Thị trường

Xây dựng Hoà Bình thoát lỗ quý I nhờ khoản thu nhập khác

DNVN - Quý I/2020 Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất 5 năm trở lại đây và nếu không nhờ khoản lợi nhuận khác thì Tập đoàn đã báo lỗ trong quý I.

Lào Cai: Làm giàu nhờ nuôi rắn hổ mang / Vĩnh Phúc: Xử phạt 8 vụ buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 với kết quả kém khả quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.
Kết quả kinh doanh quý I của HBC (Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính)

Kết quả kinh doanh quý I của HBC (Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính)

Quý I Hoà Bình đạt 2.442 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm tới 34% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu lao dốc trong khi các chi phí leo thang khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Hoà Bình còn chưa tới 450 triệu đồng trong khi quý I/2019 là 151 tỷ đồng.
Nếu không nhờ khoản lợi nhuận khác lên tới 18,5 tỷ đồng thì Tập đoàn đã báo lỗ quý I.
Kết thúc quý I, doanh nghiệp báo lãi 5,4 tỷ đồng, giảm tới 96% so với cùng kỳ 2019. Với kết quả kinh doanh này, lợi nhuận quý I/2020 của Hoà Bình ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Nguồn: HK tổng hợp

Nguồn: HK tổng hợp

Năm 2020 Hoà Bình lên kế hoạch 14.000 tỷ đồng doanh thu thuần, 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 25% và 52% so với năm 2018. Sau 3 tháng đầu năm, Tập đoàn mới chỉ thực hiện được 17% mục tiêu doanh thu và chưa tới 3% lợi nhuận cả năm.
Tại ngày 31/3 tổng tài sản của Tập đoàn là 14.756 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu ngắn hạn chiếm là 10.103 tỷ đồng với 4.200 tỷ đồng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng.
Đáng lưu ý, khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng dùng để phản ánh số tiền khách hàng phải trả theo tiến độ kế hoạch và số tiền phải thu theo doanh thu tương ứng với phần công việc đã hoàn thành do nhà thầu tự xác định.
Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng chỉ áp dụng đối với trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch.
Để ghi nhận doanh thu chỉ cần chứng từ xác định doanh thu tương ứng với phần công việc đã hoàn thành trong kỳ (không phải hoá đơn) do nhà thầu tự lập, không phải chờ khách hàng xác nhận.

Hoá đơn được lập trên cơ sở tiến độ thanh toán theo kế hoạch đã được quy định trong hợp đồng. Số tiền ghi trên hoá đơn là căn cứ để ghi nhận số tiền nhà thầu phải thu của khách hàng, không là căn cứ để ghi nhận doanh thu trong kỳ kế toán.
Theo đó, khoản phải thu 4.200 tỷ đồng theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng là một khoản không chắc chắn, không là căn cứ để ghi nhận doanh thu trong kỳ kế toán và đã từng là vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về phương pháp ghi nhận này. Tập đoàn đã phải trích lập 387 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi.
Hết quý I, tổng nợ đi vay của Hoà Bình là 4.864 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn và đều vay từ ngân hàng.
Trong 3 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Hoà Bình âm 533 tỷ đồng, cùng kỳ âm 252 tỷ.
Theo thông tin từ báo cáo thường niên 2019 mới được doanh nghiệp công bố, Hoà Bình đã đưa ra những khó khăn của Tập đoàn và các doanh nghiệp bất động sản nói chung trong năm 2020.
Hoà Bình cho biết thị trường bất động sản năm 2020 sẽ phải chịu các áp lực lớn về dòng vốn đầu tư nước ngoài bị ngưng trệ, các chuỗi cung ứng cho hoạt động sản xuất trong nhiều lĩnh vực cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid -19 đang diễn ra trên toàn cầu.
Thị trường bất động sản hiện vẫn còn chịu tác động bởi các rủi ro về pháp lý liên quan đến đất đai và nhà ở. Các kế hoạch thanh tra vẫn sẽ tiếp tục căn cứ Quyết định số 1369 của Bộ Xây dựng ban hành ngày 24/10/2018, theo đó trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra chuyên ngành về hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở của một số đơn vị.
Những quyết định của cơ quan quản lý về các dự án có nguồn gốc đất công phải đấu giá lại, tính lại giá đất... sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường. Liên quan đến đất công, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, thậm chí phải dừng dự án. Việc chờ đợi cơ quan quản lý tháo gỡ khó khăn, xử lý theo quy định mất rất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó có một rủi ro đáng lưu ý là rủi ro chậm thanh toán sẽ gia tăng do sự đình trệ về dòng vốn đầu tư, rủi ro về lạm phát gia tăng, cùng với bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phải đối chọi với dịch bệnh Covid-19 làm cho khả năng tiêu thụ sản phẩm của chủ đầu tư bị chậm, chủ đầu tư khó giải ngân nguồn vốn vay hoặc không huy động được nguồn vốn vay.

Hoàng Kiều
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm