Xuất khẩu vào siêu thị nước ngoài: Doanh nghiệp phải sẵn sàng
Nha Trang đấu giá 29 lô đất vàng trong năm 2021 / Hết lợi thế lệ phí, ô tô nội lấy gì để cạnh tranh với xe nhập?
Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục tác động sâu sắc tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung hàng hóa trên thế giới có những xáo trộn và đứt gẫy, hơn bao giờ hết giữ vững ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày như nông sản, thực phẩm... là nhu cầu cấp thiết của các tập đoàn phân phối cũng như của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Gian nan vượt 'cửa ải'
Ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON TopValu Việt Nam, cho biết đang có 10 công ty Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp qua hệ thống phân phối của Aone ở Malaysia, Campuchia, Nhật Bản với kim ngạch đạt 7 triệu USD.
Chưa có nhiều sản phẩm Việt có thể xuất khẩu trực tiếp vào kênh phân phối bán lẻ nước ngoài. |
Đại diện AEONcho biết, từ năm 2018 tập đoàn này đã hướng dẫn trực tiếp hàng trăm nhà cung ứng. Song ngay từ giai đoạn hướng dẫn, nhiều doanh nghiệp không thể đi tiếp vì năng lực, khả năng sản xuất ổn định của nhà máy, đồng thời có sự chênh lệch lớn trong suy nghĩ về quản lý chất lượng.
"Một số công ty không hiểu và chấp nhận việc phải đáp ứng yêu cầu của thị trường nước ngoài nên AEONcó hướng dẫn nhưng họ không hợp tác", ông Shiotani nói.
Ví dụ cụ thể ngành hàng dệt may, vị đại diện AEONcho biết, ở Malaysia hay Nhật Bản, sản phẩm may mặc Việt Nam đều rất được yêu thích. Vì vậy, tập đoàn đã hướng dẫn kỹ thuật cho các nhà máy dệt may Việt Nam không chỉ về chất lượng mà còn nâng cao tính sản xuất, giảm thiểu tỷ lệ hao hụt. Tuy nhiên, có điểm đáng tiếc là trong số các sản phẩm dệt may mà tập đoàn nhập, hơn 60% nguyên liệu là phải sử dụng của Trung Quốc, Hàn Quốc. "Nếu Việt Nam có thể hình thành hệ thống sản xuất làm chủ ngay từ khâu nguyên liệu thì sẽ trở thành quốc gia rất mạnh trong lĩnh vực này", vị đại diện lưu ý.
Tương tự, đại diện Walmart cho biết: Việt Nam là một trong những nhà sản xuất chính cho hệ thống siêu thị này với các sản phẩm như giày dép, đồ nội thất, phụ kiện, thực phẩm... Walmart muốn thúc đẩy, quảng bá nhãn hàng Việt Nam trên khắp thế giới. Tuy nhiên, một trong những thử thách mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải là chưa đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, nhãn hàng, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu.
Cụ thể, ông Vince Tran, Trưởng phòng cấp cao Walmart tại Việt Nam, cho rằng một số doanh nghiệp chưa dám thẳng thắn nhìn nhận rào cản là sản phẩm mình chưa tốt nên không có tư duy thay đổi. Với những doanh nghiệp này, Walmart sẽ gác lại để ưu tiên sự hướng dẫn cho những doanh nghiệp nào muốn thay đổi, một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp gặp phải là vướng mắc về nguyên liệu. Nghịch lý là sản phẩm sử dụng nguyên liệu trong nước nhưng giá thành lại cao hơn nhập khẩu. Dẫn đến, khi so sánh với giá, chắc chắn Walmart phải nhập của nước khác.
Cùng với đó, rất ít doanh nghiệp hiểu, thiết lập sản xuất một cách chuyên nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp sản xuất nội thất làm được nhiều mặt hàng nhưng sản lượng không nhiều nên tính chuyên nghiệp hóa không có, hiệu quả thấp.
Năm 2021, Walmart mong muốn có kênh kết nối chủ động giữa siêu thị với nhà phân phối, đề xuất Việt Nam tổ chức một ngày hội nhà cung cấp với đa dạng tất cả các mặt hàng.
Còn theo ông Trần Chí Cường, Trưởng phòng Xuất khẩu của Tập đoàn Mega Market, hệ thống này quan tâm tới chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả. Qua kinh nghiệm làm việc, không phải nhà máy nào cũng hội tụ đủ tiêu chuẩn nên phải sàng lọc, chọn lựa nhà cung ứng để đưa vào hệ thống. Bộ Công Thương cần phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho hộ nông dân để nâng cao kỹ năng trồng trọt, chăm sóc, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm...
Doanh nghiệp cần thêm trợ giúp
Trong quá trình thực hiện tổ chức tuần hàng, kết nối cung cầu, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội thấy rằng có sự chênh lệch trong nhận thức và cách nghĩ của doanh nghiệp. Về phía nhà phân phối nước ngoài, họ có cách làm bài bản, chuyên nghiệp với mục tiêu là chất lượng sản phẩm độc đáo, giá cả hợp lý nhưng về phía doanh nghiệp Việt Nam, kể cả doanh nghiệp đã xuất khẩu lâu năm nhưng để phân phối trực tiếp vào hệ thống bán lẻ nước ngoài vẫn gặp phải rào cản về giá cả, mẫu mã...
Bà Mai Anh nhấn mạnh: "Cuộc chơi toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp có đủ năng lực, nhận thức để đưa sản phẩm vào siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài càng nhiều càng tốt. Hàng Việt vào được thì thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ lan tỏa".
Là đơn vị đang xuất khẩu chuối tươi qua hệ thống AEONở Malaysia, Nhật Bản... Ông Võ Xuân Hòa, đại diện công ty TNHH Huy Long An, kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia tìm kiếm thị trường, đồng thời giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, xử lý sự cố xảy ra.
Ví dụ, các sản phẩm tươi sống chỉ vướng một sợi tóc cũng có thể khiến doanh nghiệp khốn khó. "Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng Việt Nam hỗ trợ giúp doanh nghiệp giải quyết vướng mắc khi phát sinh sự cố để tránh thiệt hại về hình ảnh sản phẩm, tài chính của doanh nghiệp", ông Hòa đề xuất.
Trong khi bà Hoàng Ngọc Ánh, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu ra một số khó khăn như doanh nghiệp chưa phát huy tính chủ động để kết nối đưa hàng vào siêu thị, đồng thời gặp một số trở ngại trước yêu cầu của nhà phân phối về nguyên liệu, thiết kế... Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về khâu thiết kế, chọn lựa sản phẩm để xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối khi yêu cầu đa dạng thị trường xuất khẩu đang trở nên cấp thiết trong bối cảnh bảo hộ thương mại, dịch COVID-19.
Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, cho biết các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đào tạo quản lý rủi ro trong ký kết hợp đồng, giao thương với doanh nghiệp nước ngoài. Đào tạo theo nhóm ngành hàng, theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong 10 năm tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam cùng với các nhà phân phối lớn nước ngoài để thực hiện mục tiêu thêm nhiều doanh nghiệp có thể xuất khẩu trực tiếp qua các hệ thống phân phối nước ngoài, chia sẻ quyền lợi giữa các bên.
"Với sự phối hợp bài bản và hiệu quả của các bên tham gia, chúng ta sẽ xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh có khả năng thâm nhập ngày càng sâu vào hệ thống phân phối khu vực và thế giới",Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh