Tin tức - Sự kiện

Làng trồng... rác

Tồn tại vừa tròn một thập kỷ, làng nhặt đào rác thuộc xã Dĩnh Kế, Dĩnh Trì, TP Bắc Giang đang ngày một giàu lên. Tuy nhiên, xoay quanh thứ nghề đặc biệt này có không ít những gian truân và cả những phiền toái, vui buồn.

 

Săn "đào rác"

 



Đến hẹn lại lên, cứ vào mỗi dịp sau Tết Nguyên Đán, đặc biệt sau Nguyên tiêu hằng năm là người dân hai xã Dĩnh Kế và Dĩnh Trì lại ồ ạt "khăn gói quả mướp" đi khắp các nơi để "săn" đào rác.



Đào rác theo giải thích của người dân nơi đây là những loại đào sau dịp Tết bị vứt bỏ. Người trồng đào của hai xã này liền đi nhặt về để trồng, đó là một cách tận dụng đào Tết khá bài bản và mang tính truyền thống ở làng nghề này.

 

Khác biệt hẳn với các làng nghề trồng đào lớn ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, ở xã Dĩnh Kế tuy diện tích trồng đào không thuộc loại lớn nhưng số lượng gốc đào lại không thua kém bất cứ nơi đâu. Bởi đơn giản, các gốc đào mà người dân trồng thuộc hàng... rác.



Cây đào vừa nhỏ, vừa xấu nên diện tích trồng cho mỗi gốc đào không nhiều, có thể trồng với số lượng dày đặc mà không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của thế cây.



Ngay cạnh đó là xã Dĩnh Trì cũng với cung cách trồng đào đa năng, người dân có thể thu thập về với số lượng lớn gốc đào và trồng dày đặc khắp các cánh đồng.



Anh Nguyễn Văn Đoàn, ở thôn Núm, xã Dĩnh Trì cho hay: "Tôi vừa phải thuê hơn chục anh em về Hà Nội để gom nhặt đào rác. Năm nay, người chơi đào không nhiều nhưng đào rác thu gom được cũng đủ để trồng kín ruộng".



Theo lời anh Đoàn, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng người chơi đào dường như không có đất để trồng nên chỉ sau Nguyên Tiêu là dường như đào bị vứt nhiều vô kể. Còn tại các bãi rác ở ngoại thành thì đào được xếp thành đống.

 

Nghề nhặt đào… rác

Nghề nhặt đào… rác
 
Các tay "săn" đào được anh Đoàn thuê nhanh chóng chia nhóm. Họ dùng những chiếc xe kéo để gom đào thành từng bó cho lên xe chở về Bắc Giang. Ngay cạnh nhà anh Đoàn là bà Trần Thị Phụng, nhà bà Phụng đấu thầu được hơn một mẫu ruộng nên cần số lượng lớn đào rác để lấp kín diện tích.
 


Nghề trồng đào rác đang thực sự đem lại sự giàu có cho người dân. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh lương thực, chính quyền tỉnh Bắc Giang mà trực tiếp là Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nên vào cuộc để có những quy hoạch cụ thể đảm bảo cho sự phát triển bền vững của vùng quê thuần nông.


Cứ mỗi gốc đào chở về đến ruộng, bà Phụng trả giá từ 10.000 - 30.000đ tùy thuộc thế cây xấu - đẹp khác nhau. Chỉ tính sơ sơ từ sau Tết đến nay, số tiền bà Phụng bỏ ra để trả cho người gom đào đã trên hai chục triệu.   
 
 


Khó như nhặt… rác

 



Tưởng chuyện gom đào chỉ đơn giản như đi để nhặt. Nhưng không, nghề nhặt đào rác cũng phải kỳ công "hợp tác" với các "tai mắt" khắp các nơi mới mong đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng.


Anh Đoàn Công Trạng vốn làm nghề xe ôm ở ngã ba Kế, Bắc Giang được một chủ vườn đào thuê xuống Hà Nội nhặt đào cho hay:  "Mình phải điện thoại cho người quen dưới đó gom nhặt giúp. Thậm chí, trước Tết phải xuống Hà Nội biếu xén mấy bác dân phòng để sau này nhờ họ gom giúp hoặc "chỉ điểm" những nơi có nhiều đào rác".


Không giống như anh Trạng, chị Phạm Thị Huyền vốn quen biết nhiều đầu mối thu mua đồng nát nên chị hợp tác với họ để gom đào. Cứ mỗi gốc đào chị sẽ trả cho đồng nát 5.000đ. Đem về Bắc Giang bán lại cho các chủ vườn, chị cũng lãi một nửa.


May mắn hơn, vừa qua chị Huyền nhặt được một cây đào cụ có thế dáng đẹp. Đem về xã Dĩnh Trì, chị được trả giá ba triệu đồng, nhưng đó chỉ là trường hợp hiếm. Vì thực tế, những cây đào đẹp sẽ được người chơi bán lại với giá rẻ hoặc "gửi" lại ở một vườn đào nào đó ở Hà Nội.
 
 
T11-bac-giang-1.jpg
 
 
 
Trường hợp anh Trần Văn Tứ ở xã Dĩnh Kế lại khác. Được thuê đi gom đào rác nhưng cả ngày lặn lội khắp các con phố cũng chỉ được dăm cây. Nếu tính toán kỹ, thì có khi Tứ không đủ tiền đổ xăng, thậm chí tiền ăn cũng phải bù lỗ.


Khi chúng tôi có mặt tại vườn đào nhà chị Thuận xã Dĩnh Trì thì gặp anh Nguyễn Văn Quảng với khuôn mặt trầy xước. Khi nghe chúng tôi hỏi, dường như được trút giận, anh Quảng bảo: "Đào rác vứt ngoài phố chứ có gì to tát đâu mà chúng nó đánh tôi. Vừa nhặt cây đào, chưa kịp mang đi thì bị hai ba thanh niên ra chặn lại, giằng co rồi đánh tôi tới tấp".


Nhìn chồng vẻ xót xa, chị Thuận tâm sự: "Cái nghề này cũng chẳng sướng gì chú ạ. Nghề thời vụ, không nhanh thì vườn đào lại phải bỏ hoang". Nói rồi chị mải miết đào đất trồng những gốc đào mà chồng chị đã phải đổ máu mới nhặt được.
 
 
 

Cả làng trồng… rác

 



Có một sự thật rằng, về những làng nghề trồng đào này người ta chỉ nhận mình là "trồng rác". Thậm chí, có người hỏi thăm về làng trồng đào Bắc Giang, được ngay những cái xua tay, kiểu: "Ở đây không có làng nghề ấy, chỉ có trồng rác thôi".


Tỉ mỉ hỏi chuyện anh Nguyễn Văn Đoàn ở thôn Núm, ông Đoàn bảo đơn giản thôi, làng nghề này cũng mới chỉ hình thành cách đây chục năm. Vả lại, hầu như 100% đào ở Dĩnh Kế và Dĩnh Trì là đào rác.


Theo lời giải thích của anh Đoàn, vì là đào rác nên vào dịp cuối năm hàng trăm người buôn đào từ khắp các tỉnh thành đổ về để mua. Đào rác xuất tại vườn giá rẻ bất ngờ. Sau một năm chăm sóc, uốn thế các kiểu cũng chỉ thu lợi mỗi cây hơn trăm ngàn đồng. Đào này về các tỉnh lại tăng giá lên gấp hai ba, thậm chí chục lần giá thật.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, số lượng người trồng đào ở hai xã này rất lớn. Những hộ có ruộng gần quốc lộ đều 100% trồng đào. Sau một năm tính toán, dù gốc đào có ế không xuất được hết thì cũng còn lãi gấp vài lần so với trồng lúa.
 



"Đào tặc" và những nỗi lo

 



Tuy nhiên, người trồng đào tại Dĩnh Trì và Dĩnh Kế đã và đang phải đối mặt với nạn "đào tặc" hoành hành. Vào gần dịp Tết Nguyên Đán, "đào tặc" đã lấy đi số lượng khá lớn đào đẹp. Hầu hết tất cả các hộ trồng đào đều bị thiệt hại với số lượng nhiều ít khác nhau.


Thậm chí, vào thời vụ trồng đào rác như hiện nay cũng xuất hiện nạn "đào tặc". Nhiều gốc đào nay trồng mai mất, sáng trồng chiều đã trắng vườn. Không còn cách nào khác, người trồng đào đành phải dựng các túp lều tạm được quây bằng bạt để trông coi suốt ngày đêm.


Không chỉ đối mặt với nạn "đào tặc", theo thổ lộ của người trồng đào, họ còn một nỗi lo kinh niên khi bỏ lúa trồng đào. Như lời anh Đoàn, trồng đào thì có tiền, trồng lúa thì có thóc nhưng khi trồng lúa thì bán với giá rẻ, chuyển sang trồng đào thì mua thóc với giá cao.
 
 

 

 

 

 

Theo Bee.net

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo