Thị trường

Xuất khẩu thuỷ sản phục hồi

DNVN - Xuất khẩu thuỷ sản tháng 9 có dấu hiệu phục hồi tại một số thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, bù đắp cho những thị trường còn lại. Dấu hiệu khả quan từ một số thị trường nhỏ có sức mua tốt hơn do không có hàng tồn kho cũng góp phần làm tăng cơ hội xuất khẩu vào cuối năm.

Mặt hàng bao bì có tiềm năng xuất khẩu tới các thị trường khó tính / Giá xăng quay đầu giảm mạnh

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng năm 2023 đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thuỷ sản đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%.

Tuy nhiên, theo ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thuỷ sản (Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT) cho biết, xuất khẩu thủy sản tháng 9 đang có dấu hiệu phục hồi ở một số thị trường.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo yếu tố lạm phát giảm, lượng hàng tồn kho giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm tăng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng.

Ngoài ra, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc dự báo cũng tăng dần vào cuối năm.

“Chỉ cần lạm phát dần ổn định, xuất khẩu sang các thị trường này sẽ hồi phục nhanh hơn, bù đắp cho những thị trường còn lại. Dấu hiệu khả quan từ một số thị trường nhỏ như Hồng Kông, Đài Loan, Thụy Sĩ có sức mua tốt hơn do không có hàng tồn kho cũng góp phần làm tăng cơ hội xuất khẩu vào cuối năm’, ông Hùng đánh giá.


Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam được dự báo sẽ tăng dần vào cuối năm.

Mặt khác, theo Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thuỷ sản, việc Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển, người tiêu dùng Nhật cũng thận trọng hơn với tiêu thụ thủy sản nội địa khiến người tiêu dùng sẽ tìm đến thủy sản nhập khẩu nhiều hơn. Các thị trường khác cũng cân nhắc việc nhập khẩu từ Nhật Bản và các nước láng giềng của Nhật, tạo cơ hội cho thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Dự báo cuối quý III/2023, xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi ở mức tương đương năm 2022. Đây là cơ sở để ngành thủy sản đạt kế hoạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2023.

Trong nước, từ tháng 7/2023, giá tôm thẻ đã bắt đầu tăng nhẹ, là tín hiệu tốt cho người nuôi đầu tư vào vùng nuôi. Thị trường Trung Quốc cũng đang có tín hiệu tích cực cho người nuôi cá tra và các thị trường lớn khác.

Ngoài ra, các tháng cuối năm thường có lễ hội lớn nên nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ tăng cao.

Dù vậy, theo ông Hùng, do ảnh hưởng tác động của đại dịch COVID-19, xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục kéo dài đã tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ của các thị trường sụt giảm, giá nhiên liệu không ổn định, giá vật tư, thức ăn thủy sản tăng trong khi giá bán giảm làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế và tâm lý người nuôi khi quyết định giảm quy mô hoặc tạm ngưng thả nuôi các tháng cuối năm 2023. Theo đó, dẫn đến khả năng không bảo đảm nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu khi thị trường khôi phục dần vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Do đó, để đạt được kết quả, ngành thủy sản cần tập trung triển khai các kênh theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi. Có biện pháp chỉ đạo kịp thời, tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả.

Đẩy mạnh nuôi sản phẩm trọng điểm, tăng cường thâm canh, siêu thâm canh, quản lý dịch bệnh, môi trường nuôi; tăng cường quản lý khâu chọn giống. Trong hoạt động khai thác thủy sản cần đẩy mạnh công tác giám sát tàu cá nhằm từng bước gỡ thẻ vàng IUU.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm