Thị trường

Xuất khẩu rau quả hướng đến 4,2 tỷ USD

Rau quả là một trong số mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng liên tục trong nhiều năm. Ước tính kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 7/2019 đạt 244,30 triệu USD; lũy kế 7 tháng ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 0,13% so với cùng kỳ.

Thủ tướng: Đưa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành động lực phát triển / Tìm lại thị trường cho hồ tiêu Việt Nam

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,8 tỷ USD. Năm 2019, trong điều kiện thị trường khó khăn, xuất khẩu rau quả sẽ hướng đến mục tiêu 4 – 4,2 tỷ USD hoàn toàn có khả năng đạt được.

Hiện nay, rau quả của Việt Nam đã có mặt trên gần 55 nước. Trong đó, các thị trường chủ lực tiềm năng và có dư địa tăng trưởng, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore, Thái Lan.

Xuất khẩu rau quả còn nhiều dư địa

Theo Tổng cục Hải quan, cơ cấu thị trường trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ đạo tiêu thụ rau quả của Việt Nam, chiếm tới 71,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, đạt 1,46 tỷ USD, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2018.

EU là thị trường lớn thứ 2 đạt 73,1 triệu USD, chiếm 3,6%, tăng mạnh 33,9%. Tiếp đó là thị trường ASEAN đạt 70,16 triệu USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu rau quả sang thị trường Mỹ tăng 13,3%, đạt 70,15 triệu USD, chiếm 3,4%; sang Hàn Quốc cũng tăng 12,2%, đạt 65,14 triệu USD, chiếm 3,2%.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhìn chung, xuất khẩu rau quả sang các thị trường trong 6 tháng đầu năm nay tăng kim ngạch so với cùng kỳ 2018, trong đó tăng mạnh ở các thị trường như: Indonesia tăng 339%, đạt 1,26 triệu USD; Italia tăng 208%, đạt 6,43 triệu USD; Lào tăng 161,8%, đạt 12,46 triệu USD; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 133,3%, đạt 23,55 triệu USD.

Theo các chuyên gia, EU là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam, song để rau quả được xuất khẩu sang thị trường này phải cần rất nhiều loại giấy chứng nhận. Mặc dù các loại chứng chỉ đều phổ biến ở từng thị trường EU khác nhau, nhưng tất cả các thị trường đều đòi hỏi chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) ở một mức độ nhất định.

Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó Trưởng phòng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, tổng sản lượng rau bình quân của cả nước đạt 14,6 triệu tấn/năm, sản lượng trái cây đạt 7 triệu tấn/năm, với chủng loại đa dạng phong phú. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành rau quả giai đoạn 2011 - 2018 đạt 32,2%, xuất khẩu năm 2018 đạt 3,8 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2017.

Để tận dụng tiềm năng phong phú của từng thị trường, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang tích cực đàm phán hỗ trợ mở cửa thị trường cho nhãn, vải, chôm chôm vào Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Brazil, Argentina; vú sữa vào Hoa Kỳ; bưởi, na vào thị trường Trung Quốc...

 

Trung Quốc siết chặt các yêu cầu xuất chính ngạch

Đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của rau quả Việt Nam, nhưng theo Cục Bảo vệ thực vật, thời gian tới, Trung Quốc áp dụng những quy định, yêu cầu khắt khe hơn nữa với trái cây nhập khẩu, trong bối cảnh đó, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch kết hợp nâng cao chất lượng là hướng đi ổn định, bền vững cho trái cây nói riêng, nông sản Việt nói chung.

Hiện Việt Nam đã có 9 loại trái cây được XK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Ngày 26/4/2019, hai nước đã ký Nghị định thư về mở cửa thị trường cho trái măng cụt và Nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm sữa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Tháng 5/2018, phía Trung Quốc phát đi thông tin sẽ siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc qua cả kênh chính thức lẫn các kênh khác như thông qua chủ hàng. Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói.

Đây là 2 yêu cầu xuất khẩu chính ngạch trái cây sang Trung Quốc. Hiện nay, có 9 loại quả của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Toàn quốc có 1.300 mã số vùng trồng và trên 1.435 mã số cơ sở đóng gói được cấp.

 

Với trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các yêu cầu về cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, phía Trung Quốc cho phép Việt Nam tự làm, tự đánh giá, tự cấp mã số. Trung Quốc chỉ thông qua mã số chứ chưa tiến hành kiểm tra hay làm bất cứ động thái gì khác.

Tuy nhiên, khả năng cao phía Trung Quốc sẽ dần nâng yêu cầu lên kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu làm không đúng như yêu cầu, tiêu chuẩn thì phía Trung Quốc sẽ cho dừng lại các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt. Điều này, phía Cục Bảo vệ thực vật đã cảnh báo đến tất cả các tỉnh và cơ sở đóng gói để chủ động thực hiện khi phía Trung Quốc yêu cầu.

Theo Khôi Nguyên/VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm