Làng 10 năm bị 'ma ám': Nhà khoa học đánh 'canh bạc cuối'
Việc người dân xóm Đầu mời thầy cúng về “giải hạn” có quá nhiều chuyện ly kỳ, cười ra nước mắt. Ông Lần kể: một dạo, có gia đình mời thầy cúng về cúng khi họ mua con lợn giống. Cúng hết một ngày, thầy cúng đích thân “thả lấy vía”.
Thế mà, con lợn vừa rời tay thầy, đặt chân xuống chuồng đã rống eng éc rồi… lăn ra chết. Thầy cúng buồn ra mặt, rồi “lẩn” đi lúc nào không biết, không kịp để gia chủ cảm tạ.
"Một dạo khác, có bốn ông râu dài, tuổi cao đi ô tô đến tận nhà tôi, cho tôi xem bài báo mà họ pho-to về "làng ma ám xóm Đầu". Một ông bảo: "Chúng tôi từ mãi Đồng Nai, biết cái sự lạ của xóm nên tìm đến".
Rồi, các ông kéo nhau đi xem địa thế của xóm, xem ngôi miếu, xem phong thủy, kênh rạch… trong xóm. Họ không nói gì, nhưng chỉ bảo nhau: đấy, phải như thế, như thế… Một ông mang cái quả tròn tròn buộc đầu dây, giống như “quả dọi” của thợ xây thả xuống cái giếng cổ của làng, lẩn mẩn một lúc rồi đứng dậy bảo: cứ yên tâm, qua hết năm nay (2006), xóm Đầu sẽ chăn nuôi được trở lại".
Câu chuyện đàn gia súc “tự vẫn” tập thể ở xóm Đầu (xã Lương Phong, Hiệp Hoà, Bắc Giang) đã phủ một tấm màn li kỳ ròng rã một thời gian dài, đến nỗi, khi nhắc đến chuyện nuôi con gì, vật gì trong nhà, dân xóm Đầu lại lắc đầu, lè lưỡi vì… sợ.
Xóm Đầu đành “nhờ” các nhà khoa học vào cuộc. Chi cục thú y tỉnh Bắc Giang, trạm thú ý huyện Hiệp Hoà là hai cơ quan vào cuộc sớm nhất. Nhưng, con đường đi tìm nguyên nhân cũng kéo dài đằng đẵng tới gần…10 năm trời. Cuộc đọ sức giữa khoa học và mê tín bước vào giai đoạn quyết liệt…
Ông Nguyễn Văn Lợi, khi đó là Trạm trưởng Trạm thú y huyện Hiệp Hoà mang cho chúng tôi một tập hồ sơ, gồm các phiếu kết quả giám định mẫu vật phẩm của lợn, chó, trâu, bò…
Từ năm 2002, chính tay ông và các cán bộ, nhân viên trong trạm về xóm Đầu lấy mẫu vật phẩm, gửi lên Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, nguyên nhân gây bệnh cho gia súc xóm Đầu là vi khuẩn E.coli có độc tính cực cao. Lần 1 là chủng E.coli 0149 K91; lần 2 tìm thấy chủng E.coli 0139 K82.
Một chương trình phòng chống dịch được triển khai ngay sau đó. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh được thành lập, huy động nhân dân tổng vệ sinh, tẩy uế chuồng trại, khu vực chăn nuôi, phát quang đường làng, lưu thông cống rãnh…
UBND xã cấp gần 2 tấn vôi bột cho việc tẩy uế. Đàn lợn được tổ chức tiêm phòng các loại văcxin chống dịch tả, THT, E.coli. Chi cục thú ý Bắc Giang cấp thuốc tiêu khử trùng Prophyl phun nhiều lần trong xóm; Trung tâm Khoa học công nghệ môi trường Hiệp Hoà cấp 700 lít sản phẩm Anolyt tẩy uế chuồng trại. Mọi nỗ lực cũng cho kết quả…
Trong bản báo cáo của ông Lợi cho thấy: "Sau khi triển khai thực hiện các biện pháp tại thời điểm nêu trên, đàn gia súc có những dấu hiệu khả quan, có gia đình nuôi và xuất bán tại thời điểm cuối tháng 3 và tháng 4/2003. Số lượng gia súc ốm chết có chiều hướng giảm hẳn…
Đánh giá chung tình hình là dịch bệnh ở xóm Đầu, thôn Sơn Quả tại thời điểm này, tuy không xảy ra dịch lớn một cách ồ ạt nhưng thỉnh thoảng lại có gia súc ốm chết, đến nay vẫn chưa ổn định được".
“Canh bạc cuối”
Sau nhiều lần Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tiến hành công tác vận động, tuyên truyền cho bà con xóm Đầu tại cơ sở mà không thu được hiệu quả, sự phối hợp cùng một lúc của các cơ quan, ban ngành tỉnh Bắc Giang vào trung tuần tháng 8/2003 đã “cho ra đời” một kế hoạch chi tiết gồm 10 biện pháp nhằm “khôi phục, ổn định tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xóm Đầu, thôn Sơn Quả”.
Một cán bộ trong Trạm thú y huyện được cử ở lại “nằm vùng” tại xóm Đầu để theo dõi sát sao tình hình. Để đảm bảo “chắc thắng”, Sở Tài nguyên - Môi trường Bắc Giang cử cán bộ về đo nồng độ không khí, lấy mẫu đất, mẫu nước, đo phóng xạ…
Kết quả cho thấy, hoàn toàn bình thường, nghĩa là môi trường sống của xóm Đầu không ảnh hưởng đến tình trạng gia súc chết hàng loạt trong thời gian qua. Các nhà khoa học còn cẩn thận bơm nước ao của toàn bộ ao hồ trong xóm Đầu, tẩy trùng bằng chất hoá học rồi mới thay nước… Xóm Đầu xét trên “lí thuyết” hoàn toàn… vô trùng! Thế nhưng gia súc vẫn… tiếp tục chết!
Số liệu trong báo cáo có giảm xuống. Nguyên nhân, đó là các hộ dân trong xóm Đầu không còn hào hứng và kiên nhẫn để… liều được nữa. Khoa học tưởng như đã phải bó tay, chấp nhận để xóm Đầu “trắng” về gia súc.
“Canh bạc quyết định” được bắt đầu từ giữa tháng 5/2006: Sở KHCN Bắc Giang đầu tư gần 30 mẫu gia súc gồm 6 con chó, 11 lợn, 11 bò về xóm Đầu, giao cho 22 hộ dân trong xóm chăm sóc, dưới sự hướng dẫn của cán bộ Vĩ về nằm vùng, ăn nghỉ tại nhà phó trưởng thôn Lần.
Con giống do Sở cung cấp, quy trình có cán bộ chỉ dẫn, trước khi đưa về xóm Đầu đã được tiêm phòng đầy đủ để đảm bảo hoàn toàn khoẻ mạnh. Dự án này kéo dài trong 2 năm, chi phí hơn 400 triệu đồng. Cả Bắc Giang đều hi vọng vào một kết quả sáng sủa để xóm Đầu lại bình yên như trước.
Theo định kỳ, tình hình đàn gia súc nuôi thí điểm được báo cáo về Trạm thú y huyện và Sở KHCN. Sang tháng 8, một đợt gia súc nữa sẽ được tăng cường.
Đến tháng 8/2006, những con giống “thử nghiệm” này có kết quả: đàn bò có triệu trứng đau mắt, chảy nước mắt, đã được chữa khỏi bằng thuốc nhỏ mắt của người; đàn lợn có 4/11 con ốm, điều trị đã khỏi; đàn chó 5/11 con bị chết do vận chuyển, mắc bệnh đường ruột; 2 con mắc bệnh viêm phế quản…
Tuy nhiên, dù kết quả thế nào, gia súc vẫn có thể … sống tại xóm Đầu là một thành công. Và, người dân xóm Đầu nhen nhóm tia hy vọng…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%