Làng trường thọ và bí quyết ‘bách niên giai lão’
Được hình thành cách đây hơn 500 năm, làng Phước Tích của xã Phong Hòa, huyện Phong Điền là vùng quê duy nhất ở tỉnh Thừa Thiên - Huế còn bảo tồn nhiều ngôi nhà rường cổ được xây dựng từ thời nhà Nguyễn.
Điều đặc biệt, chủ nhân của những căn nhà cổ “độc nhất vô nhị” này là những cụ già bách niên, nặng lòng bảo tồn di sản do cha ông để lại.
Làng... trường thọ
Một ngày đầu năm, khi ánh nắng ban mai xuyên qua những rặng lá từ tán cây thị cổ thụ nằm bên dòng sông Ô Lâu, cũng là lúc chúng tôi vượt gần 80 cây số đặt chân đến ngôi làng cổ Phước Tích.
Bên trong ngôi nhà rường lợp mái ngói liệt men, nền gạch vồ với những trụ gỗ cổ kính, cụ Nguyễn Thị Tư rót trà và kể cho những vị khách vừa ghé thăm nghe sự tích của ngôi làng cổ đã bước sang tuổi 544 này.
Theo lịch sử ghi lại, làng cổ Phước Tích hình thành vào năm 1470, dưới triều vua Lê Thánh Tông. Nơi đây, những ngày đầu vào trấn giữ vùng đất Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng đã nhìn thấy “linh khí” ở vùng đất đắc địa được bao quanh bởi dòng Ô Lâu xanh thẳm nên đã cử quan quân về tiếp quản và lập làng.
Đặc biệt, với vị trí giao thương buôn bán thuận lợi, nhà Nguyễn đã cho xây dựng nhiều lò gốm lớn nhỏ ở đây. Từ đó, thương hiệu gốm Phước Tích trở nên thịnh hành ở nhiều vùng miền lúc bấy giờ.
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Tư đúng vào dịp con cháu của cụ tổ chức lễ mừng thọ thứ 94 cho cụ. Dù đã ở cái tuổi gần đất, xa trời, nhưng cụ Tư vẫn còn rất minh mẫn, cười nói hào sảng và đặc biệt là những chuyện “ngày xửa, ngày xưa” cụ đều nhớ rất rõ. Cụ Tư nói rằng, hồi cuối năm 2014, có một đoàn du học sinh đến từ Pháp có buổi tham quan ở làng cổ Phước Tích.
Dù đã có hướng dẫn viên, nhưng khi vào tham quan nhà rường cổ của cụ, vị hướng dẫn viên này lại “bó tay” khi được du khách đề nghị giới thiệu về nhà rường bằng tiếng Pháp. Thế rồi, cụ Tư vừa chống gậy bước đến, vừa chỉ vào các bức vách, bức đố, liên ba... để mô tả bằng tiếng Pháp trước sự trầm trồ kinh ngạc của những vị khách nước ngoài. Té ra, cụ Tư thông thạo tiếng Pháp từ thời còn cắp sách tới trường và đến nay vẫn còn làu làu thứ tiếng này…
Theo chỉ dẫn của tấm bảng “home stay” (du lịch nghỉ lại tại nhà - PV), chúng tôi tiếp tục tìm đến ngôi nhà rường do cụ Lương Thanh Thị Hén làm chủ. Thật bất ngờ khi dù đã 98 tuổi nhưng cụ vẫn có thể quét dọn vườn tược.
Cụ Hén “bật mí” về bí quyết sống trường thọ rằng, mỗi ngày chỉ nên ngủ độ 7 giờ đồng hồ, mỗi bữa ăn 2 bát cơm và... phải lao động đều đặn. “Năm tui 95 tuổi, con cháu trong gia đình đã mua cỗ quan tài cho tui để phòng khi tui mất đột ngột. Thế mà không ngờ... tui vẫn sống khỏe đến tận hôm nay đấy!”, cụ Hén nhoẻn miệng cười để lộ hàm răng đen bóng.
Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người ở làng cổ Phước Tích sống “bách niên, giai lão” là do người dân được sống trong môi trường có khí hậu trong lành; thức ăn, thịt, cá đều được đảm bảo vệ sinh; nhất là rau, củ được gieo trồng, chăm bón trong vườn nhà, không bị lạm dụng thuốc trừ sâu hay thuốc tăng trưởng… Và đặc biệt, các cụ sống thọ đều là những người từng tham gia làm nghề gốm suốt nhiều năm trời.
“Hiện ở làng Phước Tích có trên 100 hộ dân, với 320 khẩu thì trong đó có trên 150 cụ già từ 70 tuổi đến 102 tuổi. Trong đó, những cụ vẫn còn khỏe như các cụ: Nguyễn Thị Diệp (102 tuổi); Nguyễn Thanh Thị Hén (98 tuổi); Nguyễn Bá Tự (90 tuổi); Nguyễn Thị Tư (94 tuổi); Lê Thị Thú (87 tuổi)... Dù tuổi đã cao nhưng nhiều cụ vẫn tích cực tham gia hoạt động văn hóa du lịch, giới thiệu về làng cổ và nhà rường cổ cho du khách”, ông Nguyên khẳng định.
Nỗ lực hồi sinh nhà rường cổ
Theo lãnh đạo Sở VH, TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế, để làng cổ Phước Tích giữ đúng nguyên trạng nhà rường cổ đến tận hôm nay, ngoài các phương pháp bảo tồn, còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi hộ dân, vốn là chủ nhân của các căn nhà cổ.
Như chứng minh điều này, cụ Tư chỉ cho chúng tôi những chi tiết hoa văn được chạm khắc tinh xảo ở các kèo cột trong ngôi nhà rường rộng lớn rồi chậm rãi bảo:
“Nhờ nghề làm gốm mà cách đây gần 300 năm, dòng họ nhà tui mới có thể làm được ngôi nhà rường ba gian hai chái này đấy chú à. Tuy thời gian và bom đạn chiến tranh đã hủy hoại khá nhiều ngôi nhà rường cổ của làng. Đặc biệt, nhà tui và nhiều ngôi nhà khác từng bị bom Mỹ dội sập, chỉ còn trơ 4 trụ cột chỏng chơ nhưng dân làng vẫn quyết tâm dựng lại ngôi nhà rường. Trên hết là để bảo tồn di sản do bậc tiền nhân để lại”.
Tự hào công lao của người dân trong công tác phục dựng, bảo vệ nhà rường cổ, ông Hoàng Tấn Minh, Trưởng thôn Phước Tích còn cho hay: Tính đến thời điểm hiện tại, làng Phước Tích lưu giữ đến 34 ngôi nhà rường cổ từ 200-300 năm tuổi.
Điều đặc biệt là trong số này có đến 23 nhà rường do chính các hộ dân bỏ tiền túi của gia đình (từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng - PV) để tu sửa, bảo tồn nhà cổ. Nhờ thế mà hệ thống nhà rường cổ ở Phước Tích vẫn còn giữ đúng nguyên trạng như xưa, ngoại trừ một số nhà bị xuống cấp, hư hỏng nặng đang chờ kinh phí tu sửa.
Điển hình như, gia đình bà Hồ Thị Nga (50 tuổi) đã bỏ tiền túi 1,1 tỷ đồng để tu sửa lại các hạng mục của ngôi nhà rường cổ trên 250 tuổi, gồm: bờ tường, lợp lại mói ngói liệt, làm cửa “thượng song hạ bản” bên ngoài và cửa “bản khoa” bên trong, chạm trổ hoa văn kèo cột...
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Ban quản lý di tích làng cổ Phước Tích nhận định: “Trong khi nhiều ngôi nhà rường cổ ở Phước Tích phải chờ kinh phí từ các dự án mới có thể tu sửa thì nhiều hộ dân đã tự bỏ hàng trăm triệu đồng để tu bổ, phục hồi lại căn nhà rường cổ đúng nguyên trạng kiến trúc của kiểu nhà rường truyền thống”.
Đặc biệt, với mong muốn gìn giữ nghề xưa của cha ông để lại và phục vụ các đoàn khách du lịch, nhất là vào các kỳ festival nên nhiều cụ cao niên ở làng cổ Phước Tích còn đứng ra mở lớp dạy nghề làm gốm cho lớp trẻ ở địa phương.
Cứ mỗi sáng thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, cụ Nguyễn Thị Thúy (80 tuổi) và Lương Thị Bê (76 tuổi) lại chống gậy đến cơ sở sản xuất gốm của làng để dạy nghề cho các em học sinh và những người trung niên đam mê nghề gốm.
Và nói như lời các cụ cao niên ở ngôi làng cổ này: “Nghề gốm đã nuôi sống con cháu làng Phước Tích, cũng nhờ có gốm mới “sản sinh” ra những ngôi nhà rường cổ... Vì thế cần phải giữ lấy nghề gốm cho bằng được dù nó đang đứng trước nguy cơ thất truyền”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé