Làm gì để trẻ vào lớp 1 không bị “sốc”?
Dễ “sốc” vì thay đổi môi trường
Năm nay, con chính thức bước vào lớp 1, chị Thúy Anh (KTT Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) không khỏi lo lắng. Chị bảo: “Hôm rồi cho con tới trường làm thủ tục nhập học mà thấy nản luôn. Lúc đầu con rất hào hứng vào trường, nhưng khi nhận lớp, phải ngồi im tại bàn, không được nói chuyện, làm việc riêng thì mặt cứ xị ra, cứ ngó sang mẹ ở ngoài cửa lớp. Ở nhà cũng thế, dạy con làm quen con số, chữ cái mà con không tập trung, động cái là khóc mếu... vợ chồng tôi lo quá, không biết ít nữa đi học có thế này không”.
Cùng tâm trạng, chị Thùy Dương (Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 1, cho biết: “Cũng rất lo cho con khi vào lớp 1 sẽ chưa làm quen được với môi trường học mới, bị các bạn mới bắt nạt, không theo kịp chương trình... nhiều chị ở cơ quan cũng khuyên là cho con đi học trước, để khi vào năm học sẽ không bị bỡ ngỡ vì học nặng. Tôi cũng đã thử cho con đi học ở nhà một giáo viên, nhưng học được 3 buổi thì con nhất định không đi, sáng ra khóc quấy, đòi ở nhà. Mà ở nhà thì cũng không học được, hơi tí là đòi uống nước, đi vệ sinh”.
Không riêng gì các chị Thúy Anh, Thùy Dương, rất nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay cũng đang trong tình trạng lo lắng, sốt ruột bởi giai đoạn chuyển giao giữa chương trình mầm non và tiểu học. Con đang quen với dậy muộn, được cô giáo cưng chiều, nay lại bị gò vào môi trường mới học nhiều, chơi ít, tuân thủ các nội quy, đặc biệt là phải tự lo chuyện cá nhân khi ở trường. Trên thực tế, đã có nhiều trẻ bị “sốc”, không muốn đi học khi bắt đầu vào giai đoạn học lớp 1.
Chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể - Giảng viên Khoa Tâm lí (ĐH Tân Trào), chuyên gia tham vấn giáo dục cho biết, ở bậc mầm non, trẻ đã được cô dạy một số thứ sinh hoạt như tự đi lấy nước uống, tự đi vệ sinh, phải ngủ vào buổi trưa, được giao lưu, chơi với các bạn... Giai đoạn này trẻ không được học chữ, đến trường chủ yếu vui chơi là chính. Sang giai đoạn học tiểu học, nếu bố mẹ bắt ép học, quên rằng con mới chuyển sang môi trường hoàn toàn mới sẽ chỉ khiến trẻ sợ đi học, mất hứng thú học tập, ảnh hưởng tới tâm lí.
Đồng hành với con
Cũng theo chuyên gia Mã Ngọc Thể: Giai đoạn trẻ 6 tuổi, trí não có phát triển hơn, nhưng bước vào lớp 1 nếu phụ huynh không quan tâm đến con, tạo áp lực học tập lên con dễ khiến trẻ bị căng thẳng, hoảng sợ, không muốn học tập. Thay vì bắt ép học tập, hãy cho bé làm quen dần với con số, mặt chữ. Trẻ vào lớp 1 là bước vào khuôn khổ, học tập các môn học. Chuyển từ chơi sang học, bố mẹ cần dành nhiều thời gian cho con hơn, cho con được chơi, có được tâm lí ổn định và thoải mái, dần dần con sẽ quen và đi vào nề nếp học tập”.
Chuyên gia Ngọc Thể phân tích, bước vào lớp 1, các em có nhanh chóng làm quen với lớp học bán trú hay không, điều này phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của giáo viên. Các cô giáo để cho trẻ tự lập sẽ khiến trẻ e dè, sợ hãi tăng lên, không giao tiếp tự nhiên được, trẻ vì sợ hãi mà không dám phát biểu, không dám xin phép để làm các công việc nhu cầu cá nhân... Do đó, sự cởi mở của các cô giáo sẽ giúp trẻ hòa nhập nhanh hơn.
“Hãy đồng hành cùng con”- đó là nhắn nhủ của TS. Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) tới các bậc phụ huynh.
Theo TS Vũ Thu Hương: “Trẻ vào lớp 1, phụ huynh cần đưa con đến trường tiểu học trước để con làm quen với ngôi trường, với các đồ dùng học tập và môi trường mới. Hãy kể cho con nghe về trường lớp, trong đó có sự khác biệt giữa mầm non và tiểu học, để con có sự chuẩn bị từ trước khi vào lớp. Trong ngày đi học đầu tiên, phụ huynh hãy tạo cho ngày đó như một ngày hội, để con háo hức đến trường. Bên cạnh đó, phụ huynh nên cùng con lập kế hoạch mua sắm đồ dùng học tập. Cùng con sắp xếp bàn học, bọc vở, dán nhãn... Công việc này sẽ tạo cho trẻ thêm háo hức được đến trường”.
Theo một số giáo viên tiểu học, dù một số trẻ chưa làm quen khi vào lớp 1, nhưng phụ huynh cũng đừng quá căng thẳng, lo lắng. Thời gian trẻ vào lớp 1 rất cần sự quan tâm, phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên. Nếu trẻ có biểu hiện căng thẳng ở trường học, phụ huynh cùng với giáo viên cần tìm hiểu xem trẻ thích và không thích gì ở trường. Động viên, khuyến khích trẻ nói ra các suy nghĩ. Phụ huynh cùng giáo viên hãy hướng các em tới các hoạt động mà các em thích thú và tìm cách khiến trẻ dần thay đổi điều không thích.
Hiện nay, rất nhiều phụ huynh đang cho con đi học thêm, học trước vào lớp 1, chuyên gia Mã Ngọc Thể đưa ra lời khuyên: “Một bộ phận phụ huynh hiện nay dễ chạy theo phong trào. Các giáo viên vì sức ép cuộc sống mà tăng cường dạy kiến thức, dạy thêm. Dẫn đến trẻ phải đọc, viết và làm toán quá nhiều. Vô tình tạo sức ép cho phụ huynh, dẫn đến đi học thêm, gây căng thẳng, mệt mỏi cho trẻ”. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc