Vụ Bách Hóa Xanh tăng giá bán giữa đại dịch: Mọi lời trần tình đều khó "lọt tai"
Thép tăng giá phi mã: Nhà thầu xây dựng đứng trước nguy cơ lỗ / Hàng hoá không khan hiếm, không tăng giá trên cả nước
Ngày 13/7 vừa qua, hệ thống bán lẻ Bách Hóa Xanh (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động) đã bất ngờ ra thông báo tăng giá bán đối với một số mặt hàng do phải bù đắp cho chi phí vận chuyển, xét nghiệm, nhân công... tăng cao.
Ngay lập tức, dư luận xã hội đã nhanh chóng phản ứng gay gắt, cho rằng Bách Hóa Xanh tăng giá nhiều mặt hàng để kiếm lời mùa dịch. Thậm chí trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến gay gắt kêu gọi tẩy chay mua hàng tại hệ thống lớn với 1.905 điểm bán này.
Sau vài ngày hứng chịu sự phản ứng của dư luận, hệ thống Bách Hóa Xanh đã phát đi thông tin khẳng định “không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh”.
Làm việc với Cục Quản lý Thị trường TP Hồ Chí Minh ngày 16/7, ông Trần Kinh Doanh – Tổng Giám đốc hệ thống Bách Hóa Xanh thừa nhận việc hệ thống Bách Hóa Xanh đã tăng giá bán một số mặt hàng nhưng “không phải vì mục đích lợi nhuận”.
Theo doanh nghiệp, chính sách giá bán lẻ áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh đã được điều chỉnh theo sự biến thiên của giá nhập đầu vào tại những thời điểm nhất định. Vì thế, chuyện tăng giá bán là việc làm “cực chẳng đã” do những tác động khách quan như hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng hàng hóa tươi sống do kéo dài thời gian lưu thông...
Tại buổi kiểm tra, Cục Quản lý Thị trường TP Hồ Chí Minh đã xác định Bách Hóa Xanh không tăng giá đột biến mà chỉ tăng theo điều kiện khách quan. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã nhắc nhở, đề nghị hệ thống này không được nâng giá hàng hóa một cách bất hợp lý dù có khó khăn, tăng chi phí trong việc nhập hàng hóa từ các địa phương khác về TP Hồ Chí Minh.
Trong câu chuyện Bách Hóa Xanh tăng giá bán giữa lúc đại dịch đang diễn ra phức tạp, nếu nhìn nhận khách quan, nhiều ý kiến sẽ cảm thông với doanh nghiệp này do họ đang phải gánh chịu rất nhiều áp lực dẫn tới tăng chi phí.
Tuy nhiên, rất đáng tiếc là ở đây câu chuyện lại có sự so sánh giữa Bách Hóa Xanh với các hệ thống bán lẻ lớn khác, như Saigon Co.op, VinCommerce, BigC hay AEON.
Cụ thể, nếu so sánh giữa các “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ thì Bách Hóa Xanh là cái tên đầu tiên đã “tiên phong ngược dòng tăng giá”,trong khi những hệ thống khác như Saigon Co.op (với hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food) hay VinCommerce (với hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+) lại khẳng định không tăng giá bán trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát. BigC, AEON cũng có những động thái, tuyên bố tương tự để bình ổn giá
Và nếu Bách Hóa Xanh nói rằng mình chịu rất nhiều tác động bất lợi phải tăng giá thì đương nhiên, Saigon Co.op, VinCommerce, BigC hay AEON cũng phải gánh chịu những khó khăn tương tự, bởi COVID-19 chẳng chừa một ai.
Lấy ví dụ như Saigon Co.op, doanh nghiệp này cho biết mặc dù chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong công tác vận tải, vận chuyển, xét nghiệm, một số mặt hàng khó khăn cục bộ và rất nhiều khó khăn về nhân sự nhưng vẫn không tăng giá hàng hóa.
Tại một số hệ thống, những mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt, trứng, sữa, gạo… vẫn giữ nguyên giá như từ thời điểm trước giãn cách. Tức là, sẽ có doanh nghiệp thậm chí phải bù lỗ cho một số mặt hàng để bình ổn giá.
Chính vì thế, câu hỏi được dư luận đặt ra là tại sao Bách Hóa Xanh đã vội vàng tăng trong khi các hệ thống còn vẫn nói “không” để chia sẻ khó khăn với người dân giữa bối cảnh dịch bệnh căng thẳng? Phải chăng Bách Hóa Xanh đã vội vàng tăng giá dựa vào “lý” mà quên đi cái “tình” - trách nhiệm xã hội với cộng đồng như cách mà Saigon Co.op, VinCommerce đang phải “gồng mình” gánh chịu khó khăn để bán hàng bình ổn?
Giữa lúc các chợ truyền thống phải đóng cửa theo qui định để đảm bảo an toàn, thì người dân chỉ biết đổ về các siêu thị lớn như Bách Hóa Xanh, hệ thống của Saigon Co.op, VinCommerce... mua hàng thiết yếu. Thế nên, câu trả lời ở đây chính là trách nhiệm với xã hội của các doanh nghiệp lớn. Khi dịch bệnh bùng phát và còn diễn biến khó lường thì đây chính là lúc các hệ thống lớn như người "anh cả" Bách Hóa Xanh với hệ thống gần 2.000 điểm bán thể hiện trách nhiệm xã hội của mình để "chia lửa" khó khăn với người dân.
Và vì thế, mọi lời giải thích lúc này của Bách Hóa Xanh cho động thái “tiên phong tăng giá bán” đều khó chấp nhận, khó “lọt tai” những người dân đang phải vật lộn kiếm kế sinh nhai giữa đại dịch.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định