Thị trường

VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 ở mức dưới 6%

DNVN - Báo cáo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024: Giữ vững vĩ mô, tạo đà hồi phục” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa đưa ra nhận định, kinh tế Việt Nam đã có khởi sắc trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, xu thế này chưa thực sự bền vững. Dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 ở mức dưới 6%.

Vietjet công bố báo cáo kiểm toán 2023, tăng trưởng mạnh mẽ về doanh doanh thu và mạng bay quốc tế / Thách thức tăng trưởng sản xuất công nghiệp

Phát biểu tại “Tọa đàm chính sách: Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô tạo đà hồi phục trong bối cảnh bất định”, sáng ngày 17/5, PGS, TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2023 là một năm “sóng gió” đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 được kỳ vọng sẽ có thêm những tích cực, tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong trung dài hạn. GDP quý I/2024 tăng 5,66%, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.

PGS, TS Nguyễn Anh Thu kỳ vọng kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong trung dài hạn.

“Khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp có tín hiệu khởi sắc rõ rệt, tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 đã hồi phục, trở về mức trên 50 điểm. Về thương mại quốc tế, tỉnh chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước”, bà Thu nhấn mạnh.

Báo cáo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024: Giữ vững vĩ mô, tạo đà hồi phục” của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) được công bố trong khuôn khổ tọa đàm nhận định, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là điểm sáng nền kinh tế Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Có 75 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức và rủi ro liên quan đến bất ổn kinh tế toàn cầu khiến tình hình phục hồi kinh tế chậm. Xung đột Nga - Ukraine kéo dài dẫn tới tiến trình phục hồi của thế giới bị đình trệ. Cùng với đó là tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu; cạnh tranh thu hút FDI các quốc gia lân cận.

Các chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức và rủi ro liên quan đến bất ổn kinh tế toàn cầu.

Đó là chưa kể tới trong nước, ngành công nghiệp phục hồi nhưng chưa ổn định. Dư nợ vay nước ngoài của Chính phủ đã giảm nhưng nợ trong nước tăng cao. Đặc biệt, áp lực tỷ giá và giá vàng liên tục đạt đỉnh đầu năm 2024 có thể dẫn tới việc gia tăng lạm phát.

Ngoài các yếu tố bong bóng tài sản và tỷ giá có thể dẫn đến thay đổi mặt bằng lãi suất thì lạm phát chi phí đẩy là yếu tố đáng quan tâm trong giai đoạn nửa cuối 2024.

“Kinh tế Việt Nam đã có khởi sắc trong 4 tháng đầu năm, động lực tăng trưởng chính là sản xuất và xuất khẩu đã có tín hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, xu thế chưa thực sự bền vững và còn nhiều rủi ro bất định phía trước. Dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức cận dưới mục tiêu là 6%”, báo cáo nhận định.

Trước những lo ngại trên, VEPR đưa ra 6 khuyến nghị để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ nay tới cuối năm. Đó là tăng cường giải ngân đầu tư công để bảo đảm đúng tiến độ và tập trung; ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp.

Cần tiếp tục giảm Thuế giá trị gia tăng trong năm 2024 với việc cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng. Bảo đảm hài hoà, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam. Hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các yếu tố tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế số.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm