Xuất khẩu nông sản: Tháng đầu năm, nhiều mặt hàng tăng trưởng cao
Năm 2022, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi tăng trưởng trên các mặt sản xuất, xuất khẩu, góp phần ổn định vĩ mô trong nước và an ninh lương thực toàn cầu. Với nền tảng như vậy, bước sang năm 2023, nhiều mặt hàng nông sản tiếp tục ghi nhận tín hiệu vui trong tháng đầu tiên của năm mới.
Mùng 5 Tết: Hệ thống siêu thị, chợ dân sinh hoạt động trở lại, nguồn cung dồi dào / Sầu riêng Việt Nam được ưa chuộng tại Trung Quốc
Một gian hàng giới thiệu trái cây tươi của Việt Nam tại hội chợ triển lãm chuyên ngành rau quả tươi lớn nhất châu Á - ASIA Fruit logistica, Hong Kong (Trung Quốc)
Điểm sáng từ thị trường Trung Quốc
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023, xuất khẩu nông sản đã có những tín hiệu khởi sắc. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, đơn hàng xuất khẩu trái cây tươi trong tháng 1 ghi nhận tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm truyền thống duy trì đơn hàng ổn định. Đáng chú ý, trái bưởi xuất sang Mỹ và sầu riêng vào Trung Quốc đóng góp vào phần tăng trưởng này.
Thậm chí, các mặt hàng mới gia nhập đường đua xuất khẩu chính ngạch có đơn hàng bổ sung theo ngày. "Một là do nhu cầu của thị trường, sức mua tại châu Âu và Mỹ đang phục hồi nhanh hơn so với dự báo rằng phải đến cuối quý II/2023. Trong khi đó, mặt hàng trái cây tươi tiêu thụ nhanh do vậy đối tác đặt đơn mới theo ngày, nhất là từ thị trường Trung Quốc", ông Nguyễn Đình Tùng cho biết.
Theo ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), việc Trung Quốc mở cửa biên giới, gỡ bỏ chính sách "Zero COVID" từ ngày 8/1/2023 thì hưởng lợi nhất chính là các ngành hàng nông sản tươi sống.
"Hàng tươi sống có giá trị cao, như cua, tôm hùm, tôm sú và tôm thẻ gần như chỉ xuất bằng đường bộ, mà trong giai đoạn Trung Quốc kiểm soát dịch 'Zero COVID' thì cửa khẩu ách tắc, hàng không xuất được. Do vậy khi họ mở cửa giao thương, thông quan các mặt hàng này thuận lợi hơn. Thứ hai là sức tiêu thụ của thị trường 1,4 tỷ dân bị kìm nén gần 3 năm qua, nay họ mở lại nhà hàng thì nhu cầu thủy sản tươi sống sẽ tăng mạnh", ông Lê Bá Anh nhận định.
Dẫn chứng cho cơ hội này, ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hacaseafood cho biết, trong tháng 1, doanh nghiệp có gần 200 container hàng xuất sang thị trường Trung Quốc phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Việc mở cửa biên giới trở lại của Trung Quốc được đánh giá là điểm sáng cho xuất khẩu nông sản nước ta trong năm 2023 vì thị trường 1,4 tỷ dân đang chiếm hơn 17% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Giá gạo xuất khẩu cao, nông dân có thêm động lực mở rộng diện tích
Không chỉ được cấp phép nhập khẩu chính ngạch, mà gạo thương hiệu Việt bán với giá rất cao - Ảnh minh họa
Trong khi các ngành hàng tươi sống tận dụng lợi thế địa lý để tăng mạnh đơn hàng xuất sang Trung Quốc thì nhiều ngành hàng nông sản có giá trị kinh tế cao tiếp tục vươn ra những thị trường khó tính, điển hình là hạt gạo.
Năm vừa qua, việc gạo ST25 được nhập khẩu chính ngạch, bày bán tại các siêu thị ở Nhật Bản, Trung Đông và châu Âu, thậm chí loại gạo có thương hiệu từ Việt Nam được chọn đưa vào bếp ăn Nội các Nhật Bản là minh chứng cho thấy sự dịch chuyển từ tư duy sản lượng sang chất lượng của ngành nông nghiệp.
Không chỉ được cấp phép nhập khẩu chính ngạch mà gạo thương hiệu Việt bán với giá rất cao. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, năm vừa qua, giá gạo thơm xuất khẩu sang Trung Đông, châu Âu đạt mức bình quân 650 USD/tấn, riêng loại gạo ST24, ST25 có giá trên 1.000 USD/tấn. Đây là giá xuất khẩu cao đối với mặt hàng lúa gạo trong nhiều năm nay.
Khẳng định được thương hiệu ở các thị trường khó tính đã tạo đà cho gạo Việt ngay những ngày đầu năm 2023. Đơn cử như Công ty Trung An đã ký nhiều hợp đồng cung cấp gạo giao từ nay đến đầu quý II/2023 cho các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, châu Âu, Australia và Mỹ, số lượng lên đến gần 1.500 container, tương đương khoảng 30.000 tấn, chủ yếu gạo chất lượng cao và gạo thơm.
"Nhu cầu về gạo chất lượng cao, gạo an toàn của người tiêu dùng trong nước và thế giới hiện nay rất nhiều. Cho nên tôi tin rằng, năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục phát triển kể cả về chất lượng và giá trị. Giá gạo xuất khẩu đầu năm 2023 đang rất cao, chúng tôi bán với giá từ 600-1.250 USD/tấn, ngay cả gạo 100% tấm cũng bán với giá lên đến 468 USD/tấn", ông Phạm Thái Bình cho hay và tin tưởng năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ thắng lớn.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, thường cuối vụ giá gạo rất thấp, nên đối tác nhập khẩu căn cứ vào giá đó để đàm phán mua vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, năm nay, cuối vụ chúng ta lại bán được giá khá cao nên các hợp đồng ký cho vụ Đông Xuân trong năm 2023 sẽ có giá tốt hơn. Quan trọng hơn, khi giá gạo tăng thì người nông dân có thêm động lực mở rộng diện tích, nâng cao năng suất và chất lượng.
Còn nhiều thách thức
Ảnh minh họa.
Bước sang năm mới, cùng với cơ hội từ thị trường thì xuất khẩu các ngành hàng nông sản của nước ta được dự báo vẫn còn nhiều thách thức.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế về địa lý, chi phí vận chuyển thấp, nhu cầu cao,… để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, các tiêu chuẩn ngày càng khó hơn, nhất là có những quy định, điều chỉnh rất bất ngờ đối thủy sản nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp Việt phải có những thay đổi về quan điểm, tâm thế, tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, xây dựng chiến lược chi tiết tới từng phân khúc địa phương nếu muốn tăng tỷ trọng vào thị trường này.
Còn ông Phạm Thái Bình thì cho rằng, vấn đề liên kết hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng vẫn còn yếu. Còn tình trạng "gà nhà đá nhau" thì nông nghiệp nước nhà khó vươn tầm.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khuyến nghị, trên bất kỳ thị trường nào thì nông sản Việt cũng phải xây dựng chiến lược cạnh tranh về chất lượng, giá cả, thương hiệu.
Do vậy, điều cần làm ngay với sản xuất nông nghiệp trong nước là thực hiện tập trung sản xuất, nâng cấp chất lượng cho tất cả các ngành hàng nông sản theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính. Một trong những yêu cầu bắt buộc là truy xuất nguồn gốc.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, mã vùng trồng, ao nuôi, cơ sở chế biến, đóng gói phải được xác nhận. Liên kết hình thành vùng trồng, đảm bảo mã số vùng trồng đủ lớn và sản phẩm cung cấp ổn định cho thị trường cả về chất lượng và sản lượng. Quy trình Global GAP, VietGAP triển khai chặt chẽ từ con giống, cây giống. Mở rộng quan hệ thương mại song phương, hướng tới xuất khẩu chính ngạch, sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Làm được điều này, nông sản Việt mới có cơ hội giữ vững chỗ đứng và thị phần, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu cũng như ngay trên sân nhà.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo