Thị trường

Xuất khẩu rau quả bao giờ qua 'cơn bĩ cực'?

Là mặt hàng bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, trong quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm 11,5% so cùng kỳ năm ngoái. Đơn hàng bị huỷ, giãn thời gian giao hàng nên áp lực chi phí kho lạnh bảo quản là rất nặng với các doanh nghiệp trong lúc “bĩ cực” này.

Tác động kép từ đại dịch Covid-19 và giá dầu, PVN không hoàn thành kế hoạch quý I / Độc đáo nghề bẫy mực ốc trên vùng biển Tây Nam

Một báo cáo vừa cập nhật của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về tình hình giao nhận hàng hoá tại một số cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc tính đến ngày 4/4 cho thấy tổng số xe tồn là 1.230 xe.

Hồi hộp chờ quý II

Riêng các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn tồn 1.114 xe hàng chờ xuất. Như ở cửa khẩu Hữu Nghị tồn 383 xe xuất khẩu (XK) gồm nông sản, linh kiện điện tử; ở cửa khẩu Tân Thanh tồn 592 xe nông sản, hoa quả đang chờ làm thủ tục XK.

Với nhóm hàng rau quả XK sang Trung Quốc, hoạt động XK trong tháng 3/2020 tại một số cửa khẩu biên giới Việt - Trung đã trở lại bình thường, tiến độ thông quan tích cực hơn thời điểm đầu tháng 2/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, giao dịch thương mại với nước này qua cửa khẩu đường bộ gần như đình trệ.

Tuy nhiên, hiện vẫn có khó khăn do lực lượng bốc xếp mặt hàng rau quả của phía Trung Quốc còn mỏng. Báo cáo mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy tính riêng XK rau quả trong quý I/2020 sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 300,4 triệu USD, giảm đến 29,4% so cùng kỳ năm ngoái.

Điển hình là các loại trái cây thanh long, dưa hấu, chuối, nhãn, sầu riêng từ Việt Nam xuất đi liên tục gặp khó và ùn ứ tại các cảng khiến nhiều đơn hàng bị hủy.

Tính đến hết tháng 3/2020, rau quả là một trong những mặt hàng chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 khi kim ngạch XK chỉ đạt khoảng 836 triệu USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu nên XK không chỉ gặp khó về đầu ra ở thị trường Trung Quốc mà còn ở các thị trường chủ lực khác như Mỹ, EU…

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh nên điều đương nhiên là các doanh nghiệp (DN) XK rau quả sẽ có những đơn hàng giảm đi về mặt số lượng khi phía đối tác sẽ giảm bớt việc đặt hàng và thời gian giao hàng có thể kéo dài ra.

Có ý kiến cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi sau đợt đại dịch này và hy vọng thị trường rộng lớn hơn 1,4 tỷ dân sẽ thu mua trái cây của Việt Nam nhiều hơn, nên các tháng tới của quý II/2020 sẽ có nhiều cơ hội quay trở lại cho rau quả Việt XK.

Và theo một vài nhận định, trong quý I/2020 do Trung Quốc ở đỉnh dịch Covid-19 nên XK rau quả sang nước này giảm mạnh là điều đương nhiên. Còn bước qua đầu quý II, với khả năng Trung Quốc qua khỏi đỉnh dịch và đang cố gắng ổn định trở lại, trong khi EU, Mỹ cùng nhiều quốc gia khác bước vào giai đoạn đỉnh dịch, cho nên XK rau quả sang Trung Quốc được kỳ vọng phục hồi, nhưng với các thị trường lớn như EU, Mỹ có thể sẽ giảm.

Tác động trực tiếp bởi Covid-19, xuất khẩu rau quả gặp khó đầu ra
Tác động trực tiếp bởi Covid-19, xuất khẩu rau quả gặp khó đầu ra

Nặng chi phí bảo quản

“Với tình hình dịch Covid-19 thì mức độ thiệt hại đối với XK ngành rau quả Việt trong năm nay ít nhất cũng là khoảng 20 - 30%”, ông Nguyên nhận định.

Từ những khó khăn này, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam lưu ý, ngành rau quả phải có những thay đổi từ khâu sản xuất, công nghệ đóng gói, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển…

Tuy vậy, những thay đổi này không thể một sớm một chiều. Chẳng hạn với những thị trường Mỹ, EU càng gặp dịch bệnh thì họ càng đòi hỏi vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao.

 

Hơn nữa, theo ông Nguyên, việc đưa rau quả Việt đi những thị trường xa đòi hỏi công nghệ bảo quản phải thật tốt để có thể giữ được mặt hàng lâu dài (khoảng 40 - 50 ngày) so với việc bảo quản lâu nay chỉ tầm 20 - 30 ngày và dễ làm cho trái cây nhanh hư hỏng hơn.

Trong vấn đề logistics, giới chuyên gia lưu ý phần lớn DN XK rau quả của Việt Nam thường chọn phương thức vận chuyển bằng đường biển nhằm giảm thiểu chi phí giá thành.

Thế nhưng, vừa đối mặt việc giảm bớt đơn đặt hàng, kéo dài thời gian giao hàng thì các DN vừa phải đối mặt vấn đề trái cây bị hư hỏng trong vận chuyển do nhiệt độ bảo quản chưa hợp lý, lỗi bao bì đóng gói khi có thiết kế không tốt, vật liệu bao bì, quy cách đóng gói không phù hợp.

Cũng theo ông Nguyên, chi phí kho lạnh để bảo quản rau quả trong lúc khó khăn đầu ra là một thách thức lớn với các DN XK khi tham gia “giải cứu” rau quả đến mùa thu hoạch.

Trước đây, về nguyên tắc khi bán hàng cho nước ngoài thì DN ký một mức giá nguyên cả năm, trong đó dự trù để hàng trong kho chỉ khoảng 5 - 10 ngày rồi sau đó đưa ra container rồi xuất đi. Còn hiện nay, với việc thu mua rau quả để “giải cứu” rồi giữ lại 15 - 20 ngày, thậm chí là 30 ngày thì việc đội giá thành rất cao là khó tránh khỏi.

 

Do đó, đây là lúc mà các DN XK rau quả rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là việc giảm giá điện khi mà các kho lạnh bảo quản rau quả tiêu tốn khá nhiều điện năng.

Bản thân DN khi xây dựng phương án XK cũng không nghĩ đến tình huống là phía đối tác khi mua rau quả tươi thì phải bảo quản kéo dài đến một tháng mới xuất đi. Càng để lâu thì càng phát sinh chi phí, liệu DN ngành rau quả có sống nổi trong “cơn bĩ cực” này là một dấu hỏi lớn ?

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm