Xã hội

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia: Rất ít thí sinh thi môn Sử

(DNVN) - Sáng 4/7, chỉ khoảng 150.000 thí sinh trên cả nước làm bài thi môn Sử. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, môn Sử có tỷ lệ thí sinh dự thi ít nhất trong các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đề thi, đặc biệt là môn Sử sẽ thay đổi theo hướng không bắt thí sinh nhớ máy móc mà tăng cường khả năng vận dụng kiến thức, nhưng vẫn không nhiều thí sinh mặn mà với môn này.

Phòng thi 365 của điểm thi Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) theo đăng ký có 6 thí sinh dự thi môn Sử, nhưng sáng nay chỉ có 5 em dự thi. Ảnh: Giang Huy/VNE.
Phòng thi 365 của điểm thi Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) theo đăng ký có 6 thí sinh dự thi môn Sử, nhưng sáng nay chỉ có 5 em dự thi. Ảnh: Giang Huy/VNE.

Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, trong hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, chỉ khoảng 153.600 em đăng ký thi môn Sử. Trong khi đó, các môn tự chọn khối tự nhiên như Lý là hơn 470.800, Hoá hơn 459.000 em.

Nguyên nhân tỷ lệ thí sinh tham dự thấp môn Lịch sử được đánh giá là do không có nhiều trường tuyển sinh khối C và cơ hội việc làm của các ngành thi khối này không cao. Đề thi yêu cầu đòi hỏi thí sinh phải 'nhớ' kiến thức sách giáo khoa, bên cạnh xu hướng yêu cầu học sinh tổng hợp, phân tích để tạo được sự phân loại.

Tại Hà Nội: Năm nay, tại hội đồng thi Đại học Kinh tế quốc dân, chỉ có 1 phòng với 6 thí sinh thi Lịch sử. GS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, môn Lịch sử chiếm 9,5 % - ít nhất trong số số các môn thi.

Tại TPHCM:  môn Sử có số thí sinh đăng ký dự thi ít nhất với tổng cộng trên 18.100 thí sinh ở cả 8 cụm thi. Cụm thi có thí sinh thi ít nhất sáng nay là hội đồng thi trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật THCM chỉ có khoảng 1.500 thí sinh. Kế đến là hội đồng thi trường ĐH Sài Gòn chỉ phải tổ chức thi cho trên 1.770 thí sinh; hội đồng thi ĐH quốc gia TPHCM có hơn 1.900 thí sinh.

Hội đồng thi trường ĐH Y dược TPHCM có khoảng 2.100 thí sinh thi môn buổi sáng nay; hội đồng thi trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM khoảng 2.200 thí sinh; hội đồng thi do trường ĐH Tôn Đức Thắng phụ trách có 2.700 thí sinh; trường ĐH Công nghiệp TPHCM khoảng 2.800 thí sinh. Đông nhất là hội đồng thi do trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức với gần 3000 thí sinh thi. So với môn Địa lý sáng qua, lượng thí sinh thi môn Sử giảm hơn 10.000 em. Đây là môn tự chọn có thí sinh đăng ký ít nhất

Tại Cần Thơ: Theo thống kê của Sở GD – ĐT TP Cần Thơ, sử là môn ít thí sinh chọn nhất với số lượng 477 học sinh. Trong 9 điểm thi ở 9 quận huyện do Sở GD – ĐT TP Cần Thơ tổ chức thì Trường THPT Hà Huy Giáp ở huyện Cờ Đỏ là điểm thi có ít thí sinh nhất với số lượng thi chỉ có 4 em; còn điểm có nhiều thí sinh nhất là điểm thi Trường THPT Thới Laiở huyện Thới Lai với số lượng 98 em.

 

Điểm thi đóng cửa vì không có thí sinh thi môn sử. Ảnh: Minh Tâm/Dantri.
Điểm thi đóng cửa vì không có thí sinh thi môn sử. Ảnh: Minh Tâm/Dantri.

Còn tại cụm thi liên tỉnh do trường ĐH Cần Thơ chủ trì có 4.925 thí sinh đăng kí chọn thi môn sử. Ông Nguyễn Minh Trí - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ cho biết, trong 28 điểm thi thì có đến 14 điểm thi không có thí sinh nào thi môn sử nên phải “đóng cửa”.Theo ghi nhận của phóng viên, sáng ngày 4–7 thì 14 điểm thi này hoàn toàn im lìm, không có công an, giám thị, phụ huynh, thí sinh.

Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, chính cách giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông đã giết chết tình yêu củahọc sinh đối với Lịch sử. Giáo viên đang giảng dạy quá nhiều lý thuyết, những kiến thức như ngày, tháng, năm, địa danh, diễn biến, số lượng người... đều bị đòi hỏi học thuộc. Ngoài ra, các thầy cô còn áp đặt kiến thức lên học sinh, khiến các em thấy sợ hãi Lịch sử.

GS Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam từng chia sẻ với báo chí rằng, ông lo ngại với cách giảng dạy Lịch sử trong trường phổ thông, đến một lúc nào đó trong ký ức của thế hệ trẻ, lịch sử Việt Nam sẽ rất mờ nhạt, những trang sử hào hùng của dân tộc sẽ không được nhớ đến.
Theo giáo sư, các môn khoa học xã hội rất quan trọng trong hình thành nhân cách, bản lĩnh và năng lực tư duy của con người. Vì vậy, ông đề xuất phải thay đổi cách dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông, sau đó, phải đưa vào danh sách các môn thi bắt buộc, vì "Lịch sử dung dưỡng ý thức dân tộc".
Trước đó năm 2013, hàng nghìn thí sinh được điểm 0 môn Sử. Năm 2014, có hội đồng thi 18 cán bộ phục vụ một thí sinh thi Sử.  
Buổi sáng thí sinh thi môn Lịch sử thi theo hình thức tự luận với thời gian 180 phút, buổi chiều thí sinh thi môn Sinh theo hình thức trắc nghiệm thời gian 90 phút

Ngọc Huệ (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo