Tin tức - Sự kiện

Lãnh đạo TP Nam Định nói gì về việc đại biểu ùa vào đền Thiên Trường "xin lộc"?

Liên quan đến sự việc sau giờ Khai ấn đền Trần, nhiều đại biểu ùa vào trong đền Thiên Trường “xin lộc”, bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định cho biết, các đại biểu không tự lấy lộc mà được chia lộc theo lệ nhiều năm của các cụ tại đền Trần.

Lễ Khai ấn đền Trần Nam Định năm 2018 nhiều người dân và du khách đánh giá thành công nhất từ trước đến nay, mặc dù vẫn còn một số tồn tại như việc “đạo chích” vẫn hoạt động, nhưng tình trạng xô đẩy, chen lấn, cướp lộc, trèo lên ban thờ sau giờ Khai ấn… đã không còn. Đêm Khai ấn diễn ra khá “yên bình” trật tự và tôn nghiêm.

Tuy nhiên, một số người dân vẫn còn thấy hình ảnh sau giờ Khai ấn, đoàn đại biểu khách mời bắt đầu ùa vào đền Thiên Trường dâng hương cầu lộc, cầu tài… Chỉ ít phút sau đó, từng người cầm trên tay một cành hoa, đi từ nhà đền ra ngoài.

Một vị đại biểu đeo thẻ cầm trên tay nhành lộc từ trong đền Thiên Trường đi ra.

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban tổ chức lễ hội đền Trần cho biết: “Đúng là có tình trạng đại biểu cầm trên tay một cành hoa trên tay sau khi vào bên trong đền Thiên Trường dâng hương, nhưng phần lộc này các đại biểu không tự lấy, mà được các cụ trong nhà đền chia cho. Theo kế hoạch, để tránh tình trạng người dân ùa nhà đền vào như những năm trước “cướp lộc” dẫn đến tình trạng hỗn loạn, Ban tổ chức đã đưa ra kế hoạch là bao sái đồ thờ và các cụ chia lộc cho các đại biểu dự lộc, đấy là lệ nhiều năm của các cụ tại đền Trần, việc bao sái đồ thờ bắt đầu thực hiện từ năm ngoái và rất thành công".

Theo bà Phạm Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban tổ chức lễ hội đền Trần thì, phần lộc này các đại biểu không tự lấy, mà được các cụ trong nhà đền chia cho.

Theo lịch sử triều Trần, Lễ khai ấn Đền Trần là một tập tục có từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 thì được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.

Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn, năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là “Trần triều chi bảo”, ấn mới khắc là “Trần triều điển cố” để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu “Tích phúc vô cương” (Tích phúc vô bờ bến ). Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông.

Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo