Kiwi, ăn sao cho bổ?
Lợi ích cho sức khoẻ
Thành phần dinh dưỡng trong trái kiwi do đại học Rutgers (Mỹ) phân tích cho thấy nhiều hợp chất polyphenol, chất dinh dưỡng thực vật (phytonutrients), axít folic, vitamin C, E, nhiều khoáng tố như Ca, Cr, Cu, Fe, Mg, K, Zn.
Ăn một quả kiwi hàng ngày có thể giúp sản sinh những vi chất bảo vệ cơ thể chống lại việc phá huỷ ADN và ngăn chặn các bệnh ung thư phổi, miệng, cổ họng, dạ dày, đại tràng và thực quản.
Hàm lượng vitamin C cao trong kiwi bảo vệ cơ thể chống lại sự oxy hoá tế bào, phòng chống xơ vữa động mạch, chống đông máu, hạn chế nguy cơ bệnh tim mạch, giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống thiếu máu, hạ huyết áp, hạ cholesterol và triglyceride trong máu, giúp giảm thiểu các cơn đau thắt ngực. Các khoáng tố vi lượng như K, Mg, Cu trong kiwi đều có vai trò bảo vệ tim.
Ăn trái kiwi còn giúp tăng cường tái tạo mô liên kết bảo vệ các khớp, giúp hệ xương cứng chắc. Chất xơ trong kiwi giúp thức ăn di chuyển qua hệ tiêu hoá, tránh được nguy cơ táo bón, trĩ và ung thư ruột kết, đồng thời giúp cân bằng lượng đường trong máu, rất có lợi cho người tiểu đường.
Một nghiên cứu nổi tiếng ở Ý sau khi theo dõi hơn 18.000 trẻ ở độ tuổi 6 – 7 đã chứng minh những trẻ ăn cam quýt và kiwi (5 – 7 phần ăn mỗi tuần) thì 44% không còn thở khò khè, 32% không có cảm giác khó thở, 28% không bị chảy nước mũi, và 25% không còn ho khúc khắc về đêm.
Phụ nữ nếu ăn kiwi trước khi mang thai thì có thể tự tin sẽ có một thai nhi khoẻ mạnh. Nó còn giúp người mẹ không bị táo bón và tránh hiện tượng không dung nạp lactose trong thời gian mang thai. Kiwi cũng giúp hệ miễn dịch của thai nhi được tăng cường, hạn chế trẻ sinh ra bị hen suyễn hoặc eczema.
Số liệu báo cáo trong một nghiên cứu trên 110.000 người gồm nam và nữ, được công bố trong Archives of Opthamology, cho thấy chỉ cần ăn ba lát kiwi mỗi ngày là phòng được nguy cơ thoái hoá điểm vàng.
Ăn sao cho bổ?
Khi chọn mua kiwi, hãy giữ chúng giữa ngón cái và ngón trỏ, nhẹ nhàng bóp thấy vừa tay là được, tránh những trái quá mềm, teo thâm hoặc nhũn. Kích thước trái không liên quan đến chất lượng trái.
Kiwi có quanh năm, nhưng trái chưa chín lắm thì chưa đủ hương vị ngọt ngào, bạn cần để trong một vài ngày nữa cho trái chín dần (chỉ để trong phòng, tránh xa ánh nắng).
Kiwi xanh có vị chua, khi chín có vị chua ngọt.
Muốn trái chín nhanh hơn, có thể đặt chung với táo, chuối hoặc lê trong một bao giấy. Sau khi trái chín mềm và ngửi thấy mùi thơm thì lấy riêng ra bảo quản trong tủ lạnh. Thời gian bảo quản có thể đến chín ngày vẫn không mất giá trị dinh dưỡng (theo nghiên cứu của đại học Innsbruck, Áo).
Ở nước ta thường bán hai loại kiwi xanh và vàng. Kiwi xanh có vị chua, khi chín có vị chua ngọt. Trái kiwi vàng có vị ngọt giống vị trái xoài và đào. Kiwi vàng thường có thể ăn ngay sau khi mua.
Có nhiều cách ăn kiwi: gọt vỏ hoặc bổ đôi dùng muỗng nạo phần cơm, hoặc cắt nhỏ trộn với yaourt, trang trí cho nhiều loại bánh, hoặc chế biến thành món salad sữa trái cây. Nhớ không nên cắt nhỏ rồi để quá lâu ngoài không khí sẽ giảm vitamin C trong trái.
Khi cắt nhỏ kiwi sẽ xuất hiện các enzyme (actinic và bromic acid) có tác dụng làm mềm thực phẩm, vì vậy khi làm món salad, nên cắt và cho kiwi vào sau cùng để tránh làm mềm các loại trái khác.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến khích ăn luôn vỏ sau khi đã rửa thật sạch và chà hết lớp lông bên ngoài vì chất xơ ở vỏ rất tốt cho sức khoẻ (với điều kiện vỏ không có thuốc trừ sâu hoặc hoá chất bảo quản). Chỉ cần mỗi ngày một nửa chén kiwi, tương ứng một trái kiwi cỡ trung bình (100 – 120g) là đủ.
Một số trường hợp không nên ăn kiwi
Sạn thận, sạn mật: do hàm lượng oxalate có trong trái nên những người đang điều trị sỏi thận, sỏi mật tránh dùng. Chất này còn hạn chế sự hấp thu canxi vào cơ thể, tuy nhiên các nghiên cứu cũng xác nhận ảnh hưởng này không đáng kể nếu bộ máy tiêu hoá của bạn tốt và nhai kỹ khi ăn.
Dị ứng mủ: cũng giống như bơ và chuối, trái kiwi có chứa các chất mủ liên quan đến hội chứng dị ứng mủ trái cây. Có bằng chứng rõ ràng của phản ứng dị ứng chéo giữa mủ cao su và những thực phẩm này.
Nếu bạn từng bị dị ứng với mủ cao su, bạn rất có khả năng dị ứng với những trái cây này. Cảm giác ngứa miệng, sưng môi, đỏ da có thể xuất hiện. Nếu quy trình chế biến kiwi có sử dụng khí ethylene sẽ làm gia tăng các enzyme gây dị ứng. Tuy nhiên, khi nấu chín thì các enzyme này sẽ bị vô hiệu.
Tóm lại, kiwi được đánh giá là thực phẩm tốt vì nó chứa gần 80 hoạt chất sinh học thiên nhiên có lợi cho sức khoẻ. Nhưng về lịch sử, phần lớn trái kiwi có nguồn gốc từ Trung Quốc (tên là quả lý gai, sau này mới được các nhà truyền đạo đem về trồng ở New Zealand), vì vậy đừng quên xem kỹ xuất xứ khi mua loại quả này.
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
8 chương trình đào tạo của trường Đại học Đông Á được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng
Lễ hội Áo dài Đà Lạt 2024 với nhiều điểm nhấn độc đáo