Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Rộng đường về đích
Xuất khẩu sang thị trường Mỹ: Những lưu ý trong thương chiến Mỹ - Trung / Xuất khẩu của Việt Nam sang Séc tăng 8,96%
Tăng trưởng ở nhiều thị trường
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng đầu năm 2019, XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,7 tỷ USD, tăng 16,7%. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tăng trưởng XK gỗ những tháng đầu năm do các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị từ trước, có kế hoạch phát triển lâu dài nên được sự tín nhiệm từ phía khách hàng.
Phân tích kỹ hơn về thị trường XK gỗ, ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay, Hoa Kỳ là thị trường số 1 của ngành gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam. XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ hiện chiếm tới 45% tổng giá trị XK của ngành. Tốc độ tăng trưởng XK vào thị trường này trung bình từ 15 - 17%/năm. Hoa Kỳ là thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2019 với trị giá 2,7 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2018. Hoa Kỳ còn là nhà cung cấp gỗ nguyên liệu số một cho Việt Nam.
Xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ nội - ngoại thất mang lại giá trị cao
Trong khi đó, đối với thị trường Nhật Bản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, từ đầu năm đến nay, thị phần đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản tăng. Việt Nam là thị trường cung cấp mặt hàng đồ nội thất nhà bếp lớn nhất cho Nhật Bản trong nửa đầu năm 2019, đạt 12,8 nghìn tấn, tăng 19,8% về lượng và tăng 21,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Lượng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tới 54,4% tổng lượng đồ nội thất nhà bếp nhập khẩu của Nhật Bản.
Kiểm soát chặt xuất xứ
Năm 2019, toàn ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch XK đạt 11 tỷ USD. Với kết quả đạt được, ông Nguyễn Tôn Quyền đánh giá, con số này hoàn toàn khả thi, bởi thời vụ chính rơi vào 6 tháng cuối năm, đến thời điểm này, các DN cũng đã có đủ đơn hàng.
Đối với thị trường EU, dự kiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này năm 2019 sẽ đạt trên 700 triệu USD, cao hơn con số 670 - 680 triệu USD năm 2018. Nguyên nhân do từ năm 2018 trở về trước, thị trường này chủ yếu nhập khẩu bàn ghế ngoài trời thì nay chuyển sang nhập khẩu đồ nội thất trong nhà - những sản phẩm giá trị cao hơn rất nhiều so với đồ gỗ ngoài trời. Đây cũng là những sản phẩm được nhận định là xu hướng tương lai tại thị trường EU. Để nắm bắt cơ hội thị trường, hiện các DN Việt đã và đang đầu tư, thay đổi thiết bị, công nghệ, nguyên liệu… để có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Dù tiềm năng thị trường rất mở, tuy nhiên, những rủi ro về thị trường rất khó lường. Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, việc XK gỗ và sản phẩm gỗ tăng nhanh có thể khiến Hoa Kỳ dành sự chú ý nhiều hơn tới tình hình nhập khẩu nhóm hàng này từ Việt Nam. Do đó, để giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong bối cảnh căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc vẫn còn kéo dài, các DN XK gỗ và sản phẩm gỗ cần chủ động cập nhật thông tin từ đối tác của mình và các cơ quan chức năng nhằm tránh rủi ro.
Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Mục tiêu Chính phủ đặt ra cho ngành gỗ và lâm sản là XK đạt 11 tỷ USD trong năm 2019. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ cam kết đồng hành, tạo điều kiện cho DN, bao gồm cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài cùng phát triển; dứt khoát và kiên quyết không để gian lận xuất xứ trong ngành gỗ. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo