Tin tức - Sự kiện

Làng tỷ phú giữa ‘cánh đồng chó ngáp’

Địa danh ‘cánh đồng chó ngáp’ nổi tiếng của vùng đất Bạc Liêu vốn dĩ bạc màu, phèn úa ngập úng, cỏ dại um tùm ngày nào chỉ còn trong ký ức. Ngày nay, chính mảnh đất ấy đang dần ‘thay da đổi thịt’.

Tại bán đảo cực Nam của Tổ quốc, cánh đồng chó ngáp ngày trước là một vùng đất hoang vu, nhiễm phèn, nằm giáp ranh giữa 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. 

Phần lớn đất ấy ngày nay nằm ở 2 huyện Phước Long và Hồng Dân (Bạc Liêu).
 
Ký ức sự sống giữa cánh đồng chó ngáp
 
Nhiều người nhớ lại, đất hoang ngày ấy chỉ có rong rêu, cỏ năn, dừa nước mới có thể ngoi lên tồn tại.
 
Câu chuyện cứ truyền tai nhau từ đời này sang đời khác, thậm chí nhiều gia đình từ phương xa tìm đến ‘khai hoang phục hóa’ vùng đất này không được bao lâu đều bị 'đánh bật ' lại quê nhà. Chả biết tự bao giờ, vùng đất ấy được người dân ví von là ‘cánh đồng chó ngáp’.
 
Vì sao lại có cụm từ này? Có nhiều người giải thích, giữa vùng đất rộng hàng chục ngàn héc-ta thẳng cánh cò bay, xa ngút ngàn tầm mắt chỉ có mỗi cây cỏ năn là tươi tốt, xanh tươi trụ vững giữa phèn úa...
 
Người dân kể với nhau câu chuyện, do cỏ mọc um tùm giữa đồng hoang, mỗi khi chó chạy mải mê bắt chuột lạc vào không biết đường ra.
 
Nhiều người đi đánh cá, len (thả) trâu ở giữa đồng cỏ hoang dại đã phát hiện nhiều con chó lè lưỡi, thở phì phò, ngáp ngắn ngáp dài mà không biết đường về nhà. Thậm chí, có nhiều con chết mục xương vì đi lạc vào vùng người dân vây đốt giữa chiến lũy cỏ năn…
 
Thế nhưng, chính cỏ năn lại là nguồn thức ăn trù phú cho trâu kéo của nhiều gia đình địa chủ thuê dân nghèo chăn thả.
 
Vợ chồng ông Nữa và bà Sinh từng chăn trâu thuê để đổi lúa.
 
Vợ chồng ông Lê Văn Nữa (65 tuổi) và bà Dương Thị Sinh (65 tuổi), ấp 9B, xã Phong Thạnh Tây B (huyện Phước Long) tâm sự, tuổi thơ của họ ở trên lưng trâu tại cánh đồng cỏ năn nhiều hơn ở nhà.
 
Ông Nữa kể, hồi trẻ chỉ biết chăn trâu thuê mà các gia đình khá giả đưa đến. Mỗi gia đình có từ 4 đến 5 con trâu và mỗi mùa như vậy ông tập hợp được khoảng 40 đến 50 con.
 
Đổi lại, đến mùa gia chủ kéo trâu về, ông Nữa thu về từ 100 đến 120 giạ lúa (1 giạ tương đương 20kg). Và không chỉ ông, rất nhiều người dân ở đây bám trụ bằng nghề nuôi trâu thuê đổi lúa.
 
Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân) – ông Dư Hoàng Lục cho hay, bản thân là người trông coi trâu thuê từ thuở nhỏ. Nhà có 2 anh em trai, mỗi năm nuôi trâu thuê khoảng 100 đôi và mỗi con được trả công 1,5 giạ lúa/mùa.
 
Một góc 'ấp nhà lầu tỷ phú'.
 
Bí quyết của ông Lục khi len trâu là phải biết chọn con khỏe mạnh, cưỡi lên con đầu đàn là cả đàn hàng trăm con theo sau. Cũng có khi trâu mẹ đẻ ra nghé con, khi kết thúc mùa chăn trâu thì gia chủ cho người nuôi thêm vài giạ lúa.
 
Và sau này, cánh đồng chó ngáp vào cả thơ văn. Để ví von về vùng đất hoang quê hương mình, nhà văn Phan Trung Nghĩa từng kể: “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh bềnh như bánh canh”...
 
Ấp nhà lầu tỷ phú
 
Thời gian dần trôi, đất hoang không phụ công người. Hơn 20 năm trước, vùng đất bán đảo Cà Mau bắt đầu chuyển mình “thay da đổi thịt”, trở thành vựa tôm, đầm cá trù phú và một số ấp làng thành tỷ phú như ngày nay.
 
Có được sự đổi thay này, người dân luôn ghi nhớ công lao to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
 
Nhiều cán bộ ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cho biết, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người chỉ đạo, đào kênh rạch quản lộ Phụng Hiệp dẫn nước ngọt từ thượng nguồn sông Hậu đi vào cánh đồng chó ngáp rửa phèn, làm ngọt hóa vùng bán đảo Cà Mau.
 
Trước, một hệ thống kênh rạch chằng chịt chạy ngang, dọc như thế trận trên bàn cờ. Sau, quá trình đào kênh đã tạo nên những biến đổi cho vùng đất hoang, người dân có thể trồng lúa và nuôi trồng thủy sản xen canh.
 
Chính hệ thống kênh rạch còn góp phần tạo ra một hệ thống giao thông vận tải đường thủy đi lại và trao đổi hàng hóa thuận lợi. Sau khi thuần hóa, chính vùng đất này là vựa tôm của cả nước. Con tôm, con cá, ba ba, cua, ếch… đã làm cho nhiều gia đình phất, lên giàu có ở vùng đất khiến nhiều người khiếp đảm một thời này.
 
Vợ chồng anh Tưởng và chị Xuân (ảnh phải) là một trong những tỷ phú ở xã Ninh Thạnh Lợi A.
 
Dẫn chúng tôi vào 'ấp nhà lầu', Chủ tịch xã Ninh Thạnh Lợi A cho biết, người dân ở trong xã thường gọi đây là xóm nhà giàu, nhà lầu hay ấp tỷ phú.
 
“Trước đây có một người giàu có đến đây xây dựng nhà lầu (nhà tầng - PV). Sau đó người dân quen miệng cứ gọi ấp nhà lầu 1 và 2, sau này trở thành tên gọi trong đơn vị hành chính của xã. Gọi riết rồi thành thật, người dân sống ở ấp này hầu như nhà nào cũng xây được nhà lầu khang trang” – ông Lúc tự hào trước thềm năm mới.
 
Vợ chồng anh Phan Văn Tưởng và chị Ngô Thị Xuân cho biết, họ đến đất này lập nghiệp đã hơn 20 năm. Gia đình giàu lên từ con tôm, căn nhà hơn 1 tỷ đồng anh chị đang ở cất lên từ gần 10 năm trước cũng từ đầm tôm mà ra.
 
Ông Dư Hoàng Lục – Chủ tịch xã Ninh Thạnh Lợi A (ảnh nhỏ): “Chúng tôi luôn nhớ đến công lao của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong việc đào kênh xáng và kéo đường điện qua vùng đất này”.
 
Hiện, anh Tưởng có 8 héc-ta nuôi tôm và cũng được coi là một tỷ phú ở xã này. Không chỉ làm kinh tế giỏi, vợ chồng anh còn có 2 người con đang học ĐH Luật TP.HCM và ĐH Y ở Cần Thơ sắp ra trường…
 
Chủ tịch Lục còn tự hào, toàn xã có 1.994 hộ dân thì phần lớn là gia đình nào cũng khá và giàu, chỉ có 7,5% là hộ nghèo.
 
Riêng tại ấp nhà lầu, có khoảng 30% hộ dân thu nhập 500 triệu đồng/năm, thu nhập 1 tỷ đồng/năm có khoảng 30 hộ dân.
 
Ngoài ra, ông Lục còn tiết lộ, có trên 60 hộ dân hộ dân có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng và hộ nhiều nhất có số tiền gửi 27 tỷ đồng…
 
Tết đến xuân về trên mọi nẻo đường. Người dân ở cánh đồng chó ngáp năm xưa đã và đang làm giàu lên từ chính vùng đất hoang vu...
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo