Tin tức - Sự kiện

Kỳ nhân khiếm thị đưa internet về làng

Bị mù từ nhỏ nhưng ông Đỗ Phú Kim đã vượt qua sự mặc cảm khiếm khuyết bản thân để vươn lên tìm ánh sáng tri thức của cuộc đời. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn đặc biệt “rành” máy tính, là người đầu tiên đã đưa internet về làng...

 "Kỳ nhân mù" làm kinh tế giỏi

 
Từ TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) chúng tôi không khó để tìm tới xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc) khi hỏi người đàn ông mù đã đưa mạng internet về làng và làm kinh tế giỏi.
 
Ông Kim (57 tuổi)  được người dân ở đây gọi là “kỳ nhân mù”. Ai cũng biết và khâm phục ông vì ông đã vượt qua nghịch cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
 
Năm lên 4 tuổi, cậu bé Kim bị một cơn sốt nặng, biến chứng của cơn sốt khiến đôi mắt ông mờ dần rồi mù hẳn. Quãng thời gian sau đó ông phải rất vất vả để làm quen với cuộc sống không ánh sáng. Tuổi thơ của ông đi qua trong bóng tối và buồn tẻ.
 
Lớn lên một chút, Kim không ngừng lo lắng cho tương lai của bản thân. Ông bảo “đó là chuỗi ngày buồn bã sống trong nỗi chán nản, vô định vì tương lai mù mịt như chính đôi mắt của tôi vậy…”
 
Nhờ sự động viên, cổ vũ, giúp đỡ nhiệt tình của gia đình, Kim dần lấy lại sự lạc quan, niềm tin vào cuộc sống. Không sáng mắt để đi học con chữ, ông Kim bắt đầu làm quen với việc học nghề sửa xe đạp để kiếm kế sinh nhai.
 
Đôi tay mò mẫm với hình dạng chiếc xe đạp, đầu thì cố gắng ghi nhớ những chi tiết tỉ mỉ được người thợ sửa xe hướng dẫn. Sau khi làm quen và nhớ vị trí, chức năng của các bộ phận, chi tiết, giúp ông học nhớ những lỗi, hỏng và cách sửa chi tiết, bộ phận đó.
 
Lúc mới học sửa, không chỉ sửa lâu, sửa nhầm mà không ít lần Kim còn đập búa, vặn ốc vào tay, chảy tứa máu. Chảy máu thì băng lại, rồi tiếp tục. Cứ thế, ngày nào Kim cũng cố gắng, không vì bị đau mà bỏ học. Quen dần, vết thương ít đi, trình độ sửa chữa cũng tăng lên đáng kể.
 
Chỉ sau một thời gian ngắn, nhờ sự chuyên tâm học hành, quyết tâm cao độ, chàng thanh niên Kim đã có thể sửa thành thục như một người thợ đích thực.  Kim mở tiệm sửa xe đạp, hành nghề mưu sinh, chăm lo cuộc sống cho mình.
 
 Ông Kim bị mù nhưng làm kinh tế giỏi, là người đầu tiên đưa internet về làng
 
Cũng chính trong thời gian này, cảm phục trước sự hiền lành, chăm chỉ, vươn lên trong nghịch cảnh của ông Kim, chị Nguyễn Thị Chính đem lòng yêu mến. Năm 1983, cả hai người tổ chức đám cưới trong niềm vui khôn xiết, nhưng cũng đầy nỗi lo lắng của hai bên gia đình.
 
Lúc vợ chồng mới cưới chỉ có hai bàn tay trắng, miếng ăn cũng phải chạy vạy từng bữa. Sau nhiều đêm suy nghĩ, hai vợ chồng ông Kim dắt díu nhau đi vay mượn chỗ bà con mỗi người một ít rồi lặn lội xuống thị trấn tìm mua bò giống về nuôi. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ ngọn đồi phía trước nhà, kết hợp khâu chăm sóc tốt nên chẳng mấy chốc khi lứa bò đầu tiên xuất chuồng giúp vợ chồng ông đã xóa được số nợ vốn.
 
"Tiếp tục vài năm, hai vợ chồng mở rộng thêm chăn nuôi heo, cuộc đời cũng rẽ sang một chương mới kể từ đó" - ông Kim nhớ lại.
 
Ông kể: cách đây khoảng 25 năm, khi bà con nông dân ở xã miền núi Đại Đồng chỉ biết sử dụng chiếc máy xay xát gạo thủ công thì chính ông Kim và bà Chính vắt sạch hầu bao, dốc toàn bộ nguồn lãi từ chăn nuôi mang lại để đầu tư mua máy xay xát bằng điện.
 
Chiếc máy xay xát lạ hoắc được mang về, giúp người dân phần nào giảm thiểu sức lực và tiêu hao thành phẩm trong quá trình bóc vỏ. Từ ngày sắm được chiếc máy, kết hợp duy trì những công việc trước đó, kinh tế gia đình ông ngày một vững chắc. Nhiều bà con trong vùng tìm đến hỏi han kinh nghiệm chăn nuôi, ông luôn sẵn sàng tư vấn, tạo điều kiện cho vay vốn mua con giống mà không thu hồi lãi. 
 
Ông Nguyễn Giới, một người dân thôn Lâm Tây, chia sẻ: “Mặc dù bị khiếm thị nhưng chú Kim làm gì cũng dễ dàng, nhanh nhẹn như người bình thường! Lúc chiếc máy xay xát của chú đưa vào hoạt động, nông dân chúng tôi khỏe re vì không phải nhọc nhằn xay lúa bằng tay nữa. Gia đình tôi được chú Kim chỉ cho cách thức chăn nuôi và cho mượn tiền xây chuồng trại nên đã thoát nghèo”.
 
Người đầu tiên học máy tính, kéo internet về làng
 
Năm 2008, được sự vận động của Hội người mù huyện Đại Lộc, ông Kim đăng kí xin học lớp giới thiệu và hướng dẫn sử dụng máy tính do tỉnh Quảng Nam tổ chức. Lúc ông Kim đăng kí theo học, nhiều người tỏ ra bất ngờ, lâu nay quen chân lấm tay bùn ngoài đồng, gắn bó với cái máy xay xát gạo, giờ đi học vi tính, lại không nhìn thấy rõ như người bình thường, có học được không?
 
“Nhiều người tò mò về việc học vi tính của tôi lắm, nghĩ khó khăn với người bình thường một thì với người khuyết tật như mình phải cố gắng gấp mười như vậy. Thế là ngoài việc làm kinh tế ở nhà, tôi tranh thủ sắp xếp thời gian đi học, quyết tâm theo đuổi, mày mò hơn 6 tháng trời tôi cũng sử dụng được thuần thục như người bình thường” – ông Kim nở nụ cười khoe với chúng tôi.
 
Kể về việc học máy tính, ông Kim bảo, ông phải mò mẫm từng ngón tay trên bàn phím rất lâu, nhớ vị trí từng phím. Cứ tập tành mò mẫm với từng chữ cái, con số rồi cũng ghi nhớ được trong đầu nó ở vị trí nào mà bấm. Cứ thế ông Kim học được, đánh được văn bản, lên mạng như người bình thường.
 
Bị mất ánh sáng từ năm lên 4, không biết chữ, nhưng nhờ thời gian theo học lớp máy vi tính, ông Kim cũng học được chữ Braille. Ông Kim bày tỏ: “Với người bình thường, nhìn qua là học được chữ chứ tôi phải mò tay khắp mặt chữ mà học, mà nhớ. Được thời gian tôi luyện, tôi cũng kiên trì hơn. Chỉ cần thấy có ích cho mình là mình siêng năng, học được hết!”
 
Học xong lớp máy vi tính, biết chữ Braille, nhiều người nghĩ ông Kim sẽ “an phận” với công việc làm kinh tế, với chiếc máy xay xát gạo thì ông lại làm mọi người sửng sốt khi quyết định “tậu” 4 máy vi tính về mở quán internet. Làng quê với những con người lâu nay chỉ có ruộng với đồng, nghe tin ông Kim mù kéo internet về thì kéo nhau ra xem. Những chiếc máy vi tính mới đầu tiên về làng khiến mọi người hồ hởi, bàn tán không ngớt nhiều tháng liền.
 
Ông Kim chia sẻ: “Lâu nay người dân quê mình chỉ cập nhật tin tức qua tivi, nhiều thông tin để đến được với mọi người còn mù tịt. Được học lớp giới thiệu về máy vi tính xong, tôi trăn trở mở một phòng máy, kéo mạng về để người dân, thanh niên biết tin tức, học tập”.
 
Ban đầu mở 4 máy, qua mấy tháng, thấy nhu cầu tăng cao, lại có đồng lãi thu về, ông Kim mua thêm 5 máy, rồi sau đó mua 10 máy nữa. Đến nay, quán internet của gia đình ông Kim có đến 20 chiếc nối mạng, đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí, tìm hiểu làm ăn của bà con nơi đây. Hàng tháng, số tiền lãi thu về từ quán internet khoảng 5-6 triệu đồng, ngoài ra thu nhập từ máy xay xát, chăn nuôi heo, bò giúp gia đình ông Kim có thu nhập khá giả, cuộc sống ấm no.
 
Nhận xét về ông Kim, ông Trương Văn Lượng - Chủ tịch Hội người mù huyện Đại Lộc tấm tắc: “Nghị lực và những thành công mà bác Kim có được quả thực khiến người khác kính phục. Anh em trong hội nhận được sự giúp đỡ của bác rất nhiều, nhất là kinh nghiệm làm ăn. Hiện nay, bác Kim chính là thầy giáo của những hội viên đam mê công nghệ thông tin và mong muốn nối gót con đường bác Kim đã đi”.
Theo Khám phá
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo