Thị trường

Tránh lợi dụng luật để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế

DNVN - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nêu rõ, bản thân Luật Quản lý thuế năm 2006 đã có quy định về xử lý nợ đọng thuế. Trong 13 năm triển khai thi hành, Luật Quản lý thuế năm 2006 đã được sửa đổi 3 lần, nhưng vẫn còn những điểm hạn chế nhất định liên quan đến các điều khoản xử lý nợ đọng.

Mỹ áp thuế hơn 400% với thép Việt Nam / Lâm nghiệp, thủy sản sẽ “cứu cánh” tăng trưởng nông nghiệp

Sáng 4/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về một số luật vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật Quản lý thuế.
Toàn cảnh cuộc họp báo.

Toàn cảnh cuộc họp báo.

Thông báo một số nội dung cơ bản của Luật Quản lý thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Luật Quản lý thuế 2019 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 với nhiều nội dung quan trọng như: Kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN Mở rộng quyền của người nộp thuế; Lần đầu tiên quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; Bổ sung chức năng cung cấp dịch vụ kế toán cho đại lý thuế; Siết chặt quản lý hoạt động chuyển giá...
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới quy định về xử lý nợ đọng thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nêu rõ, bản thân Luật Quản lý thuế năm 2006 đã có quy định về xử lý nợ đọng thuế. Trong 13 năm triển khai thi hành, Luật Quản lý thuế năm 2006 đã được sửa đổi 3 lần, nhưng vẫn còn những điểm hạn chế nhất định liên quan đến các điều khoản xử lý nợ đọng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại cuộc họp báo.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại cuộc họp báo.

Có 2 nhóm đối tượng nợ đọng thuế cần xem xét xử lý. Một là những chủ kinh doanh là cá nhân bị chết, coi là chết, coi là mất tích. Việc xóa nợ thuế chỉ được thực hiện khi các đối tượng này bị chết thật, mất tích thật. Người bị coi là chết, bị coi là mất tích không được xóa nợ thuế, trong khi tiền phạt 0,03% mỗi ngày được tính dồn nên càng ngày càng lớn. Hai là nhóm các doanh nghiệp đã ngừng sản xuất kinh doanh nhưng chưa làm thủ tục giải thể và phá sản cũng có khoản phạt chậm nộp rất lớn.
Thống kê nợ đọng hiện nay cho thấy, có khoảng 50% khoản nợ đọng thuế là khoản tiền phạt chậm nộp. Vì vậy, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội chỉnh sửa một số nội dung về xóa nợ, trong đó có giải pháp khoanh nợ. Khi xác định đối tượng đã bị coi là chết, mất tích, ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh thì cũng được xem xét khoanh nợ, không tính thêm tiền chậm nộp nữa, vì bản chất là không thu được.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà: Luật Quản lý thuế mới làm rõ thêm những quy định về xử lý nợ tiền gốc, tiền phạt, phạt chậm nộp thế nào theo từng cấp độ, từng đối tượng. Luật cũng mở rộng thêm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế và Cục trưởng Cục thuế. Tuy nhiên, việc xử lý những khoản nợ đọng thuế lớn phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nếu lớn hơn 15 tỷ đồng thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ đã xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý nợ đọng thuế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo, áp dụng các giải pháp được quy định trong Luật Quản lý thuế mới để giải quyết. Trường hợp đặc biệt, không áp dụng được luật mới thì báo cáo Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định. Việc đánh giá lại nợ đọng về thuế phải được hoàn thành trước thời điểm Luật Quản lý thuế có hiệu lực, ngày 01/7/2020.
Với các cơ sở kinh doanh đã được xóa nợ thuế rồi quay trở lại hoạt động, Luật Quản lý thuế quy định truy thu các khoản nợ đọng thuế đã được xóa. Đây là nội dung đã được Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội bàn thảo rất kỹ để phòng ngừa trường hợp lợi dụng pháp luật để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Cụ thể, có trường hợp tẩu tán tài sản cho người thân nên không còn tài sản tại thời điểm phá sản, dẫn tới được xóa nợ thuế. Tuy nhiên, sau đó, những trường hợp này tiếp tục đưa tài sản quay lại sản xuất, kinh doanh nên phải quy định như vậy để xử lý.
Sáng 04/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ bảy. Đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, chủ trì và điều hành cuộc họp.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thông báo một số nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà thông báo một số nội dung cơ bản của Luật Quản lý thuế; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung thông báo một số nội dung cơ bản của Luật Đầu tư công; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn thông báo một số nội dung cơ bản của Luật Kiến trúc; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trình bày một số nội dung cơ bản của Luật Giáo dục; Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trình bày một số nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, thay mặt lãnh đạo Bộ Công an trình bày một số nội dung cơ bản của Luật Thi hành án hình sự.
Cũng tại cuộc họp báo, lãnh đạo các bộ đã trả lời một số câu hỏi của báo chí liên quan đến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Quản lý thuế; Luật Giáo dục; Luật Thi hành án hình sự và Luật Đầu tư công.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm