Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với nông sản Việt
Ngành nông nghiệp phát triển vượt trội sau khi gia nhập WTO / Cải thiện môi trường kinh doanh dư địa cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Mới đây, Trung Quốcra thông báo tiến hành kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thông thường do lo ngại dịch COVID-19 dễ lây lan qua biên giới khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa Đông và mùa Xuân. Theo đó, nhiều bước kiểm tra đã được nhà chức trách nước này đưa ra.
Nhiều "hàng rào" được dựng lên
Riêng Chính quyền tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (địa phương có biên giới với 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang) cũng đã đưa ra một số yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu thực phẩm đông lạnh.
Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. |
Theo đó, mặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu nếu không có đầy đủ 4 loại giấy tờ sau sẽ không được phép tiêu thụ trên thị trường: Chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu; chứng nhận khử trùng; chứng nhận thông tin truy xuất nguồn gốc hợp pháp; chứng nhận xét nghiệm axit nucleic âm tính với COVID-19.
Đánh giá về những động thái này, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group, nhìn nhận Trung Quốc là thị trường lớn nhất vừa siết nhập khẩu chính ngạch, vừa chặn tiểu ngạch. Hiện, Việt Nam chỉ có 10 mặt hàng được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như sầu riêng, khoai lang, chanh leo... chưa được xuất khẩu.
Trước đây, Trung Quốc chỉ kiểm soát nhà nhập khẩu, nay kiểm soát luôn nhà xuất khẩu, hàng hóa buộc phải có mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói. Do đó, chỉ có trái cây nằm trong khu vực có mã vùng trồng sang Trung Quốc mới xuất khẩu được, không thể lấy hàng từ vùng khác đưa vào vì họ kiểm soát cả sản lượng.
Ông Tùng đánh giá: Rau quả Việt Nam không còn thị trường nào dễ tính cả, tất cả đều phải được kiểm soát bài bản và truy xuất được nguồn gốc. Trước mắt, rau quả sẽ gặp khó khăn nhưng nếu nông dân chuyển đổi canh tác theo yêu cầu của Trung Quốc thì những thị trường khác cũng có thể đáp ứng được.
Trong khi đó, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước cho biết, lâu nay, nhiều mặt hàng thủy sản Việt Nam vẫn chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, dẫn tới xuất khẩu thiếu bền vững, lúc trồi lúc sụt. Đặc biệt, do không có tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng, nên thuỷ sản Việt bị lép vế, bị ép giá.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc quá dễ dãi là chuyện mà doanh nghiệp (DN) không mong muốn. Ông Lĩnh nhấn mạnh: "Chúng tôi nhiều khi rất sợ khi thị trường Trung Quốc dễ tính, bởi không có tiêu chuẩn rõ ràng khiến những DN làm ăn bài bản lại bị vạ lây. Đơn cử như lâu nay Trung Quốc không tính chuyện kiểm tra dư lượng kháng sinh trong thủy sản, dẫn đến người sản xuất thờ ơ với việc sản xuất theo tiêu chuẩn, khiến DN xuất khẩu rất khó khăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua nguồn hàng đạt tiêu chuẩn", ông Lĩnh nói.
Không thể cứ mãi đi 'cửa nhỏ'
Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), sở dĩ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch được nhiều DN chọn lựa là do lâu nay theo quy định của hình thức trao đổi của cư dân biên giới, mỗi người Trung Quốc được sang Việt Nam mua 8.000 Nhân dân tệ/ngày. Trao đổi theo hình thức cư dân biên giới, DN Trung Quốc sẽ không phải đóng bất kỳ một loại thuế nào.
"Nếu nhập khẩu chính ngạch, DN Trung Quốc dù được miễn thuế, song vẫn phải đóng thêm các khoản thuế khác như thuế giá trị gia tăng... Vì vậy, DN Trung Quốc thường tận dụng chính sách trao đổi cư dân biên giới, xé lẻ lô hàng nhập về để miễn thuế", ông Sơn nói.
Tuy nhiên, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, việc trao đổi cư dân biên giới chỉ là đảm bảo an sinh xã hội chứ không thể thay đổi xuất nhập khẩu chính ngạch. Nếu giá trị trao đổi hàng hóa cư dân biên giới cao hơn xuất nhập khẩu chính ngạch thì rất nguy hiểm vì đi kèm với đó là hàng hóa kém chất lượng.
"Nhìn vấn đề này để thấy, nếu hàng nông sản Việt Nam cứ mãi đi cửa nhỏ như vậy thì chất lượng hàng hóa không bao giờ được nâng lên, hàng sản xuất quy mô nhỏ, trình độ sản xuất, khả năng quản lý chất lượng không bao giờ đạt yêu cầu", ông Sơn nói đồng thời cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tuyên truyền định hướng DN, hộ sản xuất thay đổi quan điểm về thị trường.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT để mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất nông sản kiểu mẫu để đáp ứng nhu cầu của từng thị trường xuất khẩu.
Trong đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030, Bộ NN&PTNT xác định Trung Quốc vẫn là thị trường chính trong giai đoạn tới. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán và sớm hoàn tất để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm tiềm năng khác như: sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, roi, dừa, na… Đàm phán để tăng số DN xuất khẩu gạo, sắn và các loại nông, thủy sản khác sang thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng các kho lạnh bảo quản các sản phẩm tươi ở gần các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh nơi tập trung giao thương lớn (có thể xây dựng kết hợp với chợ đầu mối bên trong các tỉnh không nhất thiết phải ở gần cửa khẩu).
Tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất giữa DN Việt Nam và Trung Quốc để xây dựng các vùng chuyên canh xuất khẩu đảm bảo tiêu chuẩn và có hợp đồng dài hạn. Nghiên cứu thành lập hiệp hội xuất khẩu nông lâm thủy sản các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm điều phối, nâng cao hiệu quả công tác đàm phán, đầu tư và thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương