Lạm phát thấp: Do điều hành hay do thắt chặt chi tiêu?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tết chỉ ở mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua, và hiện đang nổi lên tranh cãi kết quả này là do điều hành giỏi, hay do người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu.
Nhưng dù lý do gì, thì tình hình giá cả như vậy, cũng khiến người người thở dễ hơn.
Không đúng với kỳ vọng
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2014, tháng Tết Nguyên đán Giáp Ngọ chỉ tăng 0,55%, mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nói: “Để khẳng định chắc chắn là nguyên nhân nào dẫn đến CPI tăng thấp như vậy, thì các cơ quan chức năng, chuyên gia đang tiếp tục nghiên cứu”.
Tổng cục Thống kê cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc giá cả không tăng nhiều, trước hết là các giải pháp thắt chặt chi tiêu công đã đem lại hiệu quả tích cực là kiềm chế lạm phát, chống lãng phí, chống thất thoát ngân sách nhà nước. Thứ hai là sức mua thấp, khả năng chi tiêu thực tế thấp. Thứ ba là người dân cũng dần thay đổi thói quen từ ăn Tết sang chơi Tết nên giảm sức ép tăng giá lên thị trường thực phẩm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nhận định, chỉ số giá tiêu dùng tháng Tết Nguyên đán Giáp Ngọ tăng thấp là nhờ các cấp các ngành đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp, chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, như: bảo đảm cung cầu hàng hóa, nhất là nguồn cung lương thực, thực phẩm khá dồi dào; thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, tăng cường quản lý giá cả thị trường; chống buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng nhái...
Còn theo Bộ Công Thương, CPI không tăng cao là nhờ các chính sách vĩ mô của Chính phủ, cũng như điều hành kiềm chế lạm phát, đã ngày càng tốt hơn, và cơ quan này cũng phủ nhận nguyên nhân CPI tăng thấp là do sức mua giảm.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Võ Văn Quyền nói: “Nếu phân tích sâu hơn, toàn bộ hoạt động mua sắm cho Tết Giáp ngọ rơi vào tháng 1/2014, so với tháng 1/2013 là không vào dịp Tết này, sau khi loại yếu tố giá thì sức mua tăng 72%. Tháng 1/2013 so với tháng 1/2012 thì sức mua tăng hơn 22%. Như vậy, cùng sức mua trong dịp Tết của năm nay đã tăng gấp 3 lần năm trước. Cộng dồn lũy kế 2 tháng (tháng 1, tháng 2) tức trước, trong và sau Tết thì sau khi loại trừ yếu tố giá, sức mua tăng 6,32%. Cùng kỳ tăng 4,27%”.
Ông Quyền còn nói thêm: “Khác với mọi năm, chúng ta quen với việc trước Tết đương nhiên phải tăng giá, sau Tết có giảm chăng nữa thì cũng sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Thế nhưng năm nay mặt bằng giá mới không bị thiết lập. Đây là vấn đề liên quan đến các giải pháp vĩ mô mà đặc biệt là chính sách bình ổn giá”.
Bình thường hay bất thường?
“Điều này cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào bức tranh kinh tế còn khá mù mịt, họ chưa nhìn thấy điểm sáng của nền kinh tế”, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược thị trường giá cả, TS. Ngô Trí Long bình luận.
Cùng một quan điểm như vậy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Lê Đăng Doanh có nhiều lo ngại về nguy cơ thiểu phát là nhãn tiền vì “giá cả tăng thấp trong tháng Tết cho thấy một thực tế là sức mua của dân quá thấp. Nếu tình trạng sức mua thấp tiếp tục kéo dài thì sẽ dẫn đến hậu quả là sản xuất bị đình trệ, hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất sẽ phải sản xuất cầm chừng hoặc tạm dừng. Nếu sức mua năm 2014 không được cải thiện thì sẽ rất đáng ngại”.
Chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội Vũ Vinh Phú cũng cho rằng vấn đề quan trọng bây giờ là cần có những biện pháp chống giảm phát trong năm 2014, vì kinh nghiệm các năm cho thấy nếu như đầu năm giá cả hàng hóa tăng thấp thì trong cả năm nguy cơ giảm phát khá cao.
“CPI tăng 0,55% trong tháng 2 một phần thể hiện vai trò điều hành chính sách của Nhà nước. Nhưng điều này chỉ chiếm 20%, còn lại chủ yếu do cầu yếu”, ông Phú nhấn mạnh.
Ngược lại với ý kiến này, mặc dù nhận định việc giảm giá sau Tết năm nay là bất thường về xu hướng so với các tết trước, nhưng TS. Nguyễn Minh Phong vẫn cho rằng về nguyên nhân thì không có gì là bất thường, khi việc giảm giá hiện nay ít nhiều phản ánh tổng cầu ít thay đổi trong dịp Tết, khiến sức mua thị trường còn yếu gắn với thực tế kinh tế còn khó khăn, thu nhập hạn chế, người dân vẫn còn giữ tâm lý chờ đợi và chi tiêu thận trọng. Hơn nữa, tâm lý mua sắm tích trữ đồ ăn ngày Tết đang giảm dần trong dân, nên không có nhiều sự đột biến cầu ngày Tết, kiểu “no dồn đói góp” như trước đây...
“Tóm lại, những tháng đầu năm 2014, động thái chỉ số CPI dù có dấu hiệu bất thường và khá thấp, song không đáng ngại quá mức, mà còn là bằng chứng về thành công trong kiềm chế CPI theo mục tiêu Chính phủ đặt ra...”, ông Phong nói.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2, trong đó có đề ra yêu cầu phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ, bảo đảm điều tiết lượng cung tiền hợp lý để kiểm soát lạm phát thấp hơn (khoảng 6%) trong năm 2014; trên cơ sở đó, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất để tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Cột tin quảng cáo