Thị trường

Ùn ứ ở cửa khẩu, nhiều container mít quay đầu bán rẻ như cho

Trước tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu, nhiều xe đã quay đầu tìm đường tiêu thụ hàng trong nội địa. Một chợ mít tự phát đã mọc lên bên đường quốc lộ lên cửa khẩu Hữu Nghị.

Tiếp tục giảm 37 khoản phí, lệ phí đến giữa năm 2022 / Cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính lĩnh vực nông nghiệp

Các cửa khẩu ở Lạng Sơn vẫn ùn ứ nghiêm trọng

Tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc vẫn đang diễn ra. Tính đến chiều 26/12, tổng số phương tiện đang chờ tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc là gần 5.800 xe.

Trong tuần qua, chỉ có 1 ngày duy nhất, số xe thông quan lên tới 200 xe, còn lại mỗi ngày các cửa khẩu ở Lạng Sơn thông quan được từ 50 - 80 xe hàng. Với tốc độ này, dự kiến phải 2 tháng mới giải quyết hết, trong khi hiện nay mỗi ngày vẫn có khoảng 70 xe hàng dồn về Lạng Sơn.

Nguyên nhân chính được xác định là do phía Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách Zero COVID, quy trình giao nhận hàng hóa được xiết rất chặt để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh.

Tình hình tại Lạng Sơn vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Tính đến chiều 26/12, hơn 4.000 xe container hàng hóa vẫn nằm bất động, số lượng xe thông quan rất nhỏ giọt. Do thời gian chờ đợi lâu, các mặt hàng nông sản đã bắt đầu hư hỏng nên nhiều doanh nghiệp, chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu xe.

Không đủ kiên nhẫn chờ đợi, nhiều xe đã quay đầu. Trung bình mỗi ngày, có từ 50 - 60 xe quay đầu tìm đường tiêu thụ hàng trong nội địa nhằm gỡ lại tiền xăng dầu. Nhiều lái xe đã kiệt sức trong hành trình chờ đợi.

Ùn ứ ở cửa khẩu, nhiều container mít quay đầu bán rẻ như cho - Ảnh 1.

Giá mít từ 40.000 đồng/kg mua tại vườn, nay bán chỉ còn 5.000 đồng.

Một chợ mít tự phát đã mọc lên bên đường quốc lộ lên cửa khẩu Hữu Nghị. Khoảng 10 xe mít đã về đây từ mấy ngày nay hy vọng gỡ gạc được phần nào vốn. Giá mít từ 40.000 đồng/kg mua tại vườn, nay bán chỉ còn 5.000 đồng, nhưng cũng phải chọn kỹ mới được quả nguyên vẹn.

"Mua cả container khoảng 30 - 40 triệu cũng có, 50 - 60 triệu, 15 - 20 triệu cũng có, càng nhiều ngày thì càng rẻ. Những xe nóng bây giờ 26 tấn, bọn chị chỉ mua vào 50 triệu một xe, có xe chỉ 15 - 20 triệu vì thối nhiều lắm", chị Hoàng Thị Sang, thương lái, chia sẻ.

Chỉ còn duy nhất cửa khẩu Hữu Nghị được thông quan, mỗi ngày cũng chỉ làm thủ tục cho hơn 50 xe. Tuy nhiên những ngày qua, nhiều xe hàng từ Quảng Ninh và Cao Bằng vẫn đang đổ về Lạng Sơn. Bãi trung chuyển dã chiến đã quá tải với hơn 1.000 xe. Áp lực phòng dịch đang đè nặng lên cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn. Theo tính toán, khoảng 2.000 tài xế và phụ xe tập trung tại đây.

"Lượng xe về nhiều nên công tác kiểm soát, giãn cách giữa các lái xe với nhau còn khó khăn", ông Trần Văn Điền, Chốt trưởng chốt kiểm dịch Trạm trung chuyển Lạng Sơn, cho hay.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, lái xe, tỉnh Lạng Sơn đã giảm phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu, giảm giá dịch vụ tại cửa khẩu Tân Thanh; theo đó giảm 20% giá dịch vụ xe ra, vào bến và giá lưu trú từ 20 - 70%, từ nay cho đến hết ngày 31/3/2022.

 

"Bộ đội Biên phòng, lực lượng chức năng như hải quan, trung tâm quản lý cửa khẩu cũng thường xuyên điện đàm với lực lượng tương ứng phía đối diện để cùng nhau tháo gỡ và tạo điều kiện cho hoạt động thông quan hàng hóa được nhanh nhất", ông Trịnh Quang Hưng, Phó Đồn trưởng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cho biết.

Nhanh chóng giải phóng xe ùn ứ tại cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn

Trước tình hình này, ngay trong chiều tối qua (26/12) Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp với các Bộ ngành và địa phương. Nhiều giải pháp đã được đưa ra tại cuộc họp này.

Theo đánh giá tại cuộc họp, tình hình ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc hiện vẫn chưa được cải thiện. Các bộ và địa phương tham gia họp trực tuyến đã thảo luận nhiều giải pháp để xử lý tình trạng trong ngắn hạn và dài hạn, trong đó đặc biệt chú trọng tới giải pháp điều tiết lượng hàng hóa lên cửa khẩu và tìm đầu ra cho các nông sản này, phấn đấu giải phóng sớm nhất hơn 5.000 xe đang tồn đọng ở các cửa khẩu thuộc 2 tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn.

Tại cuộc họp này, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tới ngày 25/12, Quảng Ninh còn trên 1.550 xe, Lạng Sơn còn hơn 4.200 xe bị ùn ứ, gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp và người dân, trong đó chủ yếu là hàng nông sản và 80% là dễ hư hỏng.

 

Bộ Công Thương nhấn mạnh nguyên nhân khách quan của tình trạng này là do phía Trung Quốc siết chặt hơn công tác phòng chống dịch. Còn về nguyên nhân chủ quan, một phần là do các địa phương, các vùng nông sản của nước ta còn sản xuất chưa theo quy chuẩn, chưa theo tín hiệu của thị trường, đặc biệt chưa chú trọng thị trường trong nước.

"Tôi nghĩ là đằng nào lên ấy cũng không thông quan được, bằng cách này hay cách khác chúng ta tiêu thụ trong thị trường nội địa. Thà bán rẻ còn hơn là đổ đi, còn hơn là mất thương hiệu", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị.

Ùn ứ ở cửa khẩu, nhiều container mít quay đầu bán rẻ như cho - Ảnh 2.

Hàng ngàn xe container chở hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. (Ảnh: NLĐ)

Đó là ở các vùng sản xuất, còn với các địa phương có cửa khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, các địa phương này không đơn thuần chỉ là nơi tiếp nhận trung chuyển hàng hóa, mà còn cần trở thành những trung tâm thông tin về tình hình thông quan hàng hoá. Bởi việc Trung Quốc siết chặt các thủ tục thông quan ở cửa khẩu được đánh giá sẽ là dài hạn.

"Làm sao siết chặt các quy định phòng chống dịch bệnh ở các cửa khẩu của chúng ta, để chúng ta thông báo là chúng ta đã siết chặt lại chứ chúng ta không chờ bạn giảm bớt thủ tục. Họ không giảm đâu bởi họ rất là nhất quán. Nếu họ không giảm thì chúng ta phải theo họ thôi", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu ý kiến.

 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhất trí với ý kiến này của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, quy trình để hình thành các vùng xanh, luồng xanh khu vực biên giới, góp phần đẩy nhanh lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu một cách an toàn.

Trước mắt, Phó Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương làm việc với phía Trung Quốc tìm giải pháp tăng thời gian làm thủ tục thông quan hàng ngày từ 8 tiếng lên 12 tiếng.

Chính phủ cũng giao Chủ tịch UBND các địa phương có cửa khẩu đang bị ùn ứ hàng hóa lớn có quyền hạn chế hoặc dừng tiếp nhận xe chở hàng hóa lên cửa khẩu trên địa bàn, đồng thời thông báo rộng rãi tới các địa phương và truyền thông đại chúng.

"Bây giờ thẩm quyền là của ai? Tôi đề nghị thống nhất giao cho Chủ tịch UBND tỉnh. Hôm nay các đồng chí chủ tịch và phó chủ tịch dự ở đây. Bởi vì tình hình các đồng chí có cái báo cáo như vậy, chủ tịch UBND tỉnh các anh phải được quyền. Có thể anh vẫn cho vào tỉnh nhưng đừng cho ra cửa khẩu", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh các địa phương cần hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, gắn với thị trường, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và truy xuất được nguồn gốc hàng hóa; tập trung mở rộng thị trường, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường truyền thống; hạn chế tiến tới chấm dứt hoạt động thương mại qua đường mòn, lối mở.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm