Tin tức - Sự kiện

Lá thư "gây bão mạng" của nữ nhà báo đang ở tâm dịch sởi

Bài viết của người mẹ - một phóng viên tác nghiệp trong "tâm dịch sởi" khiến người đọc vô cùng xúc động

Sau những ngày có mặt trong bệnh viện ghi nhận tình hình dịch sởi, một nữ phóng viên đồng thời cũng là một người mẹ đã trải qua vô vàn những cung bậc cảm xúc, trải qua những niềm vui nhỏ bé, những nỗi lo và cả những mất mát của gia đình các bệnh nhân sởi trong bệnh viện. Chị đã ghi lại sự việc và cả những dòng cảm xúc của chính mình trong lá thư gửi đứa con trai nhỏ.

 
Bài viết với tự đề "Lá thư gửi cho con từ tâm dịch sởi" trên facebook cá nhân của chị hiện đang được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội khiến người đọc xúc động. Dưới đây chúng tôi xin trích đăng lại bài viết này:
 
"Ngày hôm nay, sau 2 tuần mệt mỏi túc trực ở trong viện, chạy lên Bộ Y tế, phỏng vấn người nhà bệnh nhân… về dịch sởi. Mẹ mới có thời gian ngồi viết những dòng này gửi đến con.
 
Có một vài đồng nghiệp nói với mẹ hãy ghi lại những thời khắc này, để sau này con lớn lên, có đọc lại, con cũng biết rằng, đã có thời gian, ở giữa thời đại của thế kỷ 21 này, con người hoang mang, lạc lối, sợ hãi, cô đơn, hoảng loạn và chỉ biết cầu trời hoặc họ hy vọng vào một điều gì đó không có thật ở trên đời. Họ tin vào phép màu.
 
 
Mẹ cũng nghĩ rằng, ước gì có một phép màu ở đây có thể xóa tan đi những nỗi khổ đau, những vết thương, những đau khổ và những giọt nước mắt cứ thi nhau chảy trên má của mỗi gia đình bệnh nhân.
 
Chưa bao giờ mẹ được chứng kiến, hàng trăm người nhà bệnh nhân ôm nhau khóc lóc và hoảng loạn khi bác sỹ lần lượt đọc tên những em bé… bị bệnh viện trả về. Họ ước rằng, họ cầu trời rằng, tên con cái của họ, cháu của họ không nằm trong danh sách dài dằng dặc mang màu sắc nhuốm đen, tang tóc đó đang bao trùm lên sự sợ hãi của chính họ.
 
2 tuần, là 14 ngày… hơn! Có lẽ mẹ trực trong bệnh viện này hơn con số đó. Nhưng con số đó chẳng thấm tháp gì so với những ông bố, bà mẹ có con nằm trong phòng cấp cứu, trong khoa lây, khoa truyền nhiễm mấy tháng trời.
 
Hơn ai hết, chờ đợi là một điều gì đó khó thở đến vô cùng, huống gì cái họ chờ đợi gần như là không lối thoát.
 
(Ảnh facebook Hoàng Hải Yến)
 
Mẹ biết, họ không biết bám víu vào đâu, giữa trung tâm dịch sởi đang hoành hành, các bác sỹ, y tá, y sĩ dường như làm việc gấp 3-4 lần nhưng vẫn không giảm tải được số lượng người tử vong, nhập viện vì sởi, lây nhiễm chéo.
 
Mẹ cảm nhận như cái bệnh viện Nhi nơi mẹ đang đứng đây, nơi mà hàng ngày có những em bé luôn luôn vui vẻ và yêu thương, chỉ bị những căn bệnh nhẹ nhàng đã trở thành nơi gần với cánh cửa tử hơn bao giờ hết.
 
Con trai của mẹ à?!
 
Con có nghe thấy không?
 
Tiếng khóc, tiếng gào thét, tiếng nói thều thào của những người nhà bệnh nhân gần như đã kiệt sức cứ vang lên mãi.
 
Con trai của mẹ à?!
 
Cón có biết không? Chân tay mẹ bất lực, người mẹ như nhũn ra khi có 3 người phụ nữ, cũng như mẹ, cũng có những người con thiên thần như con. Nhưng giờ đây, có lẽ sẽ chẳng còn những nụ cười hạnh phúc nữa. 3 người phụ nữ bám lấy mẹ, gào lên khóc “Chị hãy làm gì đi, chị nói gì đi, chị nói lên Bộ, lên Trung ương, lên thủ tướng đi... con chúng tôi chết rồi. Tại sao??? Tại sao nó lại chết???”
 
Những câu hỏi đó, bản thân mẹ làm sao trả lời được, khi mẹ đích thân đi gặp bác sỹ, chính các bác sỹ còn cảm thấy tuyệt vọng: “Bệnh nhân chuyển biến nhanh quá, vi rút đã ăn vào phổi. Chúng tôi rất tiếc, các cháu chỉ còn thở được vài tiếng đồng hồ nữa thôi.”
 
 
(Ảnh facebook Hoàng Hải Yến)
 
Con trai của mẹ à?!
 
Có có hay, ở giữa thế kỷ 21, ở giữa nơi đô thị phồn hoa, mọi thứ đều tiên tiến, mọi thứ đều trở nên hào hoa, bóng loáng và là những nơi đẹp đẽ nhất mà con người mơ ước và hướng tới, lại là nơi trung tâm của ổ dịch. Một con đường đến mà ít có tỷ lệ đường về.
 
Nó đau đớn, tang thương – Nhưng có thật.
 
Con trai của mẹ à?!
 
Con nhìn kìa, ông bố kia dường như đã phát điên. Đàn ông luôn mạnh mẽ, đàn ông luôn là cứng cỏi nhất trong những tình huống dường như trở nên xấu nhất. Nhưng có lẽ, anh ấy cũng đã không chịu đựng được khi các bác sỹ hô lên: Cấp cứu..! Thôi... thở được rồi...
 
5 phút sau lại: Cấp cứu... Nhanh, nhanh.... Từ từ... cuống phổi vẫn thở được rồi.... Rồi lại... Cấp cứu gấp...! 
Nhanh nhanh.
 
Ông bố như phát điên, con có biết ông bố đó đã gào lên: Trời ơi... Giết tôi đi... Con tôi ơi.. con ơi..!
 
Người mẹ đâu??? Nước mắt mẹ chảy dài, trái tim mẹ dường như bị ai bóp nghẹt. Mẹ tự hỏi mình: Mẹ em bé đâu? Trong lúc này, có lẽ em bé cần nhất là người mẹ.
 
Khi mẹ hỏi những người xung quanh, họ bảo: Mẹ cháu bé túc trực 20 ngày ở đây, hôm qua nghe bệnh viện nói có khả năng con họ không qua khỏi. Nó đã về nhà, bảo trực sẵn ở nhà, được tin là “đi theo” con luôn... 2 đứa rồi.
Sao có thể thế được? Làm sao có thể suy nghĩ ấu trĩ như thế?
 
Nhưng con trai à?! Con biết không?
 
Nếu đặt vào hoàn cảnh của mẹ, có lẽ mẹ cũng chẳng thiết sống trên đời nếu như hai người con của mẹ đã lần lượt “ra đi” như người phụ nữ kia. Mẹ có đủ mạnh mẽ để vượt qua hay không? Hay mẹ lại về nhà để rồi nhìn vào mắt con, mẹ biết được rằng, con là tất cả của mẹ.
 
Hôm nay, sau những ngày căng thẳng, viết bài về dịch sởi ngay tại trung tâm “bão sởi”.
 
Mẹ căng thẳng vô cùng, mẹ sợ hãi vô cùng.
 
Con số tiết lộ tỷ lệ tử vong của các em bé quá cao làm mẹ lúng túng.
 
Quyết định gọi điện về tòa soạn xin ý kiến chỉ đạo để đăng con số thực đó lên, mẹ đã đấu tranh rất nhiều. Sự động viên của anh Thư ký tòa soạn khiến mẹ mạnh dạn lên rất nhiều. Con số hơn 100 bệnh nhân tử vong vì sởi và những bệnh biến chứng sởi đã được tung ra.
 
Chẳng mấy chốc, bài báo đó thu hút hàng ngàn người vào đọc, có những đồng nghiệp biết mẹ đã gọi điện, nhắn tin, người thì hỏi, người thì bảo mẹ “liều”, người thì bảo mẹ “chuẩn bị tinh thần”... Mẹ biết, mẹ không phải không coi trọng công việc, mà mẹ tin những việc mẹ nói ra thế này, nó chính thức công bố cho mọi người biết: Sởi không còn là căn bệnh thông thường nữa.
 
Ngay tối hôm đó, các đài truyền hình, các báo đã đưa tin đồng loạt con số chính xác là 118 bệnh Nhi tử vong. Con số đó, mẹ biết, vẫn chưa dừng lại. Nhưng bù lại, mẹ đã thấy sự vào cuộc quyết liệt của những đồng nghiệp ở các báo khác bên mình.
 
Sau đó là hàng loạt các bài mẹ viết về những nỗi đau, về tình hình dịch bệnh, về sự thiếu minh bạch trong thông tin gửi tới người dân. Có người nói rằng mẹ cảm tính, có người nói rằng mẹ đã không hiểu và chủ quan, coi thường nghề nghiệp. Nhưng với 2 năm sống cùng người bệnh suy thận và mới ghép thận của bác con, mẹ tin mẹ đủ kinh nghiệm để giảm tối đa nhất sự lây lan vi khuẩn từ bên ngoài vào trong các phòng bệnh nhi ở khoa truyền nhiễm.
 
Mẹ biết, ở trong bài viết, mẹ đã đưa cảm tính của mình vào hơi nhiều. Nhưng không cảm tính thế nào được khi hàng ngày mẹ chứng kiến, hàng giờ mẹ chứng kiến những nỗi đau cứ chất chứa lên nỗi đau. Đến khi có những người phải thốt lên với mẹ: Có những ngày, tôi chứng kiến, các em bé tử vong nhiều quá, cứ 2 ngày có tới 36 bệnh Nhi rời viện.
 
Họ rời viện, họ biết về đâu? Phải, về nhà. Về nhà để nằm chờ những hơi thở cuối cùng lịm đi trong sức khỏe yếu ớt và những đau thương của bố mẹ các em bé không biết gửi nơi đâu.
 
Những lời kêu gọi gửi thêm máy thở, gửi thêm máy tiêm, hãy cứu lấy các cháu bé vô tội vài tháng tuổi đang đối diện với nguy cơ cứ hàng ngày hiện lên, truyền đi. Những thông điệp đó đã kéo gần tất cả con người lại với nhau. Hơn ai hết, mẹ hiểu lúc này đã đến lúc chúng ta sống vì cộng đồng.
 
Những món tiền nhỏ liên tục được gửi tới gia đình các em, góp 1 tay vào nền kinh tế vực lên sự sống đang mỏi mòn.
 
Những hộp sữa, những chiếc chăn, chiếu, hoa quả, nước uống được lần lượt chuyển tới tay người nhà bệnh nhân mong họ kiên cường.
 
Những giọt nước mắt cảm thông, những lời nói cảm ơn, những ánh mắt kiên quyết cứ mỗi ngày.. mỗi ngày được nhân lên.
 
Con trai của mẹ à?!
 
Con nhìn đi..!
 
Kìa, các em bé kia đã rời bệnh viện với hy vọng sống còn vẫn còn vương trên nét mặt
 
Những lời động viên, khoanh vùng dịch bệnh đã được mọi người chung tay giúp đỡ
 
Những lời sẻ chia, tư vấn về dịch bệnh sởi đã được gửi đến từng nhà, từng nhà... Giúp mọi người có kiến thức hơn trong việc phòng chống cho con em mình.
 
Con trai của mẹ à?!
 
Mẹ nhớ con...
 
Khi gửi con cho bố, đi vào vùng ổ dịch, con biết không? Mẹ cũng sợ lắm. Mẹ sợ con lây cái dịch sởi đáng nguyền rủa này. Mẹ sợ ánh mắt của con không còn hướng vào mẹ nữa. Mẹ sợ lắm chứ.
 
Nhưng con vẫn ở đây, vẫn nắm lấy bàn tay mẹ
 
Bố con vẫn ở đây, vẫn động viên mẹ từng ngày, vẫn chăm sóc con từng giờ.
 
Ông bà vẫn gọi điện cho mẹ, dặn dò: Con cẩn thận nhé!
 
Mẹ biết, mẹ cần làm một điều gì đó để giảm tải thấp nhất những con số khủng khiếp kia. Những hành động nhỏ, sẽ tạo nên ý nghĩa lớn, sẽ giúp từng gia đình có niêm tin và đi lên.
 
Những em bé, còn rất bé...
 
Em Yến Nhi, em Trấn Thành, em Bảo Ngọc, em Hồ Phi, em Hà Hiền, em Minh Phương.... Tất cả các em bé đó nhờ những lòng hảo tâm đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất là: Phòng cấp cứu.
 
Cuộc chiến còn dài, nhưng mẹ tin tất cả rồi sẽ qua đi
 
Mẹ đã nhận được tin vui từ rất nhiều người mẹ khác. Người cảm ơn, người khóc, người vui mừng, người vẫn còn sự lo lắng... Nhưng nhìn lại mẹ biết, những hành động của mẹ, của những bạn bè, của những người ủng hộ và tin tưởng mẹ đã có kết quả tốt.
 
Nắng đã lên rồi, con trai ạ
 
Mẹ lại tiếp tục lên đường
 
Hôm nay, là ngày thứ 17 mẹ vào viện, đi từng căn phòng để hỏi thăm các em, để động viên các mẹ, để ghi lại những hình ảnh yêu thương này.
 
Con trai của mẹ à?!
 
Nghe tiếng thở đều đều của con bên tai, dù ở gần con, nhưng không được ôm ấp, mẹ thấy nhớ con vô cùng. Đẩy con đi xa mẹ hơn làm mẹ đau lắm, nhưng sẽ đau hơn nếu như những người mẹ khác không còn cơ hội ôm con của họ như mẹ đã ôm con và chắc chắn sẽ được ôm con (sớm thôi).
 
Vì vậy, hãy để mẹ đi, để con biết rằng: Đất nước mình, con người của dân tộc mình gắn kết lắm. Đừng vì những khó khăn mà vội tuyệt vọng, nghe chưa con?
 
Những số tiền nhỏ vẫn tiếp tục được gửi đến các em nhỏ hơn con rất nhiều. Con biết không, dù con số nhỏ, rất nhỏ nhưng có người đã ôm lấy mẹ mà khóc, mẹ tin, họ đã cùng cực lắm rồi. Còn bao nhiêu cảnh đời nữa, họ vẫn còn đang chờ đợi, vẫn chờ những số tiền dù nhỏ nhoi nhưng cũng giúp được họ vượt qua chặng đường khó khăn này.
 
Con đừng buồn khi mẹ cứ đi mãi
Con đừng khóc khi mẹ về tránh xa con
Con đừng hờn dỗi khi mẹ không bế con nữa
Con đừng nói rằng mẹ không yêu con
Sẽ làm đau lắm, đau lắm.
Con biết không?
Tương lai của các mẹ là ở các con
Hãy yêu thương hơn những gì mà con nhận được. Con nhớ chứ? Con yêu của mẹ
Mẹ yêu con nhiều
Ku Tũn của mẹ à...!"
Soha.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo