Xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I tăng gần 100%
Lúa gạo Việt Nam tiến tới xuất khẩu “được giá, được lượng” / Áp thuế 10% với dịch vụ xuất khẩu có nguy cơ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt
Theo báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, toàn ngành nông lâm ngư nghiệp xuất siêu 3,36 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2024, tăng tới 96,5% so với cùng kỳ năm ngoái...
Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 18,3%; Mỹ chiếm 19,9%, tăng 28,3% và Nhật Bản chiếm 7%, tăng 4,6%.
Cà phê đã trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong quý đầu năm nay. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 799 nghìn tấn cà phê, thu về 1,9 tỷ USD; tăng 44,45 về lượng và tăng 54,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê lập kỷ lục lịch sử khi gần cán mốc 2 tỷ USD chỉ sau 3 tháng. Đáng chú ý, giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh, bình quân 3 tháng đạt 2.373 USD/tấn.
"Cà phê đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ, và vượt qua cả thủy sản. Với tình hình này, dự báo xuất khẩu cà phê cả năm 2024 sẽ thiết lập mốc kỷ lục 5 – 5,5 tỷ USD", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo cũng tăng trưởng ấn tượng, với lượng xuất 2,07 triệu tấn và kim ngạch 1,37 tỷ USD; tăng 12% về lượng và tăng 40% về kim ngạch so với 3 tháng đầu năm 2023. Việt Nam tiếp tục là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, bên cạnh Ấn Độ và Thái Lan.
Philippines là thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành hàng gạo Việt Nam. Hiện gạo Việt Nam đang chiếm tới 85% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines.
Indonesia là quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam. Hiện Indonesia đang trải qua 9 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. Giá bán gạo lẻ tại thị trường đối với gạo phẩm cấp cao đang lên tới 1,16 USD/kg, vượt giá trần Chính phủ ấn định là 0,9 USD/kg.
Trước tình hình này, các chuyên giá khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo sang các thị trường Philippines và Indonesia.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cần đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình để phục vụ cho số lượng lớn người dân thu nhập trung bình và thấp.
Đối với ngành hàng rau qua, trong tháng 3/2024 kim ngạch xuất khẩu đạt 433 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,23 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.
Với những tín hiệu tích cực của thị trường, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, năm 2024 ngành hàng rau quả tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới 6-6,5 tỷ USD; tăng trưởng ở mức 15-20% so với năm 2023. Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng cho mặt hàng rau quả của Việt Nam bởi lợi thế về địa lý, nhiều nét tương đồng trong văn hóa ẩm thực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu