Tin tức - Sự kiện

Lãnh đạo ra quyết định gây lãng phí tiền tỷ, xử lý thế nào?

"Tập thể chịu trách nhiệm nghĩa là không có ai chịu trách nhiệm, do đó phải quy trách nhiệm cụ thể cho những người ra quyết định dẫn tới thất thoát lãng phí". Nhiều ĐBQH thẳng thắn chỉ rõ điều này tại phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

 Một quyết định có thể lãng phí vài chục tỷ

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí vừa qua mới chỉ chạm vào phần ngọn mà bỏ qua cái gốc, đó là do ban hành chính sách không phù hợp, quyết định không chính xác dẫn tới lãng phí hàng nghìn tỷ đồng, mà người ra chính sách cùng lắm chỉ bị khiển trách.
 
"Câu hỏi đặt ra ở đây là một quyết định sử dụng ngân sách nhà nước sai ngay từ lúc ban hành, lãng phí hình thành ngay từ khi ra quyết định rồi, thì việc thực hiện tiết kiệm chống lãng phí trong quá trình triển khai còn có tác dụng gì? Thực tế còn có biết bao nhiêu công trình dự án như là mía đường, sân bay, bến cảng, thủy điện, thủy lợi... đã được nói rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ thiếu vốn công trình không sử dụng được, sản xuất bị lỗ hoặc không sản xuất được, hoạt động cầm chừng theo kiểu có thì thương vương thì tội, mà nguyên nhân là các quyết định đầu tư đó thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa tính đến các yếu tố đảm bảo kinh tế xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn dẫn tới tiêu tốn nhiều nghìn tỷ đồng mà không phát huy tác dụng.
 
Dù hậu quả thấy rất rõ nhưng cuối cùng chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm, chưa thấy một văn bản nào chỉ ra cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong quyết định đó", bà Thúy nói.
 
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng). Ảnh: TTXVN.
 
Cũng theo bà Thúy, xã hội ta thường quan tâm tới thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày, nhưng ít ai nói đến tiết kiệm đầu tư dự án, và nêu thí dụ: Có những dự án đầu tư cho cảng biển không hiệu quả và các chuyên gia cũng đã cảnh báo trước nhưng vẫn ra quyết định, để rồi cảng biển nước sâu mà tàu trọng tải lớn vẫn không thể vào được, hàng hóa vẫn phải sang từ ngoài khơi, làm tốn thêm hàng triệu USD. Vậy thì có phải không biết trước được những bất cập đó không? Có phải không có chuyên gia để đánh giá cái được và mất sau mỗi quyết định được ban hành không?
 
Bà Thúy nhấn mạnh: "Đây là một sự lãng phí vô cùng tận, ở nhiều nước người ta xác lập trách nhiệm cá nhân của người ra quyết định rất rõ ràng, cho nên mọi quyết định được ban hành không dễ dàng như ở nước ta. Và ở nước ta, dường như quyết định thì do cá nhân nhưng hình thức thì là tập thể, để rồi khi xảy ra chuyện thì tập thể chịu trách nhiệm, tức là không ai phải chịu trách nhiệm cả, cơ quan này đỗ lỗi cho cơ quan khác.
 
Có người cho rằng đây là lỗ hổng của hệ thống cơ chế, mà suy cho cùng thì hệ thống cơ chế đó cũng do con người đặt ra. Trong không ít trường hợp thì chúng ta thường thấy quy về một lý do muôn thuở, đó là: Do năng lực của cán bộ hạn chế, giả sử điều này là đúng vậy thì lỗi hệ thống đó xuất phát từ quy trình đề bạt cán bộ.
 
Có thể nói chúng ta đang hết sức tập trung vào mặt trận chống tham nhũng mà để hổng mặt trận chống lãng phí, nhưng chưa chắc mặt trận này đã thua mặt trận kia về mức độ nguy hiểm. Thử so sánh một người tham nhũng 1 tỷ đồng với một người ra quyết định làm lãng phí vài chục tỷ đồng, ai là người gây hại cho dân cho nước nhiều hơn?"
 
Từ đó, ĐB Thúy đề nghị, sửa luật cần phải xác định trách nhiệm cá nhân rõ ràng với những người có thẩm quyền ra quyết định.
 
"Tôi thiết nghĩ dân mình còn nghèo, nước mình còn đang ở giai đoạn phát triển, hàng năm đều phải đương đầu với thiên tai dịch bệnh cho nên càng phải tiết kiệm chống lãng phí. Việc làm này mang đến hai cái lợi cùng một lúc: Vừa có thêm tiền đầu tư phát triển đất nước, vừa được lòng dân. Vì vậy đây là việc cần phải làm, làm kiên quyết và triệt để, mà có thể coi việc loại bỏ 400 dự án thủy điện là sự khởi đầu", bà Thúy bày tỏ.
 
Đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp... quy trách nhiệm người đứng đầu
 
ĐBQH Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, thời gian qua tình trạng đầu tư dàn trải hiệu quả thấp, nhiều công trình không thể đưa vào sử dụng, nhiều dự án BĐS phơi nắng phơi mưa đang diễn ra ở nhiều địa phương, các bộ ngành.
 
"Tôi đề nghị bổ sung thêm quy định chặt chẽ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ra quyết định đầu tư thiếu căn cứ khoa học, không bám theo quy hoạch đã được duyệt, hoặc đầu tư dàn trải thiếu đồng bộ, không vì mục tiêu phát triển cộng đồng, để xảy ra thất thoát lãng phí ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", bà Minh nói.
 
Bên cạnh đó, ĐB Minh cũng nêu rõ, trong dự thảo luật mới chỉ nêu quy định thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán quản lý sử dụng kinh phi nhà nước, mà chưa quy định thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong việc đăng ký cho việc mở trường công, trường tư, mở các cơ sở khám chữa bệnh tràn lan; cấp phép đầu tư các dự án kinh tế - xã hội không bám theo quy hoạch, không bám theo các chỉ tiêu phát triển theo hướng xã hội hóa đã được quy định tại Nghị quyết 05 về xã hội hóa y tế, giáo dục.
 
ĐB Minh chỉ rõ: "Thực tế thời gian qua không ít cán bộ được giao nhiệm vụ cấp phép trong những lĩnh vực y tế, giáo dục, do thiếu cập nhật thông tin, thiếu tầm nhìn, thiếu hiểu biết hoặc vì mục đích tư lợi cá nhân nên đã để xảy ra thất thoát lãng phí lớn về tài chính của các nhà đầu tư... tình trạng này diễn ra phổ biến ở nhiều nơi nhưng chưa được đưa vào dự thảo. Trong khi đó, quy định dành cho Kiểm toán Nhà nước về chế tài xử lý đối với hành vi gây lãng phí quy định còn chung chung, thí dụ như quy định giải trình của cá nhân với cơ quan chức năng thì trên đây là trách nhiệm đương nhiên của công chức, viên chức chứ không phải chế tài xử phạt".
Nguyễn Nguyễn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo