Lần thứ ba đối thoại với dân vùng ô nhiễm, lãnh đạo Đà Nẵng lại hứa
Cuộc đối thoại chiều 28/2 là lần thứ ba trong vòng 14 tháng qua, ông Hồ Kỳ Minh - Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo hai nhà máy thép. Một lán tạm lợp tôn rộng chừng 300 m2 được dựng cạnh nhà văn hóa thôn. Ghế nhựa xếp dày đặc phía trước nhưng nhiều người dân không muốn ngồi. Họ đứng thành từng nhóm, trật tự chờ đợi.
Đúng 14h, chính quyền địa phương giới thiệu ngắn gọn rồi mời dân nêu ý kiến. Cụ Phan Nhạn với mái tóc bạc, hỏi thẳng: "Các anh lãnh đạo sống vì dân hay vì nhà máy?". Cụ Nhạn nói nhà máy hoạt động lâu nay, dân kêu cứu nhiều lần nhưng không giải quyết hết ô nhiễm. Nếu di dời dân lên tái định ở Hòa Liên, cách nhà máy chỉ khoảng 2 km thì vẫn không thoát khỏi ô nhiễm.
Ông Ngô Chấu thì nói Phó chủ tịch Hồ Kỳ Minh từng về đối thoại từ cuối năm 2016 nhưng không thấy hiệu quả. "Phó chủ tịch về đây có giải quyết được ô nhiễm khói bụi không? Nếu giải quyết không được thì phải di dời nhà máy", ông Châu nói. Còn cụ Nguyễn Ngộ cho rằng có nhà máy thì bà con có việc làm, nhưng bây giờ phải xác định ăn để sống hay sống để ăn. "Chúng tôi chọn sống để ăn", cụ nói.
Nhiều người dân cho rằng vì quá bức xúc mới tập trung trước cổng hai nhà máy, làm mất an ninh trật tự. “Nhưng hai nhà máy này mọc không phải ngẫu nhiên mà đó là sự chấp thuận của thành phố, có giấy phép. Chúng tôi đề nghị thành phố đừng hứa nữa, đừng đổ thừa nữa”, ông Phạm Mai nói, phía dưới hàng trăm người vỗ tay đồng tình.
Có việc làm nhưng môi trường ô nhiễm
Năm 2006, người dân thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) "tiếp nhận" hai nhà máy Thành Lợi và Thái Bình Dương. Hai nhà máy nằm cạnh nhau và tường rào sát ngay khu dân cư.
"Năm đó ông Nguyễn Bá Thanh làm Bí thư Thành ủy, còn ông Trần Văn Minh là Chủ tịch UBND thành phố. Với tên gọi đó, ban đầu không ai nghĩ đó là nhà máy thép nên không phản đối. Nhiều người địa phương được vào làm việc tại nhà máy", ông Hồ Văn Mỹ, người sống lâu năm ở thôn Vân Dương 1 nhớ lại.
Nhà máy Thành Lợi sau đó đổi tên thành Dana Ý, còn Thái Bình Dương đổi thành Dana Úc và dần mở rộng quy mô xây dựng. Theo giới thiệu trên website, nhà máy thép Dana Ý có diện tích 170.000 m2, vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, trên 1.000 lao động và sản lượng 400.000 tấn/năm. Còn Dana Úc có vốn đầu tư ban đầu 500 tỷ đồng, trên quy mô 50.000 m2, hằng năm cho ra đời 300.000 tấn sản phẩm thép xây dựng các loại và khoảng 300.000 tấn phôi.
Người dân quanh vùng bắt đầu cảm thấy khó chịu bởi tiếng ồn, khói bụi từ khoảng 6 năm trở lại đây. Cuộc sống dần bị đảo lộn. Nhiều nhà đóng cửa cả ngày nhưng khi về nhà thì nền nhà, đồ đạc đều đen kịt bụi sắt. "Chịu không nổi, người dân kéo ra dựng lán trại phản đối mong chính quyền can thiệp", ông Mỹ nói thêm.
Người dân nói họ đã quá mệt mỏi với việc phải nhiều lần dựng lán qua đêm trước cửa nhà máy để phản đối ô nhiễm. Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng giám đốc Nhà máy thép Dana Ý cho hay mỗi lần người dân bao vây là hai nhà máy phải đóng cửa. Thiệt hại về tiền chưa nói, nhưng hàng nghìn lao động mất việc.
Nhà máy thép phải hoạt động “để có tiền giải tỏa, đền bù”
Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thép Dana Ý, nói đã nhiều lần tiếp xúc với người dân. Người dân đồng ý đến nơi ở mới. Nhà máy theo lộ trình cũng phải di dời. Ông Tân cho rằng vấn đề ô nhiễm đã được cải thiện. Tết dương lịch vừa qua nhà máy dừng sản xuất để khói bụi không xảy ra. Nước thải đã không xả ra ngoài. Tuy nhiên phương án trồng cây xanh chống bụi và làm cách âm chống ồn bị người dân không ưng.
Đại diện doanh nghiệp cho rằng vấn đề giải tỏa chậm là vì nhiều quy trình thủ tục. Phải đấu giá đất tái định cư. “Ngân sách của thành phố không đủ, chỉ lo được tái định cư cho dân, còn giải tỏa phía doanh nghiệp lo, sau này thành phố trả lại tiền. Bây giờ bà con không cho hoạt động thì tiền đâu chúng tôi giải tỏa, đền bù”, ông Tân phân trần, phía dưới nhiều người dân la ó phản ứng.
“Chúng ta hãy tháo gỡ vấn đề, phải chấp nhận giải pháp. Nếu bà con kiên quyết không cho sản xuất thì doanh nghiệp cũng phải đóng cửa. Đó là tất nhiên”, ông Tân giãi bày.
Chính quyền lúng túng
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng không trả lời những câu hỏi người dân đặt cho mình. Ông nói bài toán di dời dân hay di dời nhà máy đến nay lãnh đạo thành phố vẫn đang "lúng túng" chưa đưa ra được lời giải, dù giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp đã thống nhất phương án.
"Ở đây cả hai phương án di dời nhà máy hay di dời dân đều không tối ưu. Đầu tiên định di dời hai nhà máy nhưng các cơ cơ quan của thành phố rà soát vẫn không tìm được vị trí di dời. Còn di dời dân thì đối mặt với áp lực tái định cư. Còn di dời nhà máy thì phải đền bù", ông Minh phân trần.
Vị lãnh đạo thành phố nói muốn lựa chọn phương án có lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền. "Lần trước người dân đều đồng ý là di dời dân trước, di dời nhà máy sau. Lần này đa số có ý kiến đóng cửa nhà máy và không di dời dân. Hôm nay chúng tôi xin ghi nhận và sẽ báo cáo lại lãnh đạo thành phố", ông Minh nói để kết thúc phần trả lời hơn 6 phút của mình.
Phía dưới nhiều người dân cho rằng phần trả lời của lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp đều không thuyết phục. "Dân thống nhất đóng cửa nhà máy đến khi di dời xong dân mới được hoạt động lại", cụ Phan Nhạn đại diện nói và nhiều người dân vỗ tay.
Ông Hồ Kỳ Minh hứa đến thứ Hai tuần tới sẽ báo cáo lại cho người dân. Hàng trăm người dân ra về với vẻ mặt không vui. Buổi đối thoại nhiều người dân chờ đợi kết thúc sau chừng 50 phút.
Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa với huyện Hòa Vang tháng 12/2017, Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng nói, hai nhà máy thép không nằm trong quy hoạch ban đầu. Khu vực này theo quy hoạch công nghiệp đặt hai nhà máy dệt may, vật liệu xây dựng.
Bí thư Trương Quang Nghĩa cho rằng việc Đà Nẵng cho xây hai nhà máy thép là "phá vỡ hết quy hoạch", vì các ngành công nghiệp dệt may, điện tử không thể chịu nổi tiếng ồn và khói bụi.
"Chủ trương của thành phố không kêu gọi xây dựng nhà máy thép. Đà Nẵng chắc có lý do gì để nhận mấy ngành này", ông Nghĩa nói và yêu cầu chính quyền giải quyết "một lần cho xong" chuyện di dời nhà máy và người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên