Thị trường

Nhiều tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu cà phê và gia vị sang Canada

DNVN - Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê và gia vị vào Canada vì nhu cầu của thị trường này tăng ổn định trong 10 năm gần đây, kế hoạch tăng dân số lên tới 100 triệu người cũng như lợi thế đạt được từ hiệp định CPTPP...

Định vị vai trò thương lái trong chuỗi ngành hàng lúa gạo / Thù lao các sếp ngân hàng cao thấp ra sao?

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam sang Canada đạt 977 triệu USD, tăng tới 34,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, giảm 27,1% so với tháng liền kề trước đó.

Theo bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada, mức tăng trưởng này phù hợp với xu hướng tăng nhập khẩu trở lại của địa bàn trong những tháng gần đây.

Liên quan đến cà phê và gia vị, bà Quỳnh chia sẻ, thị trường cà phê Canada có nhu cầu nhập khẩu ổn định khoảng 1,4 tỷ USD/năm, riêng năm 2022, nhập khẩu cà phê vào Canada đã tăng đột biến lên đến 1,9 tỷ USD.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, theo số liệu sở tại, nhập khẩu cà phê từ Việt Nam có mức tăng khá tốt so với năm 2023. Giá trị nhập khẩu 2 tháng đầu năm đã đạt 4,4 triệu USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Cả năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 32 triệu USD. Đây cũng là mức cao nhất theo số liệu thống kê 10 năm từ 2012-2023 và tăng 220% so với trước CPTPP.


Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê và gia vị vào Canada.

"Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, có thể kỳ vọng Việt Nam sớm vượt Mexico và trở thành 1 trong 10 nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào Canada. Việt Nam là đại diện cà phê ASEAN danh tiếng nhất có mặt ở Canada, vượt qua Indonesia và Singapore", bà Quỳnh nhận định.

Đối với sản phẩm hồ tiêu, thị trường Canada có quy mô tiêu thụ mặt hàng hạt tiêu khá lớn, trung bình khoảng 80 triệu USD trong 10 năm trở lại đây. Riêng năm 2022-2023, nhập khẩu hạt tiêu đã tăng đột biến và đạt trên 100 triệu USD.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam mới xuất khẩu được 4,3 triệu USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi nhu cầu của địa bàn đối với mặt hàng này vẫn tăng 7,4% so với 2023.

Với sản phẩm quế, thị trường Canada có quy mô tiêu thụ mặt hàng này trung bình tăng dần đều ước tính từ 22-25 triệu USD/năm từ nay đến 2025. Nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lên đến 160% trong giai đoạn 2018-2022, năm vừa qua Việt Nam đã vượt Indonesia, Mỹ và trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất vào thị trường với thị phần trên 40%, giá trị kim ngạch lên đến gần 10 triệu USD, tăng gấp 3 so với năm 2018 (trước CPTPP).

"Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam mới xuất khẩu được chưa tới 1 triệu USD, giảm 16,2% so với năm 2023. Đây là xu hướng khá đáng ngại trong khi nhu cầu của thị trường vẫn tiếp tục gia tăng", bà Quỳnh đánh giá.

Theo bà Quỳnh, Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê và gia vị vào Canada vì nhu cầu của thị trường này tăng ổn định trong 10 năm gần đây. Chiến lược nhập cư của Canada đặt kế hoạch tăng dân số đến 100 triệu người, tối thiểu mỗi năm nhập cư tăng 500.000 người, trong đó khoảng 50% đến từ châu Á, có nhu cầu tiêu dùng cao với mặt hàng quế.

Do khí hậu lạnh, người Canada ngày càng ưa chuộng sử dụng gia vị trong ẩm thực và chăm sóc sức khoẻ. Đặc biệt từ sau COVID-19, nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của các loại gia vị quế, hồi, tiêu trong tăng cường miễn dịch, chống ô xi hoá.

Ngoài ra, sản phẩm cà phê robusta của Việt Nam còn có thị phần rất nhỏ ở Canada trong khi nhu cầu tiêu dùng cà phê của thị trường ngày càng tăng.

CPTPP đã mang lại lợi thế về thuế quan rõ rệt, giúp Việt Nam vượt qua các đối thủ cạnh tranh như các đối thủ cạnh tranh trong ASEAN, Ấn Độ, Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho rằng, do khoảng cách địa lý giữa hai bờ Thái Bình Dương, trong lĩnh vực nông sản, Việt Nam vẫn rất kém cạnh tranh so với các nước lân cận như Mỹ, Mexico.

Việt Nam sẽ còn gặp nhiều bất lợi vì có nhiều đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc mặt hàng và đều có lợi thế về ưu đãi thuế quan.

Để tiếp cận thị trường Canada, theo bà Quỳnh, nhà xuất khẩu Việt Nam có thể tìm kiếm thông tin về các nhà nhập khẩu của Canada qua các kênh: cơ sở dữ liệu các nhà nhập khẩu Canada, đăng ký làm thành viên của Cơ quan hỗ trợ thương mại Canada để được hỗ trợ kết nối hoặc thông qua dịch vụ của các bên môi giới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể cân nhắc tham gia các hội chợ lớn tại Canada trong lĩnh vực thực phẩm chế biến. Truy cập thường xuyên trang thông tin của Thương vụ để nắm được các cơ hội kết nối, các thông tin mới và các hoạt động hỗ trợ đặc thù của thương vụ.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm