Xuất khẩu nông sản qua biên giới Lạng Sơn gặp khó khi truy xuất nguồn gốc
Hàng Việt khó vào chuỗi cung ứng toàn cầu vì chưa chuẩn quốc tế / Cú hích cho nhà đầu tư vào ngành sản xuất gạo
Sau một thời gian thực hiện, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như thanh long, xoài... do không thực hiện tốt việc đóng gói, bao bì dán tem, đầy đủ các thông tin nên sản lượng xuất khẩu sang biên giới đang có chiều hướng giảm mạnh.
Cửa khẩu Na Hình (huyện Văn Lãng) chủ yếu xuất khẩu tinh bột sắn của các doanh nghiệp phía nam với số lượng lớn. Thế nhưng, ngày 15-11, tại cửa khẩu Na Hình, phía Trung Quốc đơn phương yêu cầu tạm ngừng nhập khẩu tinh bột sắn của Việt Nam, thông qua thương mại biên giới đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam lo lắng.
Phía Trung Quốc yêu cầu quản lý, giám sát chặt chẽ tinh bột sắn nhập khẩu vào cửa khẩu này, với lý do, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chưa đưa vào danh sách những doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn cho phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Vì vậy, họ yêu cầu tinh bột sắn nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn: sản phẩm phải đến từ doanh nghiệp Việt Nam, được đăng ký bởi doanh nghiệp Trung Quốc; sản phẩm phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật từ cơ quan chức năng Việt Nam. Nhãn mác phải được in trên bao bì, trong đó bắt buộc phải có các yếu tố: nơi sản xuất; đơn vị sản xuất; chỉ số chất lượng và phải ghi rõ sản phẩm dùng trong thực phẩm hay trong công nghiệp...
Hàng nông sản được xuất qua cửa khẩu Na Hình (Văn Lãng).
Trước thực tế này, Đội trưởng Nghiệp vụ cửa khẩu Na Hình, Lê Chiến Thắng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Hải quan cửa khẩu Na Hình đã phối hợp các lực lượng chức năng làm việc tại cửa khẩu, tiến hành trao đổi với các lực lượng chức năng của Trung Quốc, tìm biện pháp thoát gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn của Việt Nam có thêm thời gian hoàn tất hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của phía nước bạn.
Tại buổi làm việc, các lực lượng chức năng của Trung Quốc đã đồng ý tiếp tục nhập khẩu mặt hàng tinh bột sắn thời hạn đến hết ngày 30-11. Sau ngày này, nếu các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn của Việt nam không đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hàng hóa thì sẽ ngừng nhập khẩu mặt hàng này...
Để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Hải quan cửa khẩu Na Hình khuyến cáo doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ yêu cầu về các quy định truy xuất nguồn gốc hàng hóa do nước bạn đưa ra, thì hàng hóa Việt Nam mới nâng cao giá trị, có uy tín đứng vững trên thị trường nước bạn và được thông quan dễ dàng...
Cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) là cửa khẩu lớn, chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thời gian qua, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, một số mặt hàng xuất khẩu đã giảm đáng kể qua cửa khẩu này.
Chủ doanh nghiệp Cao Thị Bích ở cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng), chia sẻ, mặt hàng doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là: chuối, thanh long, cau, nhãn, xoài... Việc Trung Quốc áp dụng quy định về tem, nhãn, quy cách đóng gói để truy xuất nguồn gốc ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp, bởi nhiều khi mặt hàng xuất khẩu ít, lại phải đầu tư bao bì, nhãn, mác nên làm tăng chi phí, thời gian.
Theo bà Bích: Lúc đầu, doanh nghiệp cũng rất lúng túng bởi không biết nên triển khai theo cách nào nên một số lô hàng cau khô của doanh nghiệp bị trả về vì không đạt tiêu chuẩn về tem, nhãn, quy cách đóng gói...
Phó Chi cục trưởng Hải quan Cốc Nam (Văn Lãng) Nguyễn Quang Bách cho biết thêm, thời gian gần đây, phía Trung Quốc đẩy mạnh việc truy soát nguồn gốc xuất xứ, không cho nhập khẩu các mặt hàng quả như: chanh leo, bưởi, ớt, roi, sầu riêng, măng cụt, khoai lang... có xuất xứ từ Việt Nam qua cửa khẩu Cốc Nam dẫn đến kim ngạch xuất khẩu qua địa bàn giảm mạnh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục qua cửa khẩu này.
Để tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu trên địa bàn, đặc biệt các mặt hàng nông sản, tránh xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn Vi Công Tường nhấn mạnh, thời gian qua, các cơ quan chức năng ở các cửa khẩu đã tích cực tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết quy định của phía nước bạn, từ đó chủ động, hoàn thiện các điều kiện xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Cục Hải quan Lạng Sơn cũng tham mưu cho UBND tỉnh Lạng Sơn có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát tổng thể các mặt hàng hoa quả, nông sản xuất khẩu của cả nước để đàm phán ký thỏa thuận song phương với phía Trung Quốc.
UBND tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành đàm phán với phía bạn cho phép bổ sung danh sách các mặt hàng nông sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc như: sầu riêng, măng cụt, chanh leo... Riêng mặt hàng tinh bột sắn, UNBD tỉnh đang giao Sở Công thương tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh, có ý kiến với các bộ, ngành để xử lý...
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Công thương Lạng Sơn đã có công văn gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản biết và thực hiện. Đồng thời, khuyến cáo các doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động xuất khẩu qua địa bàn tỉnh cần đàm phán, thống nhất chặt chẽ, cụ thể với bạn hàng Trung Quốc, về mặt hàng, quy trình áp dụng, để có kế hoạch kinh doanh, tránh rủi ro, thiệt hại...
End of content
Không có tin nào tiếp theo