Lạng Sơn tìm kiếm cơ hội hợp tác với Ấn Độ
Ngày 8/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Giới thiệu tiềm năng hợp tác kinh doanh với thị trường Ấn Độ.
Hội thảo lần này là hoạt động thiết thực kỷ niệm 41 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ (7/1/1972-7/1/2013) và 6 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Ấn Độ (6/7/2007-6/7/2013).
Đây là cơ hội, cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Lạng Sơn nói riêng đến được với các doanh nghiệp của Ấn Độ và ngược lại, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống quý báu giữa hai nước.
Lạng Sơn có vị trí địa lý kinh tế, chính trị khá đặc biệt trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; đồng thời là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN-Trung Quốc.
Lạng Sơn có hệ thống đường sắt và đường bộ rất thuận tiện, nối liền với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Những lợi thế này tạo cho Lạng Sơn có một thị trường sôi động, phong phú đa dạng, từng bước trở thành một thị trường trung chuyển hàng hóa lớn của Việt Nam và các nước ASEAN sang Trung Quốc và ngược lại.
Đặc biệt Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn có tổng diện tích gần 400km2, gồm có khu phi thuế quan và khu thuế quan; trong đó có các phân khu chức năng: khu hợp tác kinh tế biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, khu trung chuyển hàng hóa, khu chế xuất, khu công nghiệp... được thành lập với môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi; các chính sách ưu đãi, khuyến khích, ổn định, lâu dài và cơ chế quản lý thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Lạng Sơn còn là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, có khu du lịch Mẫu Sơn, nhiều di tích danh thắng được xếp hạng như Nhị Thanh, Tam Thanh, Thành nhà Mạc... cùng với đó là nền văn hóa lâu đời với nhiều phong tục tập quán mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trung bình mỗi năm tỉnh Lạng Sơn đón khoảng 1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 100 ngàn lượt khách quốc tế đến Lạng Sơn tham quan du lịch và tìm hiểu cơ hội đầu tư. Toàn tỉnh có gần 150 mỏ và điểm mỏ với nhiều loại khoáng sản như vôi, than nâu, bôxít... có trữ lượng lớn là nguồn nguyên liệu quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng, sản xuất điện năng...
Với trên 80% diện tích là đồi núi cùng với khí hậu á nhiệt đới cho phép phát triển kinh tế đồi rừng khá toàn diện, Lạng Sơn đã hình thành một số vùng tập trung về cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Từ những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, văn hóa, con người cùng với những cơ hội trong hợp tác và phát triển của Việt Nam với Trung Quốc, ASEAN và các nước trên thế giới, Lạng Sơn rất cần sự hợp tác đầu tư kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có Ấn Độ trên các lĩnh vực: Tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn thành khu vực kinh tế động lực, phát triển năng động thúc chuyển hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam với Trung Quốc và khu mậu dịch tự do ASEAN. Trong đó khuyến khích các dự án đầu tư triển khai một số ngành, sản phẩm dịch vụ có lợi thế như dịch vụ vận tải, xuất nhập khẩu, du lịch, tài chính - ngân hàng, bưu chính - viễn thông...
Lạng Sơn cũng kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào các dự án thuộc các lĩnh vực công nghiệp có lợi thế gắn với kinh tế cửa khẩu như: Gia công, tái chế hàng xuất khẩu, công nghiệp cơ khí, điện tử, khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, nông lâm sản... góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm, khu công nghiệp, khu chế xuất như Khu công nghiệp Đồng Bành (trên 300ha), Khu công nghiệp Hồng Phong (180 ha), Khu chế xuất 1... Khai thác, phát triển mạnh kinh tế rừng, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Với trên 80% diện tích đất đai là đồi núi, trong đó có gần 350 nghìn ha rừng, trên 300 nghìn ha đất rừng chưa sử dụng là những tiềm năng quan trọng cho phát triển kinh tế lâm nghiệp và công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo