Việt Nam và Indonesia cần tăng cường đầu tư chiến lược thay vì đối thủ cạnh tranh
Nhà đầu tư nước ngoài cam kết kinh doanh lâu dài tại Việt Nam / Bất chấp COVID-19, Việt Nam vẫn lọt Top 20 nền kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài
Ông Denny Abdi - Đại sứ Indonesia tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam và Indonesia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013 đã đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Trong đó có sự tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và tạo ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư song phương.
Hai nước đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại và hướng tới nâng kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm lên 15 tỷ USD trước năm 2028; nhất trí tăng cường hợp tác đầu tư thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước.
“Cam kết đó đã tái khẳng định mức độ quan hệ song phương khi Việt Nam và Indonesia kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược trong năm 2023”, ông Denny Abdi nói.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng thương mại giữa Việt Nam và Indonesia đạt 14,17 tỷ USD vào năm 2022, tăng 23,04% so với 11,5 tỷ USD vào năm 2021. Trong 5 năm qua, thương mại song phương đã tăng 9,77%.
Quan hệ song phương trong các lĩnh vực thương mại giữa hai nước chủ yếu dựa vào các sản phẩm truyền thống chủ lực như than đá, dầu cọ, thiết bị truyền thông và ô tô.
Với sự tiến bộ của công nghệ và đổi mới sáng tạo, cùng với dân số chiếm đa số trong độ tuổi lao động, cả hai quốc gia đều có tiềm năng mở rộng sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, xanh và bền vững hơn.
Về đầu tư, Indonesia coi Việt Nam có vị trí chiến lược để tăng cường hợp tác kinh tế cùng có lợi. Đầu tư nước ngoài đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Năm 2022, tổng vốn đầu tư cam kết của Indonesia tại Việt Nam hơn 31 triệu USD, đưa Indonesia lên vị trí thứ 25 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Hiện có hơn 40 công ty Indonesia đang hoạt động tại Việt Nam, phần lớn nằm ở khu vực phía Nam. Các lĩnh vực được đầu tư bao gồm các sản phẩm sản xuất, hàng tiêu dùng nhanh, hóa chất và dược phẩm, đến vận tải, du lịch và hậu cần. Các công ty này sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho thị trường Việt Nam cũng như xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo Đại sứ Indonesia tại Việt Nam, các nhà đầu tư Indonesia và Việt Nam vẫn gặp không ít thách thức khi tiếp cận thị trường của nhau.
Đặc biệt là các quy định, sự khác biệt về văn hóa và sự cạnh tranh từ các nhà đầu tư nước ngoài khác.
Việt Nam và Indonesia cần có sự hiểu biết toàn diện về các quy định đầu tư quốc gia để duy trì nền kinh tế đang phát triển và môi trường đầu tư thuận lợi. Cần làm cho cả hai thị trường trở thành điểm đến hấp dẫn của nhau.
“Ở quy mô lớn hơn, cả hai quốc gia nên xem các cam kết trong ASEAN như những định hướng hướng tới hội nhập kinh tế khu vực và hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025.
Thay vì trở thành đối thủ cạnh tranh của nhau trong tiếp cận thị trường toàn cầu, Việt Nam và Indonesia sẽ được hưởng lợi nhiều hơn thông qua việc hợp tác cùng nhau và tối ưu hóa tài sản của mình bằng cách đầu tư một cách chiến lược vào các lĩnh vực mà cả hai bên đều có lợi thế so sánh”, Đại sứ Denny Abdi nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo