VCCI đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau bão số 3
Giá cà phê Robusta lại lập kỷ lục / Vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng mạnh
Qua thực tiễn tiếp cận tại nhiều địa phương tại một số tỉnh, thành phố ở khu vực miền Bắc, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực hết sức để khắc phục hậu quả sau bão số 3; đồng thời, phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng chức năng tại địa phương tương trợ lẫn nhau và góp công, góp của hỗ trợ đồng bào nhân dân ở những vùng chịu ảnh hưởng để cùng nhau vượt qua giai đoạn thách thức này.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI nhận định, đây là thời điểm rất cần những chính sách kinh tế phù hợp để doanh nghiệp các tỉnh khu vực phía Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiệt hại về lâu dài của cơn bão, bảo đảm sinh kế cho người dân. Trên cơ sở tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI đề xuất Chính phủ một số nội dung chính sách cụ thể.
Đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất từ bão Yagi, gồm tàu cá khai thác thuỷ hải sản, tàu du lịch, lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản trên mặt biển, sông, suối, ao hồ, VCCI đề xuất hỗ trợ thiệt hại thực tế đối với lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP; đồng thời, cân nhắc việc tăng mức tiền hỗ trợ và áp dụng cho cả các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ hải sản. Tính đến việc hỗ trợ thiệt hại thực tế đối với tàu cá, tàu du lịch theo định mức và giao Uỷ ban nhân dân cấp xã cùng chủ tàu thống kê thiệt hại.
Bên cạnh đó, miễn tiền thuê mặt nước cho các cơ sở nuôi trồng thuỷ hải sản đến hết năm 2025; miễn các loại phí và lệ phí có liên quan như lệ phí ra vào cảng biển, cảng bến thuỷ nội địa, phí sử dụng vị trí neo đậu trong khoảng 6 tháng đến 1 năm. Ngoài ra,Nhà nước hỗ trợ 50 -70% chi phí mua bảo hiểm cho các loại tàu cá, tàu du lịch đến hết năm 2025; cân nhắc việc miễn hoặc giảm 50% số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với đối tượng này trong khoảng 4 - 6 tháng; giảm các khoản nộp cho bảo hiểm xã hội trong khoảng 4 - 6 tháng; miễn phần kinh phí công đoàn nộp lên cấp trên cơ sở trong khoảng 4 - 6 tháng.
Đối với các ngành, lĩnh vực khác tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ, VCCI đề xuất nhanh chóng thực hiện biện pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp được quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP. Theo đó, đề nghị mở rộng diện được nhận hỗ trợ gồm cả các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chịu thiệt hại bởi bão lũ và cân nhắc nâng mức hỗ trợ cho phù hợp. Nên cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu từ mức 10% xuống mức 8% từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2024 đối với các cơ sở bán lẻ xăng dầu tại các địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ, đặc biệt là các địa phương vùng núi phía Bắc.
Bên cạnh đó, cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng điện từ mức 8% xuống 6% đối với các khách hàng sử dụng điện tại các địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ; cân nhắc việc tiếp tục gia hạn thời điểm nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ sang năm 2025; cân nhắc việc giãn thời điểm nộp các khoản nộp cho bảo hiểm xã hội từ 4 - 6 tháng cho các doanh nghiệp tại các địa phương chịu thiệt hại của bão lũ; cân nhắc giảm 50% kinh phí công đoàn nộp lên cấp trên cơ sở cho các doanh nghiệp tại các tỉnh chịu thiệt hại của bão lũ đến hết tháng 12/2024 và giãn thời điểm nộp đến năm 2025.
VCCI cũng đề nghị tiếp tục gia hạn thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2024/TT-NHNN áp dụng cho các nghĩa vụ trả nợ từ nay đến tháng 6/2025 đối với các khoản vay của khách hàng sản xuất, kinh doanh tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão Yagi. Đồng thời, VCCI cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo việc chi Quỹ phòng chống thiên tai để cứu trợ, khắc phục hậu quả của bão Yagi. Đây là quỹ do doanh nghiệp và người lao động đóng góp nhưng đến năm 2023 còn kết dư gần 2000 tỷ đồng.
Cơn bão số 3 vừa qua gây thiệt hại to lớn về người và tài sản cho nhiều tỉnh miền Bắc. Qua báo cáo của các doanh nghiệp và hiệp hội, mức độ thiệt hại đối với tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất nặng nề, ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều tài sản có giá trị lớn của không ít doanh nghiệp đã bị hư hỏng như nhà xưởng, tàu thuyền, phương tiện giao thông, máy móc, trang thiết bị, hàng hóa…
Phần lớn các doanh nghiệp khác tại các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng gián tiếp như phải đóng cửa, ngừng sản xuất kinh doanh hoặc giảm năng suất, doanh số trong thời gian bão lũ do người lao động không thể đi làm, hàng hóa không thể vận chuyển hoặc không thể tiếp cận được khách hàng. Việc khôi phục sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp rất khó khăn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và sinh kế của nhiều người dân, người lao động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 18/11: Vàng miếng, vàng nhẫn tăng mạnh
Kỳ vọng xuất nhập khẩu 2025 bứt phá
Tháng 10, sản xuất công nghiệp khởi sắc tại nhiều địa phương
Giá ngoại tệ ngày 18/11/2024: USD lên sát ngưỡng 107 điểm
Giá heo hơi ngày 18/11/2024: Ổn định trên toàn quốc
Xuất khẩu cá tra tăng mạnh, kỳ vọng vượt mốc 2 tỷ USD