Xuất khẩu nông sản sang EU, Mỹ, Trung Quốc: Chuyên gia "bắt bệnh" những hạn chế của doanh nghiệp Việt
DNVN - Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần nắm chắc và chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn liên quan đến an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, quy định về truy suất nguồn gốc, mã số vùng trồng, bao bì/nhãn mác…
Công ty Dược VIKO 8 - Pháp bị phạt 30 triệu, thu hồi 8 Giấy xác nhận ATTP / Hà Nội: Lập 6 đoàn kiểm tra ATTP dịp Tết Nguyên đán 2017
Nắm chắc Hiệp định SPS/WTO mới tận dụng được cơ hội từ FTAs
Theo TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sau gần 15 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tính đến tháng 1/2022, Việt Nam đã ký kết tổng cộng 15 FTA và 2 FTA đang trong quá trình đàm phán.
Với số lượng này, Việt Nam nằm trong top các nền kinh tế có nhiều FTA nhất khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia các Hiệp định thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Các cam kết về ATTP và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) trong khuôn khổ các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP được đánh giá là có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao đối với Việt Nam. Việc các Hiệp định có hiệu lực và bắt đầu đi vào thực thi sẽ có tác động mạnh đến việc tổ chức thực hiện và áp dụng các quy định về SPS. Việc tham gia vào các FTA thế hệ mới đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam tiến vào các thị trường tiềm năng.
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải nắm chắc Hiệp định SPS/WTO mới tận dụng được cơ hội từ FTAs
Mặc dù vậy, theo TS Ngô Xuân Nam, việc tận dụng các lợi thế từ các FTA đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Một trong những lý do là nhiều doanh nghiệp chưa được trang bị kiến thức cơ bản về các FTA, chưa hiểu đúng nội dung và tận dụng các lợi thế và đáp ứng các các quy định trong từng FTA, trong đó có các quy định liên quan đến SPS mà Việt Nam đã cam kết.
Việc các đối tác cam kết cắt giảm thuế đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam, cũng đồng nghĩa với các yêu cầu về kỹ thuật về SPS ngày càng cao và đòi hỏi hệ thống quản lý phải đồng bộ. Việc này đang đặt ra nhiều thách thức với các Bộ ngành, cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành hàng, nhà sản xuất và chế biến thực phẩm, nông sản xuất khẩu.
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thông tin kịp thời, từ đó, thời gian các doanh nghiệp có được để đáp ứng các yêu cầu về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch đã bị giảm đáng kể, dẫn đến tăng chi phí hoặc có thể hạn chế khả năng xuất khẩu.
Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh: Nắm chắc những thông tin cơ bản của Hiệp Định về Vệ sinh An toàn thực phẩm và Kiểm dịch Động Thực vật (Hiệp định SPS) của WTO là yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt.
Lưu ý những khắt khe từ các thị trường trọng điểm
TS Ngô Xuân Nam cho biết: Khi xuất khẩu nông sản sang các thị trường trọng điểm như Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Nhật, Úc, Trung Quốc, doanh nghiệp phải nắm rõ các quy định về SPS.
Trong đó, Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam với nhiều mặt hàng như trái cây, gạo, thuỷ sản… cùng với lợi thế có vị trí địa lý giáp với Việt Nam và nhiều cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển.
Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam
Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc, tuy nhiên Hiệp định này không có chương SPS mà hiện nay cơ chế hợp tác đều thông qua việc triển khai Bản ghi nhớ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ Cộng hòa Nhân đân Trung Hoa.
Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam và Trung Quốc có 9 Hiệp định/Biên bản ghi nhớ/Thỏa thuận hợp tác về các lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật, kiểm dịch gạo, măng cụt, sữa, thạch đen… Trong những năm gần đây, Trung Quốc đặt ra các yêu cầu ngày càng cao đối với việc nâng cao chất lượng ATTP xuất nhập khẩu cũng như các quy định về kiểm dịch động, thực vật.
Ủy Ban Trung ương Đảng và Quốc vụ viện Trung Quốc đã liên tiếp sửa đổi Luật ATTP và các quy định (năm 2015 và năm 2019).
Cùng với đó, các quy chuẩn về dư lượng hóa chất thuốc trừ sâu, phụ gia thực phẩm ngày càng hoàn thiện và liên tiếp thay đổi. Về lĩnh vực kiểm địch động, thực vật, hàng loạt quy định như đánh giá rủi ro, kiểm tra trước ở nước ngoài (đăng ký doanh nghiệp), giám sát rủi ro (kiểm tra trực tuyến), kiểm tra tại cảng, cách ly và kiểm dịch, cảnh báo rủi ro và ứng phó khẩn cấp của Trung Quốc ngày càng hoàn thiện hơn.
Đối với thị trường EU, là thị trường khó tính bậc nhất thế giới, duy trì hàng rào bảo hộ khá nghiêm ngặt dựa trên các nghiên cứu khoa học chặt chẽ.
Trên thực tế, hàng nông sản xuất khẩu sang EU của Việt Nam vẫn chưa đạt được sự đồng nhất về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật trong từng lô hàng, chưa đảm bảo các điều kiện về truy xuất nguồn gốc.
Vì vậy, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường EU, không xâm nhập được vào thị trường này hoặc vào được thị trường xong bị trả lại. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn, tuân thủ các quy trình theo chuẩn quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động sản xuất hoặc phương pháp sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến..., dẫn tới chi phí tuân thủ bị gia tăng, tạo áp lực về tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với thị trường Mỹ, để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nông sản Việt cần đáp ứng một loạt tiêu chuẩn ATTP và những quy định khắt khe từ đối tác. Hệ thống ATTP của Hoa kỳ dựa trên sự mạnh mẽ, linh hoạt, và khoa học, dựa trên luật pháp liên bang và tiểu bang và trách nhiệm pháp lý của ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn.
Đối với thị trường Nhật Bản, Chính phủ Nhật bản yêu cầu các nước xuất khẩu nông sản phải tuân thủ Luật Bảo vệ thực vật, Luật Sức khỏe Thực vật và Luật Vệ sinh Thực phẩm. Những quy định được thi hành bởi Phòng Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF). Thông tin chi tiết về các quy định kiểm dịch thực vật hoặc hệ thống kiểm dịch của Nhật Bản có thể tìm thấy trên các trang Web: Trạm Bảo vệ Thực vật của Nhật Bản.
Là một quốc đảo có ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, các qui định kiểm dịch của Úc rất chặt chẽ . Tất cả thực phẩm nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn sinh học. Khi thực phẩm nhập khẩu đáp ứng được các yêu cầu này, thực phẩm được giám sát để đáp ứng được với Luật Tiêu chuẩn Thực phẩm của Úc và New Zealand.
Thị trường Úc là thị trường nhiều thách thức cho các nhà cung cấp nước ngoài. Hầu hết các nhà nhập khẩu Úc đặt hàng với số lượng nhỏ nhưng trông đợi được chào hàng với giá thấp hơn cả ở Mỹ và hầu hết các nước châu Âu. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu Úc yêu cầu thời hạn giao hàng nghiêm ngặt và đưa ra các tiêu chuẩn tương đối cao.
Từ những quy định về nhập khẩu nông sản Việt của các thị trường trọng điểm, TS. Ngô Xuân Nam khuyến nghị doanh nghiệp Việt cần thay đổi nhận thức của các đối tượng có liên quan về xu thế sử dụng sản phẩm nông sản an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu.
“Nhà sản xuất và doanh nghiệp cần nắm chắc và chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn liên quan đến ATTP, an toàn dịch bệnh, quy định về truy suất nguồn gốc, mã số vùng trồng, bao bì/nhãn mác…; cập nhật và hiểu đúng các quy định của thị trường để tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường” TS Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp
Cột tin quảng cáo