Ký ức cựu binh giải phóng Trường Sa
Giải phóng đảo, không mất một viên đạn nào
Sinh ra và lớn lên tại Giao Thủy, Nam Định, đầu năm 1974 ông nhập ngũ, thuộc biên chế của tiểu đoàn 4, trung đoàn 38, sư 2 (Quân khu V), chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam- Đà Nẵng.
Cuối tháng 3- 1975, tình hình trên các chiến trường miền Nam chuyển biến tích cực, có lợi cho ta. Nhận định đây là cơ hội để giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa cũng như các đảo khác trên địa bàn cả nước do Chính quyền cũ đồn trú, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho Bộ tư lệnh Quân khu V và Bộ tư lệnh Hải Quân nghiên cứu phương án tác chiến, nắm bắt thời cơ thuận lợi, tiến hành giải phóng các đảo. Đoàn C75 - đơn vị giải phóng Trường Sa được thành lập gồm Đội 1 của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, và một số đơn vị bộ binh, đặc công và thông tin của Quân khu V.
Đầu tháng 4 -1975, ngay sau khi Đà Nẵng mới giải phóng, đơn vị ông Thùy nhận lệnh ra cảng xuống tàu. Đêm 11-4, một số đơn vị thuộc Đoàn C75 được lệnh xuống 3 con tàu của Đoàn 125 nhận nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Để giữ bí mật, biên đội tàu cải dạng thành tàu đánh cá nước ngoài, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ “giấu quân” trong các khoang tàu, hầm hàng.
Sau hơn 2 ngày vượt sóng trên biển, chiều 13-4, các tàu của ta đến được đảo Song Tử Tây của quần đảo Trường Sa. Rạng sáng 14-4, lực lượng Đặc công nước và Bộ binh của ta được lệnh tiếp cận, tấn công lên đánh chiếm đảo. Chỉ sau 30 phút chiến đấu, đảo Song Tử Tây được giải phóng.
Nhận định đây là thời cơ để giải phóng các đảo còn lại thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 21-4, một biên đội tàu của đoàn 125 tiếp tục đưa lực lượng của ta ra giải phóng Trường Sa. Riêng đơn vị của ông Thùy được lệnh tấn công giải phóng đảo Nam Yết. Đây là một đảo khá lớn, lực lượng phòng thủ đông nhưng khi quân ta đổ bộ, địch đã hoảng sợ, rút chạy hết do đó chúng ta giải phóng đảo mà không mất một viên đạn nào. Tiếp đà chiến thắng, ngày 28-4 chúng ta giải phóng đảo Sinh Tồn…Và ngày 29-4 năm 1975 đánh mốc ngày giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa.
Đọc thư nhà qua … máy thông tin
Ngay sau khi giải phóng và được lệnh ở lại chốt giữ đảo Nam Yết, nhiệm vụ đầu tiên của đơn vị ông Thùy là kiểm tra, củng cố trận địa, sẵn sàng chiến đấu nếu có lực lượng khác đến tái chiếm đảo. Đây cũng là quãng thời gian đầy gian khổ nhưng rất đỗi tự hào trong đời binh nghiệp của ông Thùy và các đồng đội. Khoảng hơn tháng sau, ông Thùy nhận lệnh chuyển sang đảo Sinh Tồn.
Hơn một năm gắn bó với Trường Sa, tham gia giải phóng và chốt giữ trên hai đảo là Nam Yết và Sinh Tồn, kỷ niệm nhớ nhất của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thùy là những ngày thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh và mong chờ thư gia đình.
Hồi ấy, việc tiếp tế cho Trường Sa còn hết sức hạn chế, vì vậy, bộ đội trên đảo lúc nào cũng mong ngóng tàu ra đảo. Tàu ra đảo đồng nghĩa với việc anh em có thêm nước ngọt, có lương thực, thực phẩm, rau xanh và đặc biệt là được nhận thư nhà…
Ông Thùy còn nhớ mãi kỷ niệm mà ông đã vừa khóc vừa … nghe anh em đọc cho nghe thư chị gái. Hồi ấy, gần nửa năm trời trên đảo Nam Yết, gửi thư về gia đình nhiều lần, nhưng lại không nhận được thư nhà, trong khi anh em trên đảo ai cũng có thư. Mãi gần bước sang Tết năm 1976, lúc đang ở đảo Sinh Tồn thì ông bất ngờ nhận được điện của anh em từ đảo Nam Yết thông báo mình có thư!
Không thể chờ đợi lâu hơn, ông đã nhờ anh em trên đảo Nam Yết đọc thư qua … máy thông tin và mở to loa để các anh em trong đơn vị cùng xúm vào nghe. “Lúc đó tôi đã khóc rất nhiều, những anh em quanh tôi cũng khóc theo. Sau này mới biết những lá thư mình gửi về gia đình đều thất lạc, nên gia đình ai cũng nghĩ là đã hy sinh! Thật may lá thư viết về thăm chị gái lại nhận được nên gia đình mới biết tin còn sống và đang chốt giữ trên quần đảo Trường Sa”, ông Thùy chia sẻ.
Tháng 6-1976 ông được về thăm gia đình và được cử đi đào tạo tại Học viện Hải quân, Học viện Chính trị Quân sự rồi quay trở lại làm giảng viên của Học viện Hải quân tại Nha Trang. Năm 1988, sức khỏe của ông giảm sút do ảnh hưởng chất độc da cam trong thời gian chiến đấu trên chiến trường Quân khu V nên ông được về mất sức.
Trở về đời thường, mang trong mình phảm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ không chịu đầu hàng đói nghèo. Ông thường xác định “Thương trường như chiến trường”, dù sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn quyết tâm làm kinh tế và trở thành doanh nhân thành đạt. Đến nay, Công ty Cổ phân Thương mại và dịch vụ Du lịch Quốc tế do ông gây dựng với nhà hàng, khách sạn và gần 200 đầu xe tắc xi, tạo công ăn việc làm cho khoảng 700 lao động…
Hiện ông là Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân Cựu chiến binh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa…
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn thường xuyên đón nhận những lao động là các cựu chiến binh, con em của họ và các cựu quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào làm việc. Thường xuyên tham gia đóng góp cho các chương trình nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ các CCB có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các cựu chiến binh và Ban Liên lạc bộ đội Trường Sa tại Khánh Hòa.
Mang xoong nồi ra gõ ....
Tết năm 1976 cũng là một cái Tết đáng nhớ với ông và những đồng đội trên đảo. Năm đầu tiên đón Tết trên đảo, có tàu vận chuyển hàng Tết ra, nhưng đợi mãi chưa thấy hàng đâu. Để đón Tết, ông và đồng đội phải dùng bao xác rắn để gói bánh chưng, giờ phút giao thừa ai cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ gia đình rồi chỉ biết mang xoong nồi ra gõ...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé