Thị trường

Trên vùng đất cát và 'khát' vẫn nuôi được 10 tấn cá lóc, cá rô

Tận dụng vùng đất cát gần nhà, anh Nguyễn Hữu Hà, thôn An Định, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) đã xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập cao. Với diện tích trang trại 4 ha, anh đã đầu tư nuôi cá, ếch, vịt và phát triển thêm ngành dịch vụ, thu lãi mỗi năm trên 600 triệu đồng.

Năm 1976, anh Hà theo cha về dựng nhà, khai hoang vùng đất cát ở thôn An Định, xã Hồng Thủy. Cuộc sống ngày đó vô cùng khó khăn, vất vả do bão lụt, cát bay. Để vượt qua đói nghèo, năm 1990, cha con anh đã quyết định chuyển một phần đất trồng lúa, đất vườn để đào ao nuôi cá.

Mỗi năm, trang trại của anh Nguyễn Hữu Hà xuất bán 10 tấn cá lóc và cá rô đầu vuông.

Khi dự định còn dở dang, anh lên đường nhập ngũ. Ba năm sau, anh về quê lập gia đình rồi tiếp tục phát triển mô hình. Với diện tích đất 4 ha, anh đầu tư đào trên 1ha ao nuôi cá. Anh Hà nhớ lại: “Ngày đó, nhờ nuôi cá mà đời sống gia đình ngày càng khấm khá lên. Tuy nhiên, có những năm mưa lũ cuốn trôi hết nên trắng tay, mấy hết cả vốn”.

Qua những lần thất bại, anh đã rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm để tránh lũ. Đó là phải chọn các loại giống vật nuôi phù hợp, thời gian nuôi trong vòng 8 tháng, (tránh nuôi từ tháng 8 đến tháng 11 dương lịch).

Nhờ đó, anh đã có những vụ mùa bội thu. Hiện anh đang có 3 hồ nuôi các loại cá rô đầu vuông, cá lóc, cá trắm, cá chép. Tận dụng mặt nước hồ, anh nuôi thêm hàng nghìn con vịt, ếch với tổng vốn đầu tư 780 triệu đồng.

Theo anh Hà, nuôi cá lóc và cá rô đầu vuồng không khó, nhưng phải thực hiện đúng quy trình. Trước khi nuôi, ao phải được tát cạn nước, bắt hết cá tạp, vét bùn đáy ao, chừa lại lớp bùn khoảng 20cm, rửa phèn đáy ao khoảng 3-4 lần. Đáy ao được bón phân chuồng phù hợp để tạo hệ đệm nền đáy, ngăn phèn và cấp nước phù hợp.

Cá giống trước khi thả phải chọn những con khỏe mạnh, đồng đều, không xây xát, dị tật, trọng lượng từ 150-200 con/kg. Mật độ nuôi 20 con/m2.

Trong quá trình nuôi, cần định kỳ bón vôi phòng bệnh cho cá và thường xuyên thay nước, theo dõi hoạt động của cá. Với cách làm này, trung bình mỗi năm, anh xuất bán 12 tấn cá các loại, trong đó, cá lóc và cá rô đầu vuông khoảng 10 tấn, cá trắm và cá chép 2 tấn.

Ngoài phát triển chăn nuôi, anh Hà còn kinh doanh thức ăn chăn nuôi với trữ lượng hàng hóa lên cả chục tấn. Làm ăn khấm khá, anh đầu tư mua được xe ô tô tải để chở thức ăn cá đi bán và mua cá biển từ thành phố Đồng Hới về nhập lại cho các thương lái trên địa bàn.

Anh Hà tâm sự: “Cứ khoảng 2 giờ sáng, tôi lái xe tải về cảng cá Nhật Lệ để nhập cá về giao cho khách. Khoảng 7 giờ sáng, công việc bán cá hoàn thành thì về chăm cá, vịt, ếch và trồng lúa. Công việc cũng khá vất vả, nhưng làm thường xuyên rồi quen. Bù lại, thu nhập mang lại khá ổn định nên tôi có động lực để làm”.

Với mô hình kinh tế tổng hợp này, mỗi năm, gia đình anh Hà thu lãi ròng trên 600 triệu đồng. Mô hình luôn duy trì ổn định từ năm 2014 đến nay, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động nông thôn có mức lương 6 triệu đồng/tháng. Nhiều nông dân đến học hỏi kinh nghiệm và được anh giúp đỡ tận tình.

Ông Châu Văn Sông, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho biết: “Anh Phạm Hữu Hà là một trong những nông dân tiêu biểu trên địa bàn xã. Mô hình kinh tế tổng hợp của anh là điểm sáng để bà con trong xã, huyện học tập và làm theo. Trong quá trình sản xuất, anh cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhiều hộ vươn lên thoát nghèo”.

Với những kết quả đã đạt được, anh Nguyễn Hữu Hà đã tặng bằng khen, giấy khen cấp tỉnh, huyện vì có thành tích trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Theo Việt Hà/Báo Quảng Bình
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo