Xuất khẩu hương nhang mang về 76,8 triệu USD có nguy cơ giảm "sốc"
Xuất khẩu gạo 8 tháng đạt 2 tỷ USD, giảm gần 15% về giá trị / Tăng hiệu quả xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập
Theo đó, việc nhập khẩu hương (nhang) (mã HS 33074100) và các chế phẩm khác (mã HS 33074900) vào Ấn Độ được chuyển từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu”. Thông báo có hiệu lực ngay ngày 31/8/2019.
Việc Ấn Độ áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu hương (nhang) đột ngột (có hiệu lực ngay tại thời điểm thông báo), không thông báo trước đã tạo ra những khó khăn nghiêm trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Ấn Độ hiện là thị trường xuất khẩu hương (nhang) chính (không có thị trường thay thế) của ngành hương nhang xuất khẩu của Việt Nam. Cả nước hiện có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất hương nhang ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
"Trung bình, mỗi tháng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 300 container hàng hương nhang sang thị trường Ấn Độ (kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2018-2019 là 76,85 triệu USD). Tuy nhiên, việc hạn chế nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ theo Thông báo nói trên khiến cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp ngay lập tức bị dừng lại.
Một số doanh nghiệp lớn xuất khẩu hương nhang có trụ sở tại Hà Nội và Hưng Yên, như: Công ty TNHH Ánh Hồng, Công ty TNHH Đức Thành, Công ty TNHH XNK Việt Khôi, Công ty TNHH XNK BHA Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất T&K Việt Nam, Công ty TNHH Khải Hoàn…cho rằng, các doanh nghiệp đã phải ngừng vận chuyển công hàng theo hợp đồng. Trong khi đó, tháng 9 hàng năm là tháng cao điểm cho hoạt động xuất khẩu hương sang Ấn Độ nhằm phục vụ cho dịp lễ lớn nhất của Ấn Độ trong tháng 10.
Được biết, các doanh nghiệp của Việt Nam đều tập trung nhân lực, tài chính, nguyên vật liệu để sản xuất hàng. Lượng hàng tồn kho rất lớn, không xuất khẩu đi nước khác được do không có thị trường xuất khẩu thay thế. Nhà xưởng phải tạm ngừng sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và việc làm, đời sống của hàng nghìn công nhân.
Bộ Công Thương vào cuộc
Ngay sau khi nhận được thông tin từ các nhà sản xuất, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có buổi làm việc với một số doanh nghiệp lớn xuất khẩu hương nhang kể trên.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký công thư gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ thể hiện quan ngại và phản đối biện pháp nói trên của Ấn Độ, đồng thời đề nghị phía Ấn Độ trước mắt không yêu cầu giấy phép nhập khẩu đối với các lô hàng hương nhang từ Việt Nam đã ký hợp đồng mua bán trước ngày 31/8/2019.
Bộ trưởng cũng đề nghị Ấn Độ xem xét, tạm thời ngừng áp dụng biện pháp cấp phép nhập khẩu trong thời gian nhu cầu thị trường ở mức đỉnh điểm (tháng 9 và tháng 10 năm 2019) và về lâu dài hủy bỏ biện pháp quản lý nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang.
Theo thống kê của Ấn Độ, kim ngạch nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ (mã HS 33074100) liên tục tăng trưởng qua các năm. Năm 2018-2019, Ấn Độ nhập khẩu 83,58 triệu USD hương nhang từ các nước trên thế giới.
Hai nước xuất khẩu chính hương nhang sang Ấn Độ là Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam luôn chiếm khoảng 90% thị phần nhập khẩu của Ấn Độ đối với mặt hàng hương nhang (mã HS 33074100). Nguyên nhân Việt Nam chiếm lĩnh thị phần nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ là do Việt Nam có lợi thế ưu đãi thuế quan của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ với thuế nhập khẩu mặt hàng này là 5% (từ 01/01/2016).
Việc áp dụng hạn chế nhập khẩu của Ấn Độ đối với hương nhang có thể xuất phát từ việc giá thành hương nhang của Việt Nam quá rẻ (giá CIF 600-650 USD/tấn) so với giá thành sản phẩm sản xuất của Ấn Độ, làm ảnh hưởng tới ngành sản xuất hương nhang, khiến nhiều doanh nghiệp của Ấn Độ bị ảnh hưởng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Ấn Độ hiện là thị trường xuất khẩu hương (nhang) chính (không có thị trường thay thế) của ngành hương (nhang) xuất khẩu của Việt Nam. Cả nước hiện có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất hương (nhang) ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.