Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế?
Thủ tướng chỉ ra 3 phương châm, 6 nhiệm vụ, giải pháp về hội nhập quốc tế / Việt - Nga tăng cường hợp tác kinh tế
Toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại, và Việt Nam đã và đang bắt kịp xu thế đó.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Nghị quyết số 22/NQ-TW về hội nhập quốc tế khẳng định, hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội; hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước.
Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. (Ảnh minh họa: KT) |
Trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, nhất là từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Việc mở cửa nền kinh tế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần không nhỏ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng năm của nền kinh tế Việt Nam.
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập kinh tế quốc tế cùng với nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước đưa Việt Nam khẳng định được vị thế trên trường quốc tế và thu hút các nhà đầu tư.
Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước đưa Việt Nam khẳng định được vị thế trên trường quốc tế và trong mắt các nhà đầu tư.
Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 do Ngân hàng Thế giới công bố dự báo Việt Nam đứng thứ 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm 2017 (82/190 nền kinh tế). Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động tham gia các tổ chức kinh tế - tài chính và các hiệp định thương mại.
Theo thống kê của Trung tâm WTO (thuộc VCCI), tính đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 13 FTA (gồm 7 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN và 6 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập), và đang hiện đàm phán 3 FTA (gồm Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP, FTA với Khối thương mại tự do Châu Âu - EFTA, FTA Việt Nam - Israel.
Việc Việt Nam ký kết các FTA song phương và đa phương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận được thị trường khu vực và thị trường toàn cầu,cũng như được tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước đối tác thuận lợi hơn. Bởi phần lớn các rào cản và điều kiện trong buôn bán đã được cam kết dỡ bỏ, chủ yếu là các hàng rào thuế quan (hầu hết về 0% hoặc dưới 5%) đã mang lại một lợi thế cạnh tranh lớn và một triển vọng tươi sáng cho nhiều ngành sản xuất hàng hóa trong nước.
Theo đánh giá của ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - Bộ Công Thương,hiện Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế ở mức rất cao. Đó là việc chủ động tham gia và đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh chau Âu (EVFTA và EVIPA).
Đây là những FTA có tác động, ý nghĩa rất lớn, giúp thực hiện thành công chiến lược thị trường, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Cho đến nay đã có gần 100 quốc gia đã có FTA với Việt Nam, ông Trịnh Minh Anh nêu rõ.
Nhận định về độ mở của nền kinh tế Việt Nam, ông Trịnh Minh Anh cho biết, sau hơn 10 năm kể từ khi Việt Nam tham gia WTO, GDP của Việt Nam đã tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%, độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, năm ngoái tăng trên 200%.
"Điều này cho thấy Việt Nam là đất nước đã gắn bó sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới, mà đang trong tiến trình chỉ có tiến và tiến nhanh chứ không được đi chậm. Đây là cũng là minh chứng cho đường lối, chủ trương chính sách hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế", ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.
Chia sẻ về thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, ông Lương Hoàng Thái,Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho biết, FTA thực chất là thỏa thuận mở cửa thị trường với sự tham gia của ít nhất hai thành viên, và với mục đích cắt giảm hoặc loại bỏ hàng rào thuế quan, dịch vụ và đầu tư tạo thuận lợi cho thương mại. Vì vậy, trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các FTA để thiết lập các Khu vực thương mại tự do. Nhằm phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của thế giới và khu vực, Việt Nam cũng đàm phán và ký kết các FTA với các tổ chức quốc tế và khu vực.
Gia nhập ASEAN từ năm 1995, Việt Nam đã chính thức mở cửa hội nhập và bắt đầu tham gia các FTA. Tuy nhiên, ban đầu mới chỉ tham gia FTA với tư cách là thành viên khối ASEAN. Theo ông Lương Hoàng Thái, giai đoạn này chủ yếu Việt Nam tham gia là các FTA thế hệ cũ, tập trung biện pháp ở biên giới, ít đi sâu vào quy định trong khuôn khổ chính sách quốc gia. Đặc biệt, Việt Nam tham gia vào các FTA này đều ở góc độ bị động. Bởi tất cả quy định của ASEAN đều có sẵn, Việt Nam không được đàm phán bất kỳ quy định nào và lợi ích khi đó hầu như không có, bởi các đối tác trên đều là đối tượng cạnh tranh sát sườn.
Tuy nhiên, sau đó, Việt Nam đã bắt đầu chủ động hơn, chủ động lựa chọn đối tác tham gia và vươn ra các thị trường xa hơn. Hiệp định đầu tiên manh nha là FTA Việt Nam- Nhật Bản. Tiếp theo đó là FTA Việt Nam – Chile, … và gần đây là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA, ông Lương Hoàng Thái thông tin thêm.
Nếu như trước đây, Việt Nam tham gia FTA ở thế bị động, thì đến nay, Việt Nam tham gia ở thế chủ động hơn, chủ động lựa chọn đối tác. Đặc biệt, Việt Nam có sự chuyển đổi về chất trong quá trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu, tham gia FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn. Chính vì vậy, bà Cecilia Malmsrom - Cao ủy thương mại của EU, khi đến Việt Nam ký Hiệp định EVFTA vừa qua, đã chia sẻ rằng, Hiệp định EVFTA là hiệp định tham vọng nhất mà EU ký với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo