Tăng hiệu quả xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập
Thủy sản khó đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD / Xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng 140%: Bao nhiêu % trong đó là kết quả căng thẳng Mỹ - Trung?
Ngày 27/8, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn xuất khẩu 2019 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập và xu hướng kinh tế số”. Tham dự có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp (DN) trong nước và ngoài nước cùng hơn 500 DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã xác định nhiều thị trường tiềm năng cần đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trong những năm tới. Đó là 2 thị trường quan trọng nhất là thị trường Trung Quốc và thị trường Hoa Kỳ.
Chia sẻ thông tin về các thị trường xuất khẩu tiềm năng, nhóm sản phẩm chủ lực và những điều cần lưu ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh Đ.Doãn.
Kế đến là thị trường các nước thuộc các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN, FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu,FTAViệt Nam – EU; các thị trường Việt Nam ký kết các FTA song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng định hướng xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường Việt Nam đang đàm phán FTA như Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm Thụy Sĩ, Nauy, Iceland, Liechtenstein; Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand và Israel.
Về xuất khẩu hàng hóa, có 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực cần xúc tiến mạnh gồm sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản phẩm thiết bị điện; sản phẩm từ nhựa, cao su; thực phẩm chế biến; đồ uống; sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin; trang phục may sẵn; 1 nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng là thuốc, hóa dược, dược liệu và 3 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm: trồng trọt rau và hoa cây kiểng, chăn nuôi bò sữa và heo, thủy sản gồm tôm nước lợ và cá cảnh.
“Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến xuất khẩu cũng tập trung vào mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, bởi đây là mặt hàng chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh” – ông Phạm Thiết Hòa nói.
Ông Phạm Thiết Hòa cũng lưu ý 5 vấn đề quan trọng mà DN cần nắm vững trong các FTA để nắm lấy cơ hội và phòng tránh rủi ro trong xuất khẩu. Đó là lộ trình cắt giảm thuế, các rào cản phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ và mua sắm công.
Còntheoông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, DN cần nhìn rõ ba động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; CPTPP và các FTA; kỹ thuật số và thương mại điện tử.
Từ 3 động lực này, DN cũng nên nắm được các xu hướng tiêu dùng chính ở mỗi thị trường khu vực. Tại châu Á, có 5 xu hướng tiêu dùng chính là an toàn và tốt cho sức khỏe; sự vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc; sự tiện lợi, dễ sử dụng, dễ tiếp cận; kỹ thuật số và thương mại điện tử; mua sắm đa kênh.
Còn ở Hoa Kỳ và châu Âu, phần lớn người tiêu dùng rơi vào nhóm lớn tuổi, họ có thói quen và hành vi khác với nhóm người trẻ ở châu Á. Có 5 xu hướng tiêu dùng chính ở các thị trường này gồm: an toàn và tốt cho sức khỏe, sự phân cực về hàng hóa (hàng nhãn riêng và giá rẻ với sản phẩm cao cấp), sự tiện lợi hơn, sự nâng cao trải nghiệm mua sắm và sự bền vững của xã hội.
Với lượng người tiêu dùng có ý thức cao về sức khỏe, chế độ dinh dưỡng thay đổi ít đường và nhiều đạm, Hoa Kỳ và châu Âu là những thị trường lớn cho sản phẩm hữu cơ (organic), trong đó Hoa Kỳ chiếm gần 50% thị phần. Người tiêu dùng ở các thị trường này cũng có khuynh hướng chọn các sản phẩm giá thấp, nhưng họ cũng sẵn sàng chi cho các mặt hàng cao cấp nếu giá trị mang lại tương xứng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo