Làm giàu thành công từ mô hình nuôi rắn như nuôi cá kiểng
Tìm hướng đi từ mô hình mới
Là người đầu tiên trong vùng thử nghiệm và thành công mô hình nuôi rắn ri tượng, hơn 4 năm trở lại đây, ông Dư Văn Út luôn tìm tòi học hỏi, đổi mới phương pháp chăm sóc và lai tạo giống sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Với xuất phát điểm chỉ từ 1 cặp rắn ri tượng bắt được ngoài tự nhiên, ông Út đã nhân giống thành công hàng chục con rắn ri tượng bố mẹ. Dựa vào nguồn cá mồi phong phú có sẵn trong vuông tôm cùng với khâu chăm sóc, phòng ngừa bệnh tốt, đàn rắn của gia đình ông Út đang sinh trưởng và phát triển khoẻ mạnh.
Ai đến thăm và xem đàn rắn to của gia đình ông Út đều nói đùa, ông Út làm bể xi măng nuôi rắn ri tượng như nuôi cá kiểng. Ông Út cười vui vẻ cho biết: “Nuôi loại rắn ri tượng cũng không khó, chỉ cần mình chịu tìm tòi, rút kinh nghiệm sẽ rất dễ thành công. Thời gian đầu rắn ri tượng cũng dễ phát sinh một số loại bệnh, nhưng khi nuôi lâu dài, biết đặc tính và cách phòng tránh thì năng suất đạt được rất cao. Thời điểm này rắn ri tượng có giá từ 750.000-800.000 đồng/kg rắn thịt, mỗi năm gia đình tôi thu nhập gần 50 triệu đồng”.
Ngoài nuôi rắn thịt, ông Út còn đang sở hữu bể nuôi 30 con rắn ri tượng đang trong giai đoạn sinh sản. Trung bình 1 năm, tuỳ theo điều kiện chăm sóc, một cặp rắn có thể sinh sản từ 30-40 rắn con. Thời điểm hiện tại, 1 con rắn ri tượng giống có giá 80.000 đồng, mỗi đợt rắn sinh sản gia đình ông Út tiếp tục thu lời từ việc bán con giống 10-15 triệu đồng.
Ông Dư Văn Út bộc bạch: “Hiện giờ bà con đến mua rắn giống rất nhiều nhưng mình không đủ bán ra thị trường. Gia đình tôi cũng dự định, sau khi nuôi xong đợt này sẽ tiếp tục xây thêm vài bể thả nuôi rắn ri tượng sinh sản để tăng thêm thu nhập”.
Nhận định về mô hình nuôi rắn ri tượng tại địa phương, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Phạm Văn Vẹn cho biết: “Thời gian qua, chính quyền và nhiều bà con trong vùng đã đến tận nơi tham quan học hỏi và nhận thấy đây là một trong những mô hình đem lại nguồn lợi nhuận rất cao. Những thành công bước đầu từ mô hình nuôi rắn ri tượng của hộ gia đình ông Dư Văn Út sẽ là tiền đề để xã tiếp tục hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, nhân rộng mô hình để nhiều người dân có thể tiếp cận trong thời gian tới”.
Mạnh dạn đầu tư
Cũng là một trong những hộ gia đình vươn lên phát triển kinh tế từ mô hình mới, gần 2 năm nay từ khi bắt tay vào cải tạo ao đầm nuôi cá bống mú, gia đình chị Phạm Mỹ A, ngụ ấp Xẻo Sâu, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân gặt hái được nhiều thành công. Mặc dù đây là mô hình mới áp dụng nhưng vợ chồng chị A vẫn mạnh dạn đầu tư nhiều công sức, tiền bạc và đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi.
Nhận thấy lợi thế của địa phương là nguồn thức ăn cho cá bống mú khá phong phú và dồi dào với giá rẻ, gia đình chị A đầu tư thả nuôi khoảng 10.000 con cá bống mú giống trên 4.000 m2 diện tích mặt nước hiện có của gia đình. Nhờ tìm hiểu kỹ trong khâu lựa chọn con giống trong tự nhiên, thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật nuôi như cải tạo ao đầm, chăm sóc…, đàn cá trong ao của gia đình chị A ngày càng phát triển tốt.
Chị Phạm Mỹ A chia sẻ: “Nhà hàng rất ưa chuộng loại cá này nên đầu ra cũng rất ổn định, hiện tại cá thương phẩm có giá từ 200.000 đồng/kg, sau vụ nuôi đầu tiên trong khoảng thời gian từ 6-7 tháng, gia đình tôi thu lời trên 50 triệu đồng. Vợ chồng tôi cũng dự định sẽ mở rộng thêm diện tích để thả nuôi cá bống mú kiếm lời”.
Nhận thấy thành công từ mô hình này, thời gian gần đây nhiều hộ dân trên địa bàn ấp Xẻo Sâu, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân đến tham quan, học hỏi và áp dụng theo mô hình nuôi cá bống mú nhà chị A.
Phó trưởng ấp Xẻo Sâu Huỳnh Văn Diệu cho biết: “Mặc dù đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, bà con không đủ điều kiện để tiếp cận nhiều mô hình mới, nhưng những năm gần đây, từ khi bắt đầu áp dụng
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau Ngô Minh Chiến nhận định: “Qua nhiều năm thực hiện phong trào khuyến khích người dân tăng gia sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng và vật nuôi, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều gương nông dân vươn lên làm giàu vì có mô hình sản xuất hay, hiệu quả, cho thu nhập mỗi năm từ 100-500 triệu đồng. Phong trào này đã giúp nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển sản xuất, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo