Xuất khẩu nông sản có 'bắt' được đà phục hồi của thế giới?
Sóc Trăng: Tìm đầu ra cho gần 900.000 tấn nông sản / Tháo gỡ khó khăn để tiêu thụ 2 triệu tấn nông sản trong tháng 8
Thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng nông lâm thủy sản ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó có nghĩa trong 5 tháng còn lại, XK nông lâm thủy sản cần phải đạt được con số từ 14-16 tỷ USD để hoàn thành mục tiêu thu về 43-45 tỷ USD trong năm 2021.
Nguy cơ giảm tốc
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị XK tăng gồm: cao su tăng 73,6% giá trị, hạt điều tăng 14%, sắn tăng 24,1%, sản phẩm gỗ tăng 63,9%, hồ tiêu tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước...
Dự kiến XK rau củ quả 6 tháng cuối năm sẽ giảm khoảng 30%. |
Hiện nay, các thị trường XK chính gia tăng áp dụng rào cản kỹ thuật thương mại, điều tra nguồn gốc đối với một số nông sản XK chủ lực của Việt Nam. Nhằm ứng phó với tình hình này, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh (chuyên XK hạt tiêu) chia sẻ, để quá trình giao thương thông suốt khilô hàng tới nơi, DN sẽ yêu cầu bên giám định thứ 3 chủ động kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm - đây là giấy thông hành.
"Làm như vậy sẽ minh chứng cho chất lượng hạt tiêu của chúng tôi, hàng bán được giá cao hơn, mà người mua cũng yên tâm. Với tư duy chủ động như vậy, DN đã vượt qua được những hàng rào phi thuế quan của EU", ông Thông cho biết.
Vấn đề đặt ra là, trong những tháng cuối năm, XK nông sản có "bắt" được đà phục hồi của thị trường thế giới hay không? Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình sản xuất, cung ứng nông sản 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đánh giá, sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, dự kiến 6 tháng cuối năm 2021 nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ XK sẽ giảm mạnh. Nhu cầu thị trường vẫn rất lớn nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa do giãn cách, việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất tại nhà máy chế biến thủy sản giảm 50%. Cây trồng không được chăm sóc, thiếu vật tư nông nghiệp, tâm lý người trồng không tốt dẫn đến việc thiếu sản phẩm có chất lượng cao để XK. Dự kiến XK rau củ quả 6 tháng cuối năm sẽ giảm khoảng 30%.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường XK khá thuận lợi nhưng tăng trưởng XK thủy sản nửa cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và khả năng kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Trong điều kiện tốt nhất, khi dịch lắng xuống và kiểm soát được dịch bệnh sau 3 tháng thì mức tăng XK thủy sản hàng tháng trong khoảng 6-8%. Khi đó, XK thủy sản năm 2021 có thể đạt mục tiêu 9 tỷ USD.
Trong tình hình xấu hơn, dịch bệnh tiếp tục kéo dài và Trung Quốc tăng cường kiểm soát thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam thì XK thủy sản chỉ có thể đạt tối đa khoảng 8,8 tỷ USD. Tình hình sản xuất thủy sản các tháng cuối năm đang phụ thuộc nhiều vào hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản.
Việc thu mua trái cây ngày càng khó khăn, trong khi cước vận chuyển tăng theo tuần đang khiến một số DN XK lo ngại, thậm chí tính toán về việc có nên tiếp tục tăng sản lượng XK trong thời gian tới hay không. Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, hiện cước phí logistics đã vượt ngoài tầm kiểm soát của DN và cũng là bài toán khó đối với các DN XK trái cây. "Chi phí logistics tăng phi mã, DN XK đang phải đấu tranh với chính mình về việc tiếp tục hay dừng lại. Nếu nông sản bị tồn thì con số thiệt hại của DN cũng nhân lên nhiều lần", bà Vy chia sẻ.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đơn vị này có một sàn giao dịch nông sản. Thời gian qua, sàn giao dịch đã nhận được nhiều đơn hàng XK như bưởi, gạo hay sầu riêng. Đơn cử có đơn hàng XK gạo đi châu Phi với sản lượng 500 tấn/tháng hay XK trái cây sang Nhật Bản. Tuy nhiên, vấn đề gặp phải là việc thu gom các đơn hàng để XK trong bối cảnh hiện nay lại rất khó khăn do tình hình giãn cách vì dịch COVID-19.
Lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, các HTX nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trong nước và các nước trên thế giới khiến việc sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên - vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi,...) bị hạn chế, dẫn đến giá đầu vào tăng liên tục. Trong khi đó, giá bán nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản giảm đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc tái đầu tư của người dân và sự phát triển sản xuất những tháng cuối năm.
Trong bối cảnh này, ông Thịnh thông tin, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thônsẽ trao đổi với các HTX để nắm bắt được nguyện vọng cũng như kế hoạch trong việc tiếp tục chu kỳ sản xuất mới; xây dựng báo cáo phản ánh của HTX về chuyện thích ứng với dịch COVID-19.
Cần hỗ trợ HTX và DN kịp thời
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước có 78 liên hiệp HTX và 17.777 HTX nông nghiệp, có 30.027 tổ hợp tác và 19.667 trang trại. Tuy nhiên, hiện nay, các HTX đang gặp phải nút thắt về vốn tín dụng. Các gói tín dụng hiện nay tuy có lãi suất thấp nhưng các DN vừa và nhỏ, HTX nông nghiệp... khó tiếp cận để phục hồi sản xuất nhanh và XK ngay vào các thị trường khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và suy giảm.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, việc chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản có bị đứt gãy hay không thì vai trò của HTX rất quan trọng. Do vậy, cần phải có những giải pháp tạo thuận lợi cho HTX phát triển.
Bộ NN&PTNT đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; đề cương Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; xin ý kiến rộng rãi về dự thảo Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương 19 tỉnh, thành phía Nam ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 100% lực lượng công nhân các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đang thực hiện "3 tại chỗ" và các cơ sở sản xuất liên kết với nhà máy thực hiện theo chuỗi giá trị, trực tiếp sản xuất. Hiện nay, qua khảo sát một số nhà máy, lượng công nhân duy trì sản xuất đông nhưng mới chỉ tiêm vắc xin khoảng 30-40%, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.
Bên cạnh đó, đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT có kế hoạch lập danh sách các cơ sở sản xuất, DN chế biến nông sản, thực phẩm đủ năng lực để triển khai chương trình mở rộng hạn ngạch cho vay để thu mua nông sản và vật tư phục vụ nông nghiệp theo những lĩnh vực ưu tiên, nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa nông sản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo