Tin tức - Sự kiện

Kỳ 4: Mọi chuyện chìm dần trong ô nhiễm

Sống trong môi trường ô nhiễm, quanh năm phải hít khói bụi, mắc bệnh đầy mình, người dân thôn Hồng Sơn, Bút Sơn đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị tới các cơ quan chức năng. Nhưng, những nguyện vọng chính đáng của người dân vẫn không được các cấp có thẩm quyền trả lời rõ ràng, giải quyết thấu đáo. Kêu mãi mà tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn không được cải thiện nên thất vọng, chán nản, người dân chỉ còn biết than trời.

 

Hứa thế thôi, có đâu

 

Thôn Hồng Sơn và Bút Sơn có hơn 700 hộ với gần 2500 nhân khẩu. Cuộc sống, nguồn thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu từ cấy lúa, chăn nuôi gia súc gia cầm nhỏ lẻ, hoặc đi làm thuê cho các cơ sở khai thác đá, sản xuất gạch, một số thì đi làm công nhân may. 

 

Có lẽ vì thế mà nhiều gia đình cứ thiếu trước, hụt sau, chạy ăn từng bữa. Đã vậy, quanh năm suốt tháng, họ còn phải sống trong môi trường ô nhiễm khói bụi, nguồn nước và tiếng ồn, tiếng nổ mìn phá đá. Nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều gia cảnh lâm vào bế tắc.

 

Nhiều gia đình không chịu đựng được sự ô nhiễm, sợ mắc bệnh hiểm nghèo nên đã phải bán nhà, hoặc bỏ nhà đi nơi khác sinh sống. Ở Hồng Sơn, Bút Sơn bây giờ không thiếu những ngôi nhà tạm bợ, nhếch nhác, như làm cho xóm làng thêm u ám. Có những căn nhà, không biết vì lẽ gì mà chủ nhân xây dựng dở dang rồi để đấy, cũng có những ngôi nhà nằm ngay mặt đường lớn, giao bán mà chăng ai mua, cứ bỏ hoang.

 

Nhiều ngôi nhà bỏ hoang dưới chân dốc

 

Không có tiền để chuyển đi nơi khác sinh sống, những người ở lại thì cứ đành phải âm thầm chịu đựng sống trong ô nhiễm hết năm này qua năm khác. Bức xúc quá, họ tổ chức họp, thậm chí kéo đến tận cổng công ty để phản đối việc xả khói bụi ô nhiễm vào ban đêm, gây ngột ngạt. 

 

Thương mình, thương dân cùng sống trong cảnh ngộ khói bụi, các ông trưởng thôn ở đây cũng chỉ biết vận động bà con không tập trung khiếu kiện đông người, không kiện cáo, chỉ họp rồi tập hợp ý kiến, kiến nghị, đề xuất từ dưới lên trên cho đúng trình tự.

 

Ông Nuyễn Xuân Đốc, Trưởng thôn Bút Sơn, rãi bày: “Các bác cán bộ, lãnh đạo tỉnh về gặp chúng tôi đôi lần rồi. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, cuối cùng vẫn cứ trả lời không hết. Các bác bảo bây giờ phải vào tận nơi chụp ảnh bắt được lúc nhà máy xả, lập biên bản. Nhưng họ toàn xả trộm. Hơn nữa, chúng tôi có căn cứ gì mà vào đấy. Vào đấy phải có giấy giới thiệu thì chúng tôi mới vào được. Nói như thế khác nào đánh đố chúng tôi”.

 

Một cán bộ ở xã Thanh Sơn cho biết thêm: “Bây giờ nhà máy bảo có lọc được Nhà nước công nhận. Nhưng mà những hôm lừa xả ra thì ai biết được. Có ai quay phim, chụp ảnh được đâu. Dân kêu bình thường không sao, có một đêm, sáng hôm sau bụi trắng các cây. Nhân chứng, vật chứng không có”

 

Không chịu đựng nổi khi phải sống trong môi trường ô nhiễm, những lá đơn kiến nghị cứ theo đợt được gửi lên xã, nhưng xã cũng chỉ có thẩm quyền, quyền hạn nhất định để giải quyết.

 

Rồi thông qua những buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện, xã và cả với đại biểu Quốc hội, những ý kiến phản ánh, những tâm tư nguyện vọng lại tiếp tục được bầy tỏ.

 

 Cũng có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về tìm hiểu. Nhưng chẳng biết thế nào, mọi chuyện vẫn cứ im lặng, rồi chìm dần trong ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn. “Họ hứa ngược hứa xuôi, hứa mang lại quyền lợi cho dân, đền bù độc hại theo đúng Nhà nước ban hành, nhưng cuối cùng có đâu” - Một người dân bức xúc cho biết.

 

Bất lực với ô nhiễm

 

Theo phản ánh của người dân, nhiều diện tích đất sản xuất do họ khai hoang phục hóa trước đây, khi nhà máy về lấy đất để xây dựng, họ không được đền bù. Đặc biệt là từ khi nhà máy đi vào hoạt động cho đến nay, một hạt xi măng họ cũng không được. 

 

Họ ở trong vùng ô nhiễm mà không có chế độ đền bù độc hại. Logo là Vicem Bút Sơn, lấy tên địa danh Bút Sơn, nhưng thôn xóm xây dựng cơ sở vật chất như, trường mầm non, nhà văn hóa... nhà máy không hỗ trợ xi măng. Kêu mãi, Công ty xi măng Vicem Bút Sơn mới làm cho đường ống nước sạch thì nhân dân phải đóng góp tới 40%, tự làm đường ống dẫn nhánh về nhà.

 

Trưởng thôn Hồng Sơn, ông Đinh Khắc Huấn nói về những cái hại khi nhà máy về

 

Ông Đinh Khắc Huấn, trưởng thôn Hồng Sơn thì nói một cách hóm hỉnh, cứ như là một sự đúc kết của người dân nơi đây, rằng nếu cho phép đuổi nhà máy xi măng đi là người ta đuổi, vì từ khi nhà máy về đây có năm cái hại.

 

 Thứ nhất, nghiễm nhiên nhà máy chiếm mất đất canh tác, đang có chỗ trồng trọt thì nhà máy chiếm hết. Thứ hai, là gây ô nhiễm môi trường. Thứ ba, là nổ mìn phá đá gây hư hại nhà cửa, bể chứa nước của dân. Thứ tư, là kéo theo các tệ nạn xã hội. Thôn có hơn 30 thanh thiếu niên nghiện ma túy, nguyên do là nhảy theo các xe hàng mang thuốc về bán, hút chích, tiêm nhiễm. 

 

Thứ năm, là không tạo được công ăn việc làm cho dân. Nhà máy về  “cận hè giáp mái” với dân ở đây phải tạo công ăn việc làm cho dân. Nhưng dân ở đây không một ai được làm trong nhà máy. 

 

Ông Huấn thẳng thắn nói: “Họ bảo, vào nhà máy phải có bằng cấp mới được làm, nhưng mà mỗi cái nghề mạt hạng nhất là bốc vác xi măng, với quét bụi sao không tạo cho dân chúng tôi. Quét dọn trong nhà máy, quét dọn đường là cái nghề dùng đến cơ bắp, không dùng trình độ. Bốc vác ở đây mấy chục người mà toàn con ông cháu cha, mấy sếp ở ngoài xã vào làm, chứ không tạo cho dân chúng tôi ở đây”.

 

Mang nỗi trăn trở, bức xúc của người dân phản ánh, chúng tôi tìm gặp lãnh đạo xã Thanh Sơn và được ông Nguyễn Hồng Hiền, chủ tịch UBND xã, cho biết: Nhà máy xi măng hoạt động chính tức từ năm 1997. Đóng góp thì không có gì, chỉ giải quyết lao động thôi. 

 

Theo quy định, các loại thuế là huyện và tỉnh thu, chứ xã không được thu. Xã cũng thường xuyên yêu cầu nhà máy xi măng làm đúng quy trình. “Thỉnh thoảng dân vẫn ý kiến, xong họ lại xử lý. Chẳng hạn lúc xả để sửa lò, hoặc những cơ sở làm đá không phun nước nên bụi đương nhiên là người ta phải kêu. Chúng tôi vào yêu cầu thì họ lại làm cẩn thận”. 

 

“Mình sống trong vùng sản xuất vật liệu xây dựng không tránh khỏi bụi, có điều nó tương đối thôi. Chứ bây giờ bảo tuyệt đối không có tí bụi nào thì không có doanh nghiệp nào làm được. Chắc là có ảnh hưởng sức khỏe rồi. Bảo không có là không đúng, vì có bụi là có ảnh hưởng. Khói bụi không tránh được, có điều là ít hay nhiều”- Ông Nguyễn Hồng Hiền, chủ tịch UBND xã Thanh Sơn nói.

 

Có lẽ các vị lãnh đạo xã ở đây đã làm hết trách nhiệm, đành bất lực. Nhưng trách sao được khi trách nhiệm, quyền lực của họ chỉ cố gắng được đến vậy mà thôi.

 

Toàn cảnh nhà máy  Vicem Bút Sơn

 

Những ngày đến tìm hiểu cuộc sống của người dân ở khu vực nhà máy xi măng Vicem Bút Sơn, chúng tôi được chứng kiến sự ô nhiễm khói bụi, được nghe nhiều những câu chuyện đẫm nước mắt và nghe những ý kiến phản ánh, kiến nghị của họ.

 Cũng có cả những tiếng thở dài, bất lực của những người đang gồng mình chống chọi với bệnh tật. Ai cũng nhiệt tình tiếp chuyện, nhưng rồi họ lại bảo, báo chí đã viết nhiều, lên tiếng nhiều rồi, có nói thế, nói nữa cũng chỉ là khổ lắm nói mãi. 

Một số người còn tỏ ra ngần ngại, sau khi báo chí lên tiếng, họ lại bị phê bình, nhắc nhở, có khi còn bị đảo lộn thêm, còn bất lợi, bởi cuộc sống còn đủ thứ phải lo cơm áo, gạo tiền, liên quan đến nhiều các thủ tục hành chính.

 

Chuyện ô nhiễm môi trường ở khu vực nhà máy xi măng Bút Sơn giống như vòng luân hồi chẳng có hồi kết. Nhà máy xi măng và các cơ sở khai thác đá vẫn cứ hoạt động, ô tô thì chạy rầm rập suốt ngày đêm như chẳng có chuyện gì. Dân dù có kiến nghị, phản ánh thì vẫn cứ cam chịu sống trong ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và nguồn nước. Nhiều người thì đã mắc bệnh hiểm nghèo và chết do ung thư mà chẳng rõ nguyên nhân của sự “trái ngang” ấy từ đâu./.

 
Hà Hương Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo