Xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 dự báo đạt 4,4 tỷ USD
Xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I tăng gần 100% / Đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho lâm, thủy sản
Báo cáo tại Hội nghị toàn thể hội viên 2024 của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu (XK) thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số các sản phẩm chính, có mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị XK thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%. XK tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%, trong khi XK cua ghẹ tăng mạnh nhất (+84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (+22%), XK nhuyễn thể có vỏ tăng 13%.
Trong top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, trong khi XK sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái. XK sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.
XK sang Nhật Bản, Trung Quốc chỉ tương đương cùng kỳ, trong khi XK sang Hàn Quốc và EU chỉ tăng trưởng khiêm tốn 1 – 2% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng thị trường Trung Đông có mức tăng đáng quan tâm, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
“Sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá XK và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến XK thủy sản Việt Nam trong năm 2024.
Dự báo XK thủy sản nửa đầu năm 2024 sẽ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Kỳ vọng sau quý II, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III, là thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm”, báo cáo cho biết.
Theo Ngân hàng Thế giới, triển vọng kinh tế tổng thể vào năm 2024 rất khó dự đoán và có thể thay đổi dựa trên một số yếu tố. Đó là lạm phát dai dẳng bất ngờ ở các nền kinh tế tiên tiến, tăng trưởng yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc; sự leo thang xung đột địa chính trị - giống như các cuộc chiến ở Ukraine và ở Trung Đông.
Đối với ngành thủy sản, tác động của lạm phát và các vấn đề kinh tế cũng đa dạng và khó dự đoán như đối với nền kinh tế nói chung.
Vẫn còn những thách thức về tác động của lạm phát kéo dài và sự phục hồi của nhu cầu thủy sản. Chi phí tăng cao và thu nhập khả dụng của hộ gia đình trì trệ vẫn là thách thức đối với người tiêu dùng ở các thị trường lớn. Người tiêu dùng có thể tìm cách giảm bớt chi tiêu cho danh mục thủy hải sản hoặc các lựa chọn protein có giá thấp hơn.
Bên cạnh đó, VASEP khẳng định, cũng có những dự báo về nhiều lĩnh vực của ngành thủy sản vào năm 2024 tích cực hơn so với năm 2023. Rabobank - một công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia nhận thấy qua các cuộc khảo sát rằng ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu lạc quan hơn vào đầu năm 2024.
Hầu hết các công ty và cá nhân được khảo sát dự đoán mức tăng trưởng của các loài nuôi trồng thủy sản chính như tôm, cá hồi và cá rô phi. Tuy nhiên, giá cả thị trường vẫn là mối quan tâm hàng đầu của ngành thủy sản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo