Thị trường

Xuất khẩu và cơ hội tận dụng thế mạnh từ các FTA

Tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi của hàng xuất khẩu trong tất các các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đạt khoảng 40%. Để tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA, Bộ Công Thương cho rằng cần phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, từ đó thoát khỏi lệ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu.

IMF: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới / Nắm bắt cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ hậu Covid-19

Với việc tham gia Hiệp định RCEP mới đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia duy nhất trên thế giới có hệ thống các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đang khiến nhiều người băn khoăn là Việt Nam đã và sẽ tận dụng các FTA như thế nào?.

Tỷ lệ tận dụng ưu đãi gần 40%

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết theo thống kê năm 2019, tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của hàng hóa xuất khẩu trong tất cả các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết đạt gần 40%.

Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sẽ là điều kiện để nhiều ngành công nghiệp Việt Nam tận dụng tốt FTA.

Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sẽ là điều kiện để nhiều ngành công nghiệp Việt Nam tận dụng tốt FTA.

Theo bà Trang, có thể tỷ lệ này không thể phản ánh chính xác mức độ tận dụng ưu đãi từ các FTA, vì trên thực tế Việt Nam còn có những FTA đa phương khác. Đơn cử như Hiệp định CPTPP, ngoài C/O theo CPTPP, doanh nghiệp còn có thể sử dụng C/O theo FTA song phương. Tuy nhiên, con số trên cũng phần nào phản ánh mức độ tận dụng cơ hội từ các FTA.

Riêng về Hiệp định RCEP, bà Trang nhìn nhận Hiệp định này đang mở ra thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Cơ hội đối với xuất khẩu không phải ở quy mô thị trường, mà nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong RCEP nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Úc, New Zealand và Hàn Quốc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về Kinh tế, đánh giá Việt Nam đang có hệ thống các hiệp định FTA với các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới, thành tựu không phải quốc gia nào cũng có được. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong thời điểm khó khăn hiện nay khi bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng.

"Với hệ thống các FTA như vậy sẽ giúp Việt Nam đảm bảo được thị trường, quan hệ thương mại với các bạn hàng lớn. Đấy là ý nghĩa mang tính tổng thể lâu dài", ông Sơn đánh giá.

 

Đồng thời, ông Sơn khẳng định, đến thời điểm này Bộ Công Thương đã hoàn thành cơ bản mục tiêu là đàm phán các FTA với các nước để khắc phục được mất cân đối cán cân thương mại, giảm nhập siêu cho Việt Nam.

Để không lãng phí cơ hội

Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng cho rằng việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các ngành sản xuất công nghiệp là rất quan trọng, nếu muốn thu về giá trị cao hơn. Thống kê cho thấy, hiện tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp dệt may mới đạt khoảng 40 - 45%. Vải sử dụng cho ngành phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Ngành dệt vải của Việt Nam hiện nay đạt sản lượng khoảng 2,3 tỷ m2/năm, mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường trong nước.

Trong năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD vải phục vụ cho ngành may mặc. Vải sản xuất trong nước phần lớn được sử dụng để sản xuất quần áo chất lượng trung bình và thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.

Hay đối với ngành da - giày, nguyên phụ liệu chiếm tới 68-75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40-45%. Các doanh nghiệp trong nước chiếm gần 70% về số lượng doanh nghiệp, nhưng chỉ chiếm 35% tổng sản lượng da thuộc sản xuất tại Việt Nam.

 

Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%, trong đó Thaco đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra...

Trước thực tế này, Bộ Công Thương cho biết đang triển khai thành lập 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Các trung tâm này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đó, những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ sẽ đóng góp vào sự phát triển về giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, tập trung giới thiệu công nghệ, hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ cho doanh nghiệp thông qua hợp tác quốc tế và các chính sách của Chính phủ, hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển.

Đồng thời, tập trung hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp đảm bảo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp, tạo nền tảng cơ bản đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng sáng tạo và bền vững.

Đồng thời, riêng với Hiệp định RCEP vừa được ký kết, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, kỳ vọng sẽ giúp hàng hóa Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

 

Theo ông, lâu nay doanh nghiệp hai bên vẫn ưa chuộng phương thức làm ăn tiểu ngạch bởi không phải chịu thuế giá trị gia tăng, tuy nhiên nếu quy mô xuất khẩu tiểu ngạch vượt chính ngạch sẽ rất nguy hiểm, hàng hóa không đạt yêu cầu.

"Nếu mãi mãi đi cửa nhỏ, hàng hoá Việt Nam sẽ không bao giờ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Và Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thay đổi thói quen làm ăn tiểu ngạch với thị trường Trung Quốc, tiến tới nâng cao chất lượng cho hàng Việt", đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi kỳ vọng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm