Thị trường

Xuất khẩu nông sản: 'Tươi hoá héo, héo thành tươi'

Trong khi nhiều mặt hàng trái cây tươi rớt giá vì tắc đường xuất khẩu thì một số loại trái cây chế biến lại đắt hàng, tăng trưởng xuất khẩu hơn 200%.

Quảng Ngãi: Mạnh dạn phát triển những vật nuôi mới, mỗi tháng “bỏ túi” hàng chục triệu đồng / Ngân hàng đang "thừa tiền"?

Tháng 3 vừa qua, dù đang ở giai đoạn diễn biến phức tạp nhất của dịch Covid -19 nhưng ông Võ Phát Triển, Tổng Giám đốc công ty Việt - Đức vẫn quyết định nâng cấp, đưa tổng công suất chế biến của nhà máy tại Đồng Tháp lên 10 lần so với giai đoạn đầu.

Mạnh tay chi tỷ đô xây nhà máy

Đồng thời, công ty này cũng quyết định xây dựng một nhà máy chế biến rau, củ, quả thứ 2 trên diện tích 13ha tại Đồng Tháp, với tổng công suất lên 20 tấn thành phẩm/ngày.

Tỷ trọng XK trái cây chế biến chỉ chiếm 18,6% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả (Ảnh: TL)

Tỷ trọng XK trái cây chế biến chỉ chiếm 18,6% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả (Ảnh: TL)

Theo ông Võ Phát Triển, trái cây sấy dẻo của công ty Việt - Đức đã có mặt tại nhiều siêu thị ở Nga, Đức và được khách hàng rất ưa chuộng. Riêng mặt hàng xoài sấy dẻo, mỗi năm công ty này nhận đặt hàng từ châu Âu 500.000 - 600.000 Euro.

Nhận thấy tiềm năng năng của xuất khẩu (XK) trái cây chế biến, Tập đoàn TH cho biết, đang đẩy nhanh xây dựng Nhà máy chế biến rau, quả và đồ uống công nghệ tại Vân Hồ, tỉnh Sơn La với công nghệ trích ly tự động hiện đại nhất của Đức, Italia. Lần đầu tiên chế biến quả cam, nhãn dạng cô đặc Việt Nam. Dự kiến tháng 11/2020, tập đoàn TH sẽ ra mắt những sản phẩm trái cây đầu tiên.

Không chịu thua kém những "tân binh", ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) - DN chuyên xuất khẩu trái, cho biết, các mặt hàng rau, củ, quả đã qua chế biến sâu, thời hạn bảo quản lâu, phù hợp nhiều thị trường trên thế giới. Do vậy, DN không lo ngại nhiều đến vấn đề tồn ứ hàng hóa ở vùng nguyên liệu hay các rủi ro khách quan khác.

Chính vì vậy, khi dịch Covid-19 bùng phát, phần lớn sản phẩm của công ty này vẫn XK bình thường. Hiện, công ty đã đầu tư nhà máy chế biến rau, quả ở hai tỉnh: Ninh Bình và Bắc Giang. Và mới nhất là khánh thành một Trung tâm chế biến rau, quả ở tỉnh Gia Lai để chế biến nhiều dòng sản phẩm rau, củ, quả như: chuối, dứa, thanh long, chanh dây, bơ, xoài, sầu riêng, rau chân vịt, đậu tương rau, bắp ngọt, khoai lang Nhật, bí Nhật…

 

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng, cho biết: DN này đang xây dựng vùng trái cây nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Dự kiến, trong 2 năm tới sẽ có sản phẩm T&T Organic cung cấp ra thị trường.

Theo ông Tùng, không riêng T&T, nhiều DN khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư vùng trồng, tạo ra sản phẩm sạch, tạo hướng đi riêng để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước, đồng thời đây cũng là nền tảng để các DN có thể XK có giá trị cao sang thị trường thế giới.

"Gái có công, chồng không phụ"

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sản phẩm chế biến là một trong những chủng loại hàng rau quả không chịu tác động từ đại dịch Covid-19, trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 166,1 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, xoài sấy (14,4 triệu USD, tăng 149,7% so với cùng kỳ), nước chanh leo (10,6 triệu USD, tăng 3,5%), trái cây sấy (gần 9,5 triệu USD, tăng 222%), lá nho chế biến 8,8 triệu USD...

 

Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường, Cục Xuất nhập khẩu nhìn nhận, sản phẩm chế biến sẽ vẫn là chủng loại chiếm ưu thế bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu. Đẩy mạnh XK sản phẩm chế biến làm tăng trị giá XK toàn ngành hàng rau quả khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều thị trường trên thế giới là giải pháp tối ưu.

Điều này cho thấy việc nhiều "ông lớn" đổ tiền đầu tư phát triển nhà máy chế biến trái cây là bước đi đúng đắn. Được biết, Bộ NN&PTNT cũng đang hoàn thiện dự thảo đề án Phát triển ngành chế biến rau củ quả để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khó khăn mà các DN chế biến trái cây gặp phải là phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo chất lượng trái cây đồng đều. Hiện, đa phần DN không có điều kiện để sở hữu được vùng đất màu mỡ, vị trí thuận lợi. Trong khi đó, sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn.

Dẫn đến, tỷ trọng XK trái cây chế biến chỉ chiếm 18,6% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, chiếm tỷ trọng thấp nên mức tăng trưởng mạnh không bù đắp được sự sụt giảm của ngành hàng rau quả trong 3 tháng đầu năm 2020.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, muốn xây dựng được nguyên liệu ổn định trước hết DN phải gầy dựng lòng tin với nông dân.

 

Ông Tùng chia sẻ: Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, giá thị trường xuống thấp nhưng T&T vẫn mua cho người nông dân đúng như giá trị. Điển hình như trái vú sữa Sóc Trăng, khi thị trường xuống còn 10.000 đồng/kg, T&T mua cho người nông dân với giá 39.000 đồng/kg. Sau việc này, rất nhiều bà con đã rất muốn liên kết, muốn làm vùng trồng, hợp tác với T&T. Việc này giúp T&T dễ dàng xây dựng vùng nguyên liệu hơn.

"Khi làm ăn bền vững, có uy tín, giúp giảm thiểu rủi ro, thậm chí không có rủi ro. Người dân từ đó nhận thấy nên làm và trồng thế nào. Từ đó, chúng ta có được nền nông nghiệp có thể XK sang các thị trường lớn, thị trường khó tính, cạnh tranh tốt tại thị trường trong nước. Thay vì nơm nớp lo sợ chính sách nhập khẩu của Trung Quốc thay đổi", ông Tùng nhấn mạnh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm