Xuất khẩu gỗ kỳ vọng đạt kỷ lục mới
Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn FDI / FTA - Đòn bẩy cho xuất khẩu gạo
Ảnh minh hoạ.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã liên tục tăng qua các năm, với tốc độ tăng và mức tăng khá cao (năm 2017 tăng 9,9%, hay tăng 0,69 tỷ USD; năm 2018 tăng 16,3%, hay tăng 1,25 tỷ USD; năm 2019 tăng 19,5%, hay tăng 1,74 tỷ USD; năm 2020 tăng 16,2%, hay tăng 1,72 tỷ USD, bình quân thời kỳ 2017-2020 tăng 15,4%/năm, hay tăng 1,35 tỷ USD - còn lớn hơn tổng kim ngạch của nhiều mặt hàng).
Quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt xấp xỉ 3,7 tỷ USD, tăng tới 41,5% - cao gần gấp đôi tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (22%); kỳ vọng cả năm 2021 sẽ vượt qua mốc 14,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, lớn hơn gấp đôi năm 2016, tăng gần 20%, hay tăng 2,4 tỷ USD so với năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 6 trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam (chỉ thấp thua điện thoại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, dệt may, giày dép). Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đứng hàng đầu trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Gỗ và sản phẩm gỗ cũng là mặt hàng có mức xuất siêu lớn nhất, góp phần cải thiện cán cân thương mại…
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt được những kết quả lớn như trên do nhiều yếu tố. Tỷ lệ che phủ rừng liên tục được giữ ở mức trên dưới 42%… Hàng năm, diện tích trồng rừng tập trung liên tục qua mốc 260.000 ha. Đây vừa là một trong những yếu tố để bảo vệ và cải thiện môi trường, vừa là yếu tố cơ bản để giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ nghèo ở các tỉnh miền núi và trung du, vừa là nguồn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ…
Lượng gỗ khai thác hàng năm liên tục tăng lên: từ năm 2015 đã vượt qua mốc 10 triệu m3, từ năm 2019 vượt qua mốc 16 triệu m3. Năm 2020 tăng 33,9% so với năm 2016, bình quân một năm tăng 7,6%, hay tăng 1,07 triệu m3. Đó là những con số khá lớn, đồng thời cũng đòi hỏi việc trồng cây gây rừng cần được đẩy mạnh hơn nữa, mà mục tiêu trồng 1 tỷ cây trong 5 năm cũng nằm trong yêu cầu đó.
Về nguyên liệu gỗ còn có nguồn nhập khẩu. Nhập khẩu gỗ hiện có 3 vấn đề: kim ngạch liên tục gia tăng và hiện đã ở mức khá lớn; xuất xứ nguồn nguyên liệu theo quy định về môi trường cần được quan tâm để tránh bị kiện; tiêu dùng trong nước hiện cũng lớn và một phần dựa vào nhập khẩu, nên cần đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam, tiếp đến là Trung Quốc chiếm 9,9%, Nhật Bản chiếm 9,5%, Hàn Quốc chiếm 5,7% - chỉ 4 thị trường này đã chiếm 85,5% tổng số. Đây là những thị trường cần khai thác, nhưng cũng đặt ra vấn đề cần tránh “bỏ trứng vào một giỏ”.
Về năng lực sản xuất, không kể các cơ sở cá thể, tổ sản xuất, hợp tác xã, Việt Nam hiện có gần 12.000 doanh nghiệp, với khoảng 500.000 lao động, 320.000 tỷ đồng vốn sản xuất - kinh doanh trên 120.000 tỷ giá trị tài sản cố định, gần 360.000 tỷ đồng doanh thu thuần… Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp không lớn để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu theo quy mô lớn; tỷ suất lợi nhuận còn thấp hơn tỷ lệ chung (của chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa chỉ đạt 0,46%; của sản xuất giường, tủ, bàn ghế chỉ đạt 1,67% so với tỷ lệ chung là 3,79%)…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng