết hệ thống cũng nhận giao các đơn hàng lớn cho các địa phương, khu cách ly, điểm phong tỏa bằng cách liên hệ và gởi đơn hàng trước một ngày qua các số hotline.
End of content
Không có tin nào tiếp theo