Tin tức - Sự kiện

Kỳ bí tiếng đàn bầu… “giảm đau“

Giây phút ông Phạm Văn Hân (60 tuổi, Gia Lộc, Hải Dương) cảm thấy hạnh phúc nhất trong cuộc đời là khi cầm đàn gảy cho những bệnh nhân tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nghe. Tiếng đàn của ông như tiếp thêm sức mạnh, niềm tin đối với những bệnh nhân đang điều trị nơi đây vượt qua những đớn đau của bệnh tật...

Ông Hân biểu diễn phục vụ các bệnh nhân tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

 

40 năm “sống” với đàn bầu

Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Hân vừa nâng niu cây đàn bầu đã nhuốm màu thời gian, đó là người bạn tri âm, tri kỉ của ông đã gần 40 năm nay. Ông Hân kể, ngày còn nhỏ ông hay được nghe tiếng đàn bầu trên sóng radio, từ đó ông mê rồi “say” tiếng đàn từ lúc nào không hay. Hàng ngày, ông háo hức chờ đến chương trình âm nhạc là say sưa bên chiếc radio.

Năm 19 tuổi, cậu thanh niên Phạn Văn Hân có được cây đàn bầu đầu tiên từ số tiền chắt chiu tiết kiệm. Quá vui mừng, cả ngày Hân ôm cây đàn còn thơm mùi gỗ mới và mày mò tìm cách học bằng được.

Những ngày đầu tập luyện, những ngón tay cứ vụng về chẳng gẩy nên tiếng hẳn hoi, nhưng với quyết tâm và lòng đam mê, chẳng bao lâu sau Hân tự mày mò học cách chơi mà không cần ai hướng dẫn. Bốn năm sau, anh đã có thể cầm đàn biểu diễn tại nhiều nơi ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Không chỉ thế, với bản tính ham học hỏi, ông Hân còn tháo rời các bộ phận của cây đàn để tìm hiểu nguyên lý chế tạo và sau đó tự tay làm một cây đàn cho riêng mình. Năm 2000, ông xây dựng một cơ sở chuyên bán đàn bầu tại Hải Dương, rồi mở lớp dạy đàn cho các thanh niên trong vùng.

Năm 1979 chiến tranh biên giới xảy ra, ông được tuyển vào đội ngũ thanh niên xung phong. Không được trực tiếp ra chiến trường chiến đấu nhưng tiếng đàn của người văn công trẻ là nguồn động viên cho những người đồng đội mỗi giờ nghỉ ngơi, tiếp sức sau mỗi trận đánh.

Chiến tranh biên giới qua đi, ông xuất ngũ về quê, những tưởng cuộc sống của một cựu chiến binh sẽ êm ả lặng trôi suốt phần còn lại, nhưng trớ trêu thay, cuối năm 2014 ông Hân phát hiện bản thân đã mắc phải căn bệnh ung thư máu quái ác. Ôm theo cây đàn thân thương để bầu bạn, từ đó đến nay, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trở thành “ngôi nhà thứ hai” của ông.

Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được vì những cơn đau hành hạ, ông Hân lặng lẽ dậy, đi dọc hành lang. Nhìn những người bệnh nửa đêm vật vã với những cơn đau, nét thất thần, mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt thiếu ngủ của người nhà đến trông nom, ông Hân tự nhủ mình phải làm điều gì đó cho họ, đem niềm vui đến cho mọi người.

Tiếng đàn hy vọng

Nghĩ là làm, buổi chiều một ngày cuối năm, ông Hân chơi một khúc đàn. Tiếng đàn bầu như xót thương cho những hoàn cảnh khó khăn, có khi lại sôi nổi như động viên tinh thần người bệnh. Vài người nhà bệnh nhân đang giặt đồ dừng tay dõi theo nơi có tiếng đàn. Người bệnh đang uể oải trên giường ngạc nhiên ngồi dậy nghe ông Hân chơi đàn.
 
Các bệnh nhi ở tầng dưới cũng ùa lên xem ông biểu diễn. Phòng bệnh như một sân khấu thu nhỏ. Nghệ sỹ biểu diễn và người nghe đều là bệnh nhân. Người hát theo tiếng đàn, người vỗ tay theo nhịp. Những mái đầu không còn tóc vì truyền hóa chất cũng lắc lư theo tiếng nhạc. Mọi người cười nói ríu rít. Họ gần gũi nhau hơn và cảm thấy lạc quan hơn nhờ tiếng đàn bầu ấy.

Thay bằng cái cau mày vì đau đớn và những đêm trằn trọc mất ngủ, anh Phạm Hồng Thái (51 tuổi, Nghệ An) nghe ông Hân chơi đàn bầu thì tươi tắn hẳn lên: “Bước chân vào tầng 7 của bệnh viện này là bước vào “cửa tử”. Tuy nhiên, nhờ tiếng đàn của anh Hân và sự đoàn kết của các bệnh nhân trong bệnh viện mà tôi cảm thấy cuộc sống của mình bớt buồn phiền. Gặp gỡ những người có chung hoàn cảnh như mình nhưng họ lạc quan vui sống, tôi cũng thấy mình cần mạnh mẽ và có động lực để vượt qua khó khăn”.

 


Cũng giống như anh Thái, chị Nguyễn Thị Huệ (45 tuổi, Thanh Hóa), người nhà của 2 bệnh nhi cũng cảm thấy lòng nhẹ nhõm hơn khi nghe ông Hân chơi đàn. “Lúc ấy, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền dường như tan biến trong tôi”, chị Huệ xúc động nói.

Không chỉ mang đàn đi biểu diễn trong bệnh viện, ông Hân còn sử dụng mạng xã hội để kêu gọi mọi người đồng lòng giúp đỡ những con người chung cảnh ngộ. Ông tự tay thu âm lại những khúc nhạc mình đã chơi cùng với các bệnh nhân rồi đưa lên Youtube, Facebook kêu gọi mọi người quan tâm, giúp đỡ và động viên tinh thần những người ốm đau bệnh tật như ông.

Chị Trần Thị Thái (41 tuổi, Bắc Giang), một trong những nhà từ thiện thường xuyên có mặt tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thường ngồi hàng giờ trò chuyện với ông Hân. Xúc động trước việc làm của ông, chị chia sẻ: “Ông Hân không chỉ có một tấm lòng nhân ái, luôn giúp đỡ người khác mà còn có nội lực mạnh mẽ, một niềm yêu thương cuộc sống mãnh liệt ẩn sau một tâm hồn nghệ sỹ lãng mạn”.

Những khúc đàn bầu của ông Hân không chỉ làm “giảm đau” cho những người có chung cảnh ngộ như mình mà chính ông còn tiếp thêm động lực cho những người trẻ dốc lòng vì cộng đồng, vì những bệnh nhân như ông. Có những ngày chủ nhật, người ta thấy một ông già mặc áo bệnh nhân say sưa gảy đàn cho rất đông sinh viên thuộc Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Người bệnh già điềm tĩnh gảy đàn như một nghệ sỹ chuyên nghiệp, còn những tình nguyện viên trẻ thì thả hồn theo điệu nhạc.

Thấy những việc ý nghĩa người cha đã làm, lệ đã rơm rớm trên đôi mắt anh Phạm Văn Trọng. Anh xúc động vô cùng khi biết rằng cha mình đã tìm được niềm vui trong cảnh éo le bệnh tật, còn mang lại niềm vui cho những người có chung cảnh ngộ. “Bố tôi đã làm đẹp thêm truyền thống quý báu của gia đình và là tấm gương lớn cho con cái học tập, noi theo”, anh Trọng tự hào nói.

Ông Hân tự mình chiêm nghiệm, cuộc đời có cả cho và nhận, khi cho đi sẽ được nhận lại rất nhiều điều ý nghĩa. Sau 3 đợt điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, các bác sỹ khẳng định sức khỏe ông Hân đã tốt hơn. Ông có thể về sum vầy với con cháu và ăn bữa tất niên ấm cúng tình thân.

Những bệnh nhân trong viện nghe tin ai cùng mừng cho ông Hân, còn ông thì lại bịn rịn, không nỡ xa những người bạn của mình. Ông nán lại thêm vài ngày, vừa là để thăm người thân ở Hà Nội, vừa để có thể được chơi đàn cho các bệnh nhân – những người đồng hành với ông lúc khó khăn nhất trong cuộc đời.

GS - TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao sự cố gắng của ông Hân. Ông Hân đã tạo ra và duy trì được niềm vui để chống chọi với bệnh tật, một điều thật quý giá. Điều tuyệt vời hơn khi ông Phạm Văn Hân có thể truyền cả niềm vui đó cho những bệnh nhân khác có hoàn cảnh giống ông ấy”...

Theo Pháp luật VN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo