Lãi suất giảm có cứu được doanh nghiệp không?
Sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Lãi suất giảm là điều đáng mừng, nhưng vấn đề đặt ra là doanh nghiệp có tiếp cận được vốn vay hay không? Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang ở mức nào? Đâu mới là giải pháp giúp doanh nghiệp tiêu thụ được hàng tồn kho, xử lý nợ xấu, quay vòng sản xuất mới?
Quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có thể nói đã giúp doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận vốn vay. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh đang được tiếp cận vốn vay khá thuận lợi, với mức lãi suất 12%/năm hoặc thấp hơn, tùy từng ngân hàng mà điều kiện vay khác nhau. Thậm chí, Công ty cổ phần nhựa Tân Phú đã vay được vốn với mức lãi suất 10%/năm do là doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và có tín nhiệm cao với ngân hàng.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn phản ánh khó tiếp cận vốn vay ngân hàng do điều kiện cho vay chặt, nhất là yêu cầu về tài sản thế chấp.
Như vậy, dù lãi suất vốn vay đã giảm mạnh nhưng vay được hay không tùy thuộc vào uy tín, tài sản thế chấp của từng doanh nghiệp, cũng như sự thẩm định của ngân hàng. Thực tế cũng cho thấy, số doanh nghiệp vay được vốn là chưa nhiều, bởi dư nợ tín dụng của các ngân hàng tính đến ngày 23.4.2013 chỉ tăng 1,4% so với cuối năm 2012.
Trong khi, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 được đặt ra ở mức 12%. Thêm vào đó, hiện còn một vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp hết sức băn khoăn, đó là biên độ giữa lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng giãn khá xa. Dù lãi suất huy động đã giảm còn 7,5%/năm từ tháng 3, nhưng lãi suất cho vay vẫn đang ở mức phổ biến 11%-15%/năm, cao so với khả năng tiếp cận của doanh nghiệp trong tình hình kinh tế vẫn khó khăn. Tính ra chênh lệch lãi suất mà các ngân hàng đang hưởng có thể lên tới 7,5%. Không chỉ với lãi suất tiền VND, mà biên độ lãi suất USD cũng đang chênh ở mức cao.
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ở mức hợp lý theo tín hiệu thị trường. Năm 2012 Ngân hàng Nhà nước cũng đã có quy định các ngân hàng thương mại giữ chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ở mức 3%.
Tuy nhiên, các ngân hàng thực hiện đến đâu thì phải có kiểm tra, giám sát. Đó là chưa kể, hiện đã có lo ngại, nếu ngân hàng cứ tiếp tục hạ lãi suất huy động để hạ lãi suất cho vay thì đến một lúc nào đó người gửi tiền sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác, không loại trừ khả năng cho vay trên thị trường tín dụng đen, sẽ rất nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm cho rằng, giảm lãi suất chưa phải là cởi được nút thắt cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, muốn tiếp cận vốn vay thì doanh nghiệp còn phải giải quyết hai vấn đề lớn là khả năng tiêu thụ hàng hóa và nợ xấu. Doanh nghiệp không có khả năng tiêu thụ hàng hóa và nợ xấu vẫn còn thì cũng không mạo hiểm vay vốn, mở rộng kinh doanh.
Thực tế, chỉ số hàng tồn kho mặc dù có xu hướng giảm dần nhưng vẫn ở mức cao. Tại thời điểm 1.4.2013 chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13% so với cùng thời điểm năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I.2013 chỉ tăng 4,9%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 (5,9%) phản ánh khả năng hấp thụ vốn và năng lực sản xuất của nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và đến cuối tháng 2.2013, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng trong nước đang ở mức 6%, giảm từ trên 8% năm 2012. Rõ ràng, tồn kho và nợ xấu tiếp tục là điểm nghẽn của tăng trưởng kinh tế và khả năng hấp thụ, tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Ngay từ năm 2012, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải pháp then chốt, theo một số chuyên gia kinh tế, đó là hỗ trợ thị trường, kích cầu tiêu thụ sản phẩm, giải phóng hàng tồn kho. Các gói giải pháp hỗ trợ về giảm lãi suất vốn vay, giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho một số nhóm đối tượng dường như chưa giải quyết được bản chất của khó khăn. Kết quả khảo sát được công bố gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới 73% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng hàng tồn kho thực sự là mối lo ngại của họ; trong khi 5,7% số doanh nghiệp trả lời phải ngừng hoạt động trong năm 2012 do không tìm được thị trường đầu ra.
Quyết Thắng
Theo ĐBND
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo