TS Cấn Văn Lực: Cần bình tĩnh trước tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Nhà đầu tư "xả hàng", giá vàng sụt giảm mạnh / Giá xăng dầu đồng loạt giảm, vẫn giữ mức trên 20.000 đồng/lít
Với Mỹ, nơi xuất khẩu số 1 của Việt Nam, chúng ta phải làm gì giảm nhẹ thiệt hại. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng chia sẻ và trấn an dư luận.
Dân Trí xin trích đăng vài ý kiến của TS Lực về đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đối với Việt Nam hiện tại và trong tương lai gần.
Sự xung đột gay gắt về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có nhiều tác động đến thương mại toàn cầu và Việt Nam là không ngoại lệ, ngay sau việc Mỹ và Trung Quốc lần lượt áp thuế với nhau, chứng khoán Việt đã giảm điểm, tâm lý nhà đầu tư bất an và doanh nghiệp có phần lo ngại, vậy đánh giá của ông thế nào?
- Rõ ràng cuộc chiến này của Mỹ và Trung Quốc có tác động nhất định đối với Việt Nam, tiền nhân dân tệ là 8 đồng tiền mạnh trong giỏ ngoại tệ để tính tỷ giá trung tâm của Việt Nam, hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam với Trung Quốc hiện nay khá lớn.
Theo tôi, tác động của cuộc chiến thương mại ngoài biên giới kia có nhưng chúng ta cần hết sức bình tĩnh, đánh giá được tác động tâm lý của nhân dân và người đầu tư, phối hợp chính sách tốt hơn, truyền thông tốt hơn.
Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cần sớm có thông điệp truyền tải và trấn an thị trường, nhà đầu tư về các tác động này, tránh suy nghĩ tiêu cực. Đặc biệt, tôi tin rằng với lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay, NHNN có đủ biện pháp để can thiệp, ổn định thị trường tiền tệ.
Hiện nay, xu hướng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, kể cả xuất khẩu lo ngại tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng tiền, theo ông tác động trực tiếp đến doanh nghiệp Việt có lớn như mức đồn đoán và tâm lý chung như hiện nay?
- Tôi cho rằng, tác động của phá giá đồng nhân dân tệ chưa đáng lo ngại, dù thương mại Việt - Trung đang lớn nhưng đồng tiền giao dịch vẫn là đô la Mỹ, chỉ một số giao dịch là Nhân dân tệ. Tuy nhiên, cơ bản đồng NDT hai bên đã cam kết giá trước đó nên không có tác động nhiều về dài hạn.
Nếu giá đồng Nhân dân tệ thấp, chúng ta lại thanh toán bằng đồng tiền này, đây là điều có lợi cho doanh nghiệp Việt bởi chúng ta đem USD đi mua hàng sẽ quy đổi ra nhiều tiền của họ hơn và mua được nhiều hàng hơn.
Trong khi đó, các giao dịch bằng USD sẽ được giữ nguyên tỷ giá, không có tác động nào với giá cả hiện nay.
Theo ông, chúng ta cần có biện pháp gì để can thiệp cả về công cụ chính sách lẫn tâm lý nhà đầu tư, doanh nghiệp?
- Phối hợp chính sách tỷ giá với cách điều hành tỷ giá là biện pháp quan trọng hiện nay. Thứ 2 là phá vỡ lo ngại tâm lý tỷ giá trên thị trường. Hiện, tâm lý tỷ giá trong giới đầu tư là khá nặng nề, cơ quan quản lý cần công khai phương án để thị trường, người dân biết và ổn định tâm lý, trấn an.
Tôi cho rằng, NHNN vẫn cần theo dõi đánh giá, sẵn sàng can thiệp tỷ giá khi cần thiết và chúng ta cũng có đủ năng lực làm việc này.
Về doanh nghiệp, tôi khuyên họ nên hết sức bình tĩnh, đánh giá tác động cuộc chiến này, chú trọng hơn rủi ro về tỷ giá, lãi suất, các công cụ này các ngân hàng thương mại đều có và giữa doanh nghiệp và ngân hàng có thể kết hợp với nhau.
Hiện tại với diễn biến của chính sách tiền tệ Trung Quốc, ông có thể phỏng đoán các tác động đối với Việt Nam, cụ thể ngành nào, lĩnh vực nào và có tác động ra sao?
- Trước tiên, doanh nghiệp chịu tác động nhất là xuất nhập khẩu, thứ 2 là doanh nghiệp nhập khẩu nhiều, còn doanh nghiệp FDI không quá lớn vì họ hầu hết là có công ty mẹ để "đỡ" rồi.
Thứ hai là thị trường chứng khoán, trong những ngày đầu của chiến tranh thương mại Mỹ- Trung bùng nổ và điều chỉnh tỷ giá, chúng ta thấy có tác động nhưng hiện nay đã khả quan hơn.
Chứng khoán Việt Nam hiện có tương quan khá tốt với thế giới, với chứng khoán Mỹ, tỷ lệ tương quan của chứng khoán Việt bằng khoảng 88%. Hai ngày qua, chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ đã xanh trở lại (tăng điểm), và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng điểm trở lại trong 2 ngày gần đây.
Điều này chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư đang ổn định, các tác động tích cực nhiều hơn tiêu cực, đặc biệt là dòng vốn đầu tư dự định sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam là rất lớn, đây là kỳ vọng nhưng cũng đặt ra thách thức về xây dựng cơ sở hạ tầng, chọn lọc dự án FDI hay chọn các nhà đầu tư lớn, xây dựng các khu công nghiệp, công nghệ cao để đón đầu xu hướng chuyển dịch dòng vốn này.
Ông đánh giá gì về việc Việt Nam có nên hoặc nên tận dụng luồng vốn di chuyển từ Trung Quốc sang trong bối cảnh hiện nay, có thể coi đây là biện pháp cạnh tranh quốc gia để có định hướng rõ ràng?
- Tôi nghĩ kỳ vọng của nhà đầu tư hiện rất lớn và Việt Nam cần tính toán đường đi nước bước và có đánh giá chiến lược về vấn đề này.
Đây không chỉ là cơ hội mà là sự cạnh tranh nguồn lực với nhau, không có yếu tố giành giật tiêu cực mà chỉ đơn thuần là sự chuyển dịch của các nhà đầu tư ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động tiêu cực và Việt Nam cũng như nhiều nước khác nên tận dụng theo định hướng phát triển của mình.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có khó khăn trong ngắn hạn nhưng về dài hạn thì không đáng quan ngại bởi sau khi doanh nghiệp Trung Quốc thích ứng được, họ sẽ nhập hàng hóa của Việt Nam. Ngược lại, khi họ ổn định tâm lý, sẽ cung ứng một số loại nguyên liệu cho Việt Nam đầy đủ và một số ngành của Việt Nam sẽ ổn định để xuất khẩu.
Tôi vẫn nói rằng, chúng ta cần nâng cao năng lực hấp thụ luồng vốn và định hình rõ xu hướng phát triển của đất nước. Giá trị gia tăng của Việt Nam nằm ở đâu, dựa vào lao động, tài nguyên hay thu hút vốn sẽ nhận được các doanh nghiệp truyền thống, còn nếu dựa vào giá trị gia tăng từ con người, công nghệ, sáng tạo, đổi mới sẽ chọn lựa được các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp thông mịnh và có giá trị cao hơn cho nền kinh tế.
Ông đánh giá như thế nào về việc hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để xuất khẩu và doanh nghiệp Việt có "thủ đoạn" mua hàng Trung Quốc gắn mác Việt xuất khẩu?
- Hàng Trung Quốc thừa công suất có thể sang Việt Nam để đội lốt hàng Việt xuất đi Mỹ, cái đó là có và cần cảnh báo mức độ cao, giám sát và xử lý triệt để nếu không sẽ nguy hại rất lớn cho sản xuất và đặc biệt là mất uy tín thương hiệu Việt trên toàn cầu.
Còn về hàng Trung Quốc đổ bộ sang Việt Nam với giá rẻ hơn do Nhân dân tệ giảm giá, cái này tôi nghĩ Việt Nam nên chấp nhận vì bối cảnh hội nhập toàn cầu, điều này không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thị trường Việt cũng khó hấp thụ hết và Trung Quốc họ sẽ đa dạng hóa nhiều thị trường.
Tôi cho rằng, cạnh tranh về giá sẽ bất lợi về dài hạn đối với hàng Trung Quốc và chúng ta có quyền điều tra chống bán phá giá, áp đặt các biện pháp phi thuế quan để hạn chế cạnh tranh tiêu cực.
Trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo